Lương tăng, nhưng thu nhập thực tế của lao động giảm


(LĐ) Kết quả khảo sát nhanh của Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Khoa học xã hội VN) trong tháng 8 với DN và người LĐ cho thấy: Mặc dù DN tăng lương cho người LĐ, nhưng thu nhập thực tế của họ không được cải thiện, thậm chí giảm.

 

Bởi hai lý do: DN tăng mức khoán sản phẩm và giá cả đời sống, sinh hoạt tăng cao. Thu nhập giảm sút khiến nhiều LĐ phải “chủ động” bỏ việc trong DN, ra ngoài kiếm việc có thu nhập cao hơn.

 

DN có tăng lương, nhưng…

 

Lương cao tạo lợi thế cạnh tranh trong tuyển dụng.
Lương cao tạo lợi thế cạnh tranh trong tuyển dụng.

Qua khảo sát, xét từ thu nhập thực lĩnh của người LĐ, tăng lương cũng như tăng đơn giá sản phẩm không đồng nghĩa với thu nhập của người LĐ được tăng lên. Nguyên nhân bởi cách thức trả lương của DN cũng thay đổi và phần lớn mức khoán sản lượng tăng dẫn tới thu nhập của công nhân tăng ở tỉ lệ thấp hơn tăng lương cơ bản/đơn giá sản phẩm.

 

Đơn cử như trong ngành giày da ở khu vực TP.Hồ Chí Minh và Hải Dương, theo phản ánh của LĐ, sản lượng đạt được của LĐ cả tăng ca trong năm 2010 là 2.350 sản phẩm, trong khi đó năm 2011 mức khoán đã là 2.400 sản phẩm/chuyền/ngày. Công nhân ngành điện tử lắp ráp khu vực Bình Dương và Bắc Thăng Long cho biết, năm 2010 mỗi LĐ đạt 4.500 sản phẩm/chuyền/ngày (cả tăng ca), trong khi năm 2011 phải đạt 6.000 sản phẩm mới được thưởng...

 

Nhiều công nhân may ở Hải Dương cho biết, lương cơ bản năm 2011 của họ là 2 triệu đồng/tháng (tăng 300 ngàn đồng so với năm 2010). Tuy nhiên, nếu như năm 2010 có thêm 800 ngàn đồng tiền phụ cấp thì năm 2011 khoản phụ cấp đó bị cắt, do vậy thu nhập thực lĩnh của LĐ giảm còn có 2 triệu đồng/tháng, trong khi năm 2010 đạt từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.

 

Trước sức ép tăng lương tối thiểu lên 2 triệu đồng/LĐ/tháng từ 1.10, nhiều DN cho biết sẽ gặp khó khăn hơn. Theo các DN vệ tinh ngành may ở phía nam, vào tháng 7 năm nay, DN đã tăng lương cơ bản cho LĐ từ 1,7 lên 1,8 triệu đồng/tháng và tăng phụ cấp khoảng 200 ngàn đồng. Vì vậy, nhiều DN khẳng định, từ 1.10, họ đành phải cắt phụ cấp đời sống của LĐ vừa mới có thêm.

 

Đành “chủ động” mất việc làm

 

Trước sức ép của giá cả lên thu nhập và chi tiêu, một bộ phận công nhân địa phương phải bỏ việc làm ở khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức tại địa bàn khác (khu đô thị) để có thu nhập cao hơn. Nguyễn Thị Thủy, hiện làm CN may ở Bình Dương cho biết: Công việc chỉ đủ hành chính, không có tăng ca nên em đành xin nghỉ việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời gian 3 tháng, em đi làm phụ xây. Thu nhập xét theo ngày có khá hơn, nhưng thất thường nên em lại xin vào làm việc lại ở Cty may.

 

Trần Văn Bình - công nhân một nhà máy điện tử ở Hà Nội cho biết: Thu nhập của em được gần 3 triệu đồng/tháng, nhưng được đến đâu chi tiêu hết đến đó, thậm chí đến kỳ lĩnh lương là đem đi trả nợ vì phải tiêu trước hết rồi. Về lý thuyết thì lương đã được tăng, nhưng đời sống vẫn khó khăn do vật giá tăng cao gấp rưỡi, gấp đôi so với năm ngoái.

 

Đại diện nhóm nghiên cứu Viện Khoa học xã hội VN cho hay, linh hoạt dịch chuyển LĐ từ khu vực chính thức sang phi chính thức để có mức lương cao hơn đang là lựa chọn của nhiều LĐ. Tuy nhiên, nhóm cũng khuyến cáo người LĐ nên cân nhắc kỹ giữa lợi ích trước mắt với lưới đỡ bảo trợ xã hội lâu dài bởi sự rời bỏ này đồng nghĩa với các chế độ an sinh xã hội của LĐ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

 

Ngọc Bảo

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722192

TRUY CẬP HÔM NAY: 6816

ĐANG ONLINE: 37