Nhân lực công nghệ: Bất cập cầu tăng cung giảm


Trong khi các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang thiếu hụt nhân lực, thì vài năm trở lại đây, số lượng sinh viên vào ngành này lại giảm. Bên cạnh đó, các sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại ngữ cũng như công việc.
 

Nguồn nhân lực công nghệ giỏi đang thiếu hụt, đây là cơ hội cho các sinh viên. (Nguồn: Internet)

 

“Khát” nhân lực

 

Theo đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông,” đến năm 2020 Việt Nam cần 1 triệu nhân lực, trong khi tính đến 2010 chỉ mới có 226.000. Rõ ràng, đây là con số đầy tính hứa hẹn cho những ai đam mê kỹ thuật, công nghệ.

 

Tại một Hội thảo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phan Phương Đạt, Phó tổng giám đốc FPT Software cho hay, nhu cầu nhân lực của đơn vị này trung bình hàng năm tăng vào khoảng 30-40%.

 

Nếu như trong 2011, FPT Software dự định tuyển mới 1.541 nhân viên, (trong đó có 1.000 sinh viên mới tốt nghiệp) thì đến 2020, con số này vào khoảng 18.752 nhân viên (14.064 sinh viên mới tốt nghiệp).

 

Phía Tập đoàn công nghệ Intel cũng cho biết, họ rất cần nguồn nhân lực nội địa cho nhà máy của mình tại Việt Nam. Hiện, Intel chỉ có chưa đầy 500 nhân viên, song con số cần để nhà máy này hoạt động hết công suất là 4.000 người, trong đó sẽ có 70% là sinh viên mới ra trường.

 

Một lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông thì cho hay, đầu ra cho 1 triệu lao động công nghệ đã được đảm bảo. Dự báo đến năm 2015, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần khoảng 554.000 lao động, trong đó khoảng 50% có trình độ cao đẳng và đại học trở lên.

 

Thế nhưng, trong khi các đơn vị sở hữu nhân lực công nghệ có nhu cầu tuyển dụng, thì dường như việc tham gia ngành nghề này sau khi ngồi ghế nhà trường không được giới trẻ quá quan tâm.

 

Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT cho hay, từ năm 2008, số lượng người học về công nghệ thông tin-truyền thông giảm dần. Thông tin từ một số trường đại học giảng dạy ngành nghề này cho thấy, trung bình mỗi năm giảm 10-15%. Khảo sát học sinh trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy sức hút vào học ngành công nghệ thông tin-truyền thông giảm như năm 2009 là 9% và 2010 còn 6,5%.

 

Lý giải nguyên nhân, ông Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc VietSoftware cho rằng, hiện không có thông tin chính thức và đáng tin cậy về sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Việc phát triển nguồn nhân lực hiện nay tự phát là chính. Hơn nữa, chúng ta cũng thiếu một chiến lược tầm quốc gia về nhân lực công nghệ thông tin.

 

Một số chuyên gia cho rằng bên cạnh việc đầu vào các trường khó, thì quan trọng là định hướng nghề nghiệp của chúng ta cho học sinh chưa thực sự sắc bén, rõ ràng.

 

Yếu chuyên môn

 

Tuy nhân lực công nghệ vẫn là bài toán cần giải, nhưng thực tế trong những năm qua, việc sinh viên công nghệ mới ra trường phải đào tạo lại vẫn diễn ra hết sức phổ biến.

 

Hiệu trưởng Đại học FPT Lê Trường Tùng nhận định, những sinh viên công nghệ thường có khả năng tiếp thu công nghệ mới nhanh. Tuy nhiên, họ thường gặp những cái yếu rất… khó chấp nhận như: ngoại ngữ, tính chủ động, kỹ năng nghiên cứu, làm việc, kỹ năng mềm…

 

Theo ông, những cái “yếu” trên là bởi phương pháp đào tạo tại các cơ sở giáo dục về công nghệ thông tin hiện mang tính ghao giảng, không có nhiều sự cọ xát. Việc đào tạo ngoại ngữ ở phổ thông còn yếu và chưa được đưa thành mục tiêu trong đào tạo đại học.

 

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thượng Hải, Giám đốc phụ trách giáo dục Intel Việt Nam cho hay, hiện vẫn còn khoảng cách lớn giữa yêu cầu của công ty và trình độ, kỹ năng của sinh viên mới tốt nghiệp. Do đó, 100% nhân viên người Việt Nam khi vào Intel đều phải trải qua đào tạo nội bộ trước khi bắt đầu làm việc (từ 3-6 tháng).

 

Ông cũng nhận định, các sinh viên trước khi ra trường “cần được học theo và làm thực thực tập theo nhóm nhiều hơn, có kỹ năng phân tích, trình bày, giải quyết vấn đề, sáng tạo.”

 

Đặc biệt, việc giao tiếp tiếng Anh là đặc biệt quan trọng. Đây là một công việc hàng ngày, đòi hỏi các kỹ sư tại Intel Việt Nam cần phải có.

 

“Bởi vậy, các chương trình cử nhân kỹ thuật nên có nhiều phần thực hành, kỹ năng mềm, tăng cường giảng dạy bằng tiếng Anh…,” ông Hải nói.

 

Đồng tình, phía FPT Software cũng cho hay, đơn vị này xác định sinh viên mới ra trường khi vào làm việc phải trải qua chương trình “huấn luyện” ba tháng. Trong đó, bên cạnh việc “luyện” về văn hóa doanh nghiệp, quy trình làm việc thì họ bắt buộc phải ôn luyện về ngoại ngữ và công nghệ.

 

Như vậy, bức tranh thị trường nhân lực công nghệ được vạch ra đã rất rõ ràng. Doanh nghiệp thì “khát” nhân lực, nhưng vấn đề là những sinh viên có thực sự “say” với nghề. Bên cạnh đó, việc đào tạo tại các trường đại học cần đi vào thực tế, áp sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hơn là thuyết giảng./.

 

Theo Vietnam+

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875118

TRUY CẬP HÔM NAY: 138

ĐANG ONLINE: 9