Phụ nữ nông thôn đang chịu nhiều thiệt thòi


Phụ nữa, trẻ em gái ở nông thôn đl đối tượng chịu nhiều thiệt thòi.

KTNT - Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ nông thôn (15/10), Kinh tế nông thôn phản ánh vài hình ảnh buồn về phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện nay.

 

“Chồng chúa, vợ tôi”

 

Do bực tức với thái độ bất kính của con rể, ông Lê Văn Sang ở xã Hải An (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) đã có đôi lời mắng mỏ. Không ngờ chiều hôm đó, cô con gái bồng con, khóc lóc chạy về nhà. Thì ra, do bị ông Sang mắng, anh con rể đã về nhà trút hết bực tức lên đầu vợ.

 

Gặp chúng tôi, ông Sang cho biết: Khi biết chuyện vô lý trên, tôi đã xuống nhà con rể hỏi cho ra nhẽ nhưng ai ngờ nó tuyên bố rằng: “Vợ tôi, tôi đánh. ông muốn dạy thì mang con về nhà mà dạy”.

 

Sáng tinh mơ, những phụ nữ ở thôn Nam Tiến, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) đã phải ra cửa biển để đợi thuyền cá của chồng về. Do phải quét dọn nhà cửa nên chị Nguyễn Thị Lợi ra biển muộn, chồng chị - anh Nguyễn Văn Tư về đến cảng nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy vợ đâu. Đến khi thấy chị Lợi đon đả chạy ra, anh Tư liền nhảy khỏi thuyền, đánh tới tấp vào người vợ. Chị Lợi vừa chạy, vừa khóc nhưng vẫn bị anh Tư đuổi theo tát tới tấp. Hàng trăm người dân hiếu kỳ đứng lại, không ai nói gì. Trông thấy cảnh trên, chúng tôi thật sự sốc, nhưng một người đàn ông đứng bên cạnh nói khẽ: “ở đây, chồng dạy vợ kiểu ấy là bình thường vì quan niệm “chồng chúa, vợ tôi” mà. Có những bà vợ bị đánh tới mức phải nhập viện nhưng không dám kêu ca với ai”.

 

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong 5 năm (2003 - 2008), các tòa án địa phương đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ ly hôn, trong đó có đến 186.954 vụ vợ bị chồng đánh đập, ngược đãi, chiếm 53,1% trong số các nguyên nhân dẫn đến ly hôn.

 

Tình trạng bạo hành trong các gia đình ở nông thôn phổ biến không chỉ do quan niệm “chồng chúa, vợ tôi” mà còn do ma men. Trong men rượu, nhiều ông chồng đã không kiểm soát được hành vi của mình, hậu quả là nhiều người vợ bị những trận đòn thừa sống thiếu chết.

 

Ngoài ra, nạn bạo hành vẫn còn đất sống cũng bởi chính tư tưởng chịu đựng, nhẫn nhịn của phần lớn phụ nữ nông thôn. Họ sợ chuyện vỡ lở ra bên ngoài sẽ bị mọi người chê cười, sợ họ hàng nhà chồng dè bỉu, con cái xấu hổ với bạn bè,...

 

“Ô-sin” trong nhà!

 

Một thực tế đang tồn tại ở nhiều vùng nông thôn hiện nay là sự bất bình đẳng trong phân công công việc, người phụ nữ phải đảm đương, quán xuyến nhiều việc nặng nhọc. Họ vừa phải tròn vai công việc xã hội trong khi vẫn hoàn thành tốt thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình. Nhiều người than thở: “Tôi chẳng khác gì ô-sin trong nhà”. Gánh nặng đó không phải người đàn ông nào cũng sẵn sàng chia sẻ với vợ. Mặt khác, trong những gia đình thuần nông, thời gian lao động thực tế trong năm chỉ vài ba tháng, trong khi thời gian dôi dư quá nhiều, muốn làm nghề phụ lại không có nên thu nhập của các gia đình rất thấp, khiến phụ nữ nông thôn càng thêm vất vả.

 

TP. Hồ Chí Minh hiện có trên 100.000 người trực tiếp lao động trong nông nghiệp, trong đó nữ chiếm hơn 50%, tuy nhiên, số lao động này cũng không hẳn có việc làm ổn định, đời sống rất bấp bênh.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho hay, ước tính tỷ lệ thất nghiệp lao động khu vực nông thôn là 7,86% (70.000 người), trong đó lao động nữ không có việc làm chiếm 60% (tương đương 42.000 người).

 

Hiện, nữ giới trong độ tuổi lao động ở nông thôn có trình độ học vấn thấp khá phổ biến. Nguyên nhân chính là do nhiều bậc phụ huynh vẫn quan niệm rằng con gái học nhiều cũng chẳng nên cơm cháo gì! Chính suy nghĩ bảo thủ, lạc hậu này đã khiến lao động nữ ở nông thôn rơi vào tình trạng khó tìm việc làm khi ruộng đất ngày càng bị thu hẹp do đô thị hoá, công nghiệp hóa.

 

Để tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn phát triển toàn diện, rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Trong đó, ngăn chặn bạo hành gia đình và tạo công ăn việc làm ổn định cho họ là những việc quan trọng hơn bao giờ hết.

 

Để khắc phục, hạn chế tình trạng bạo hành gia đình, nạn nhân rất cần một chỗ dựa từ phía cộng đồng. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, Luật Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực gia đình được thực thi (1/7/2008), các nạn nhân vẫn đơn độc.

Theo Luật Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực gia đình, thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền xã đối với các vụ bạo lực gia đình là rất quan trọng. Đơn cử, công an xã phải xác minh sự việc, tiếp nhận đơn của nạn nhân và gia đình, cách ly người gây bạo hành và có thể xử phạt tới 20 triệu đồng.

Tình trạng bạo lực gia đình sẽ giảm nếu các nạn nhân biết đấu tranh cho bản thân, nhưng sẽ không thể hiệu quả nếu thiếu sự chia sẻ từ phía cộng đồng.

Duy Phong


TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024876313

TRUY CẬP HÔM NAY: 1394

ĐANG ONLINE: 17