Dự báo những ngành 'hot' nhất ở TPHCM


TP HCM luôn là địa phương thu hút nguồn nhân lực lớn nhất nước. Trong thời gian tới, nguồn nhân lực của thành phố sẽ biến động ra sao? Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung Tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM sẽ nhận định về vấn đề này.

 

Dự báo những ngành \'hot\' nhất ở TPHCM


Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung Tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết, năm 2011 và những năm sắp tới do nền kinh tế phục hồi và phát triển, nhiều doanh nghiệp sẽ tăng nhu cầu thường xuyên tuyển lao động bao gồm lao động quản lý; chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông. Giai đoạn 2011 2015 dự kiến tốc độ tăng việc làm từ 3 - 5%/ năm. Vì vậy, TP HCM sẽ cần 280.000 - 300.000 lao động một năm.

 

Theo ông, lĩnh vực nào sẽ cần nhiều nhân lực và ngành nghề nào sẽ “hot”?

 

Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng nhu cầu nhân lực tại thành phố gồm: Quản lý kinh tế - Kinh doanh - Quản lý chất lượng; Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Bán hàng - Marketing - Nhân viên Kinh doanh; Tài chính - Ngân hàng (nhân lực chuyên môn cao, ở cấp độ quản lý) - Kế toán - Kiểm toán; Tư vấn - Bảo hiểm; Pháp lý - Luật; Nghiên cứu - Khoa học; Quản lý nhân sự - Tổ chức, Hành chánh văn phòng; Giáo dục - Đào tạo - Thư viện; Ngoại ngữ - Biên phiên dịch; Xây dựng - Kiến trúc; Công nghệ thông tin -Viễn thông - Truyền thông; Cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy; Điện - Điện tử - Điện công nghiệp - Điện lạnh; Giao thông-Vận tải-Thủy lợi-Cầu đường; Dầu khí - Địa chất, Môi trường- Xử lý chất thải; Thiết kế - Đồ họa - In ấn - Bao bì - Xuất bản; Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu; Công nghệ cao trong Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản; Y tế - Chăm sóc sức khỏe - Mỹ Phẩm, Dược - Công nghệ sinh học; Hóa-Hóa thực phẩm- Hóa chất-Hóa dầu, Dệt - May - Giày da.



Dựa trên căn cứ nào để ông đưa ra nhận định trên?

 

Chúng tôi đã làm cuộc khảo sát, điều ra rất vất vả trong tổng số 8.000 doanh nghiệp tại TP.HCM mới có thể đưa ra được những dự báo như trên.

 

Hiện, đa phần các trường ĐH, CĐ đặt chủ lực vào khối ngành kinh tế. Ông nhận xét gì về vấn đề này?

 

Ở 488 trường ĐH, CĐ của cả nước thì có đến 360 cơ sở có đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 cơ sở mở ngành kế toán, 297 cơ sở mở ngành Công nghệ - Thông tin, 193 cơ sở đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng… Điều này có thể thấy, khối ngành kinh tế đang nhận được sự quan tâm của các nhà đạo tạo và cả người học. Ngay trong các mùa tuyển sinh gần đây, đa số thí sinh cũng chọn thi khối ngành kinh tế, đông nhất là tài chính - ngân hàng, kế toán. Tuy nhiên, khi chọn ngành nghề, người học cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn. Quan trọng là chú ý đến nhu cầu nguồn nhân lực ngành nghề của tương lai, phù hợp với thời gian sau khi ra trường.

 

Dự báo những ngành \'hot\' nhất ở TPHCM, Tin tức trong ngày, tuyen sinh 2011, thi dai hoc 2011, thi sinh, truong dai hoc, diem thi, sinh vien

Để dễ xin việc, thí sinh nên chọn ngành nghề đang cần nhân lực.

 

Ông nhận định gì về thông tin hướng nghiệp thời gian qua?

 

Phát triển thị trường lao động cần rất lớn nguồn nhân lực giỏi nghề đó là những kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ Cao đẳng,Trung cấp; Công nhân kỹ thuật lành nghề. Trong xã hội đã có nhiều người thành đạt lớn từ khởi nghiệp học nghề. Nhưng thực tế các học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT không muốn học nghề đang trở thành vấn đề của xã hội. Nguyên nhân do những định kiến, tâm lý trọng bằng cấp còn tồn tại ở hầu hết các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó còn nhiều lý do như việc thiếu thông tin về ngành học, chưa biết giá trị bản thân phù hợp với ngành mình học, thiếu định hướng trong việc chọn nghề. Do thiếu thông tin về nhu cầu và tiêu chí tuyển dụng lao động nên nhiều người không biết chọn nghề hoặc học nghề trái với nhu cầu xã hội.

 

Khi chọn nghành nghề, thí sinh cần lưu ý điều gì, thưa ông?

 

Thí sinh cần biết năng lực, kiến thức bản thân, công việc quan tâm, khả năng kinh tế gia đình để xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp. Tìm hiểu thị trường lao động, cơ sở đào tạo để biết nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo.

 

Nếu cảm thấy “nghi ngờ” lựa chọn ngành học, việc làm nên tìm đến các nhà tư vấn tại các trường đào tạo nghề, các tổ chức hỗ trợ SV - HS, tổ chức tư vấn đào tạo - giới thiệu việc làm. Tuy nhiên việc tư vấn thị trường lao động chỉ là vấn đề tham khảo, vấn đề là bản thân phải xác định được tâm huyết học nghề theo sở trường. Hãy xác định nghề nghiệp là yêu cầu học tập suốt đời. Việc làm là quá trình hoàn chỉnh nghề nghiệp và thăng tiến.

 

Xin cám ơn ông!

 

“Khảo sát gần 20.000 SV tại các sàn giao dịch việc làm cho thấy, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học là 60%. Chỉ có 5% hiểu rất rõ, 20% có hiểu biết tương đối, 75% không hiểu biết về ngành nghề đã chọn. Hiện có khoảng 80% SV sau khi tốt nghiệp tìm được việc, còn 20% tìm việc rất khó, hoặc không tìm được việc. Trong số SV tìm được việc, chỉ 50% có việc làm phù hợp; 50% làm trái ngành nghề, thu nhập thấp; chưa ổn định và có thể phải chuyển việc”, ông Trần Anh Tuấn

Nguồn: vietbao.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024925046

TRUY CẬP HÔM NAY: 5225

ĐANG ONLINE: 56