Cần có chính sách phù hợp


QĐND - Từ đầu năm đến nay, tình hình lạm phát, giá cả tăng cao đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động. Rất nhiều lao động trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An… bỏ việc cũ đi tìm việc mới với hy vọng cải thiện thu nhập để trang trải cuộc sống. Trên thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) vẫn tăng, nhưng để có được lao động chất lượng tốt thì không phải là chuyện dễ.

Sinh viên tìm kiếm việc làm trên mạng

 

Bỏ việc vì thu nhập thấp

Mặc dù có nhiều cố gắng trong đổi mới công nghệ, bố trí thời gian làm việc, chăm lo đời sống của công nhân, nhưng nhiều DN vẫn chưa giữ chân được các lao động đã từng gắn bó với mình. Tình trạng lương tăng chậm, giá cả tăng nhanh, khiến đời sống của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Vì thế, nhiều công nhân đã quyết định bỏ việc đang làm, để đi tìm việc khác phù hợp hơn, thu nhập cao hơn. Điều này khiến cho lực lượng lao động ở các DN biến động liên tục. Tại các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) ở TP Hồ Chí Minh, có gần 30.200 lao động bỏ việc, chiếm khoảng 12,3% tổng số lao động đang làm việc. Ông Nguyễn Mạnh Khang, Giám đốc Công ty TNHH nhựa Cầu Vồng nói: “Công nhân bỏ việc khiến chúng tôi rất lúng túng vì không thể tuyển ngay các lao động khác được. Thiếu lao động sẽ làm cho việc sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn”.

Trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, tình trạng công nhân bỏ việc cũ, đi tìm việc làm mới với hy vọng có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống diễn ra khá phổ biến. Chúng tôi được biết, các DN lớn ở tỉnh Đồng Nai như: Tập đoàn Phong Thái, Taekwang Vina, Changshin... đã có nhiều biện pháp để giữ chân người lao động từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão như thăm hỏi tặng quà, bảo đảm lương, thưởng. Nhưng trước tình hình lạm phát, giá cả tăng nhanh hiện nay, một số công nhân quá khó khăn đã bỏ việc. Tại các DN trong KCN Việt Nam – Xin-ga-po, xung quanh thị xã Thủ Dầu Một và huyện Bến Cát của tỉnh Bình Dương, có khoảng 10% công nhân đã bỏ việc. Chị Nguyễn Thị Thành, công nhân một công ty may mặc ở thị xã Thủ Dầu Một cho biết: “Lương tôi một tháng có 1,8 triệu đồng thì làm sao sống được. Tôi phải rời công ty để đi tìm một việc khác”.

Đến các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng tôi cũng thấy thực trạng tương tự. Doanh nghiệp thì thiếu công nhân, trong khi nhiều người lại đang thất nghiệp là một nghịch lý. Điều này khiến cho thị trường lao động càng trở nên bất ổn. Vấn đề mà người lao động quan tâm hàng đầu là làm sao tìm được việc làm ổn định, có thu nhập cao vẫn khó giải quyết.

Nhu cầu tuyển dụng cao

Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động của 6 tháng đầu năm 2011 tăng bình quân từ 25% đến 30% so với 6 tháng cuối năm 2010.

Ở TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề cao như marketing, kế toán - kiểm toán, viễn thông, y tế, quản trị kinh doanh, kiến trúc – xây dựng… tăng tới 62,8%. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động của TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Mặc dù tình hình lạm phát trong nước vẫn ở mức cao, nhưng nhu cầu tuyển dụng của các DN vẫn rất lớn. Từ nay đến cuối năm, các DN trên địa bàn thành phố cần tuyển dụng khoảng 135.000 lao động, riêng trong quý III sẽ là 60.000 lao động. Ngoài ra, một số ngành dịch vụ đặc thù như giúp việc, bán hàng, chăm sóc người già, phục vụ cũng cần nhiều lao động”. Với định hướng phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2015, TP Hồ Chí Minh sẽ cần rất nhiều lao động làm việc trong các KCN – KCX và khu công nghệ cao.

Ở tỉnh Đồng Nai, dù tỷ lệ công nhân bỏ việc thấp hơn TP Hồ Chí Minh, nhưng các DN vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động ở nhiều lĩnh vực. Từ nay đến cuối năm, các DN ở Đồng Nai đang cần tuyển dụng từ 55.000 đến 70.000 lao động. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: “Với nhu cầu lao động cho các KCN-KCX ngày càng tăng cao, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều biện pháp để giới thiệu việc làm cho mọi người, như tổ chức sàn giao dịch việc làm, tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa DN và người lao động”.

Tại các tỉnh Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương, nhiều DN thiếu lao động còn phải cử người về các địa phương ở miền Trung, miền Tây để tuyển công nhân. Trong 5 năm tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của các địa phương sẽ tăng gấp 2 lần năm 2011. Nhu cầu tuyển dụng lao động cao, nhưng khi tuyển dụng được rồi, việc giữ chân họ để ổn định nguồn lao động vẫn là bài toán khó.

Cần có chính sách phù hợp

Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, nguồn cung lao động cho các ngành nghề như: Quản trị kinh doanh, điện - điện tử, cơ khí, hành chính văn phòng, xuất nhập khẩu, tin học, tài chính - ngân hàng - kiểm toán… sẽ tăng nhanh do có nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường. Bên cạnh đó, nhiều lao động phổ thông làm việc ở các ngành nghề đặc thù cũng rất cần việc làm để có thu nhập. Hơn thế nữa, việc tăng số lượng lao động hằng năm, nguồn lao động liên tục biến động do tiền lương thấp dẫn đến công nhân bỏ việc phải bố trí lại việc làm, chưa cân đối được giữa việc đào tạo với sử dụng lao động, đã tạo ra áp lực lớn cho công tác giải quyết việc làm của các địa phương.

Người lao động rất mong được sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội, nhất là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các DN, các cơ sở đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Ban Quản lý các KCN - KCX TP Hồ Chí Minh thì: “Cần phải gắn việc chuyển dịch lao động với phát triển kinh tế. Ưu tiên đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các ngành công nghệ cao”. Đối với các DN sản xuất, ngoài việc tích cực tham gia các phiên giao dịch giới thiệu việc làm, cần  có chính sách hợp lý để giữ chân người lao động như tăng lương, tăng thưởng, quan tâm đến nơi ăn, ở, sinh hoạt của công nhân. Lao động là nguồn nhân lực để làm giàu và phát triển đất nước. Vì vậy, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động là điều kiện tiên quyết để chúng ta hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Bài và ảnh: Lê Phi Hùng

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875305

TRUY CẬP HÔM NAY: 327

ĐANG ONLINE: 15