Mùa thi và vấn đề thừa thiếu nguồn nhân lực


Vietnam.vn: Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 đã được khởi động. Xu hướng “quay lưng” với các ngành học xã hội nhân văn chưa dừng lại, và hậu quả nhãn tiền là sẽ thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực khoa học xã hội và dư thừa, lãng phí nhân lực các ngành kinh tế tài chính.
 

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 đã được khởi động với việc hồ sơ dự thi của các thí sinh đã được chuyển về các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội hôm qua 10/5, và tại TP Hồ Chí Minh vào ngày mai 12/5. Số lượng hồ sơ dự thi tuy có giảm so với năm ngoái, song điều đó không đáng lo ngại bằng xu hướng “quay lưng” với các ngành học xã hội nhân văn chưa dừng lại. Và hậu quả nhãn tiền là sẽ thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực khoa học xã hội và dư thừa, lãng phí nhân lực các ngành kinh tế tài chính.

Rất ít thí sinh đăng ký dự thi khối C

Theo thông báo trong buổi bàn giao hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng của các Sở Giáo dục- Đào tạo cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội sáng 10-5, lượng hồ sơ ít hơn đáng kể so với năm 2011. Trong đó, lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào khối A vẫn áp đảo, khối C thì lèo tèo.

 




Chọn trường nào để dự thi là mối quan tâm hàng đầu của các thí sinh

Theo thống kê, Hà Nội vẫn dẫn đầu số lượng hồ sơ đông nhất khu vực phía Bắc: hơn 164.000 bộ, giảm 2.000 bộ so với năm 2011. Số ĐKDT vào khối A nhiều nhất, với 47,07%; khối B là 14,22%, khối D là 24,51%, thấp nhất là khối C v ới 4,54%.

Số hồ sơ của tỉnh Thanh Hóa ĐKDT vào khối A là 55,72%; khối C chiếm 8,01%. Con số tương ứng của tỉnh Thái Bình là hơn 50%, và 10%.

Tại Hải Phòng, trong số hồ sơ ĐKDT là 39.318, khối A chiếm 21.500 hồ sơ; khối C chỉ 1.200 hồ sơ…

Thống kê ban đầu, Đà Nẵng có gần một nửa hồ sơ ĐKDT khối A, trong khi khối C rất ít, chỉ nhỉnh hơn 3%. TP HCM cũng tương tự, có những trường THPT tới 2.000 học sinh nhưng hồ sơ ĐKDT vào khối C chỉ là vài chục…

Theo thạc sỹ Đoàn Hữu Hoàng Khuyên, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hướng chọn nghề của thí sinh hiện nay đã mang tính thực dụng hơn. Tính lý tưởng trong nghề nghiệp không còn được coi trọng nữa. Xu thế lựa chọn nghề nghiệp của các bậc phụ huynh và học sinh hiện nay thường là đảm bảo được công ăn việc làm sau khi ra trường. Suy nghĩ này khiến lượng hồ sơ dự thi được nộp vào khối A, B sẽ cao hơn.

Do ngày càng ít thí sinh ĐKDT khối C dẫn đến nhiều trường giảm quy mô hoặc bỏ các chuyên ng ành đào tạo môn xã hội. Nắm được xu hướng của thí sinh nên ngay cả nhiều trường đại học khối xã hội năm nay cũng mở thêm ngành khối A để hút thí sinh. Như Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh thêm khối A cho 3 ngành học là Quan hệ công chúng và quảng cáo, Kinh tế chính trị và Xã hội học. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội có 12/18 ngành đào tạo có tuyển sinh khối A. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM từ vài năm nay đã tuyển sinh khối A cho 5 ngành học. Năm nay nhà trường bổ sung khối A1 cho 5 ngành này, đó là Triết học, Địa lý học, Xã hội học, Khoa học thư viện và Quy hoạch vùng và đô thị…

Không chỉ là thiếu và thừa

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận: “Đúng là số hồ sơ thí sinh đăng ký thi ĐH về chuyên ngành xã hội nhân văn ngày càng giảm. Năm 2010 số thí sinh thi khối C chiếm 7,8%, còn năm 2011 là 6,4%. Trong khi đó, số lượng thí sinh đăng ký thi các ngành quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng... lại tăng nhanh. Điều này đang ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Không khó lý giải vì sao lại có hiện tượng thí sinh đổ xô thi vào khối kinh tế tài chính ngân hàng mà thờ ơ với các ngành khoa học xã hội. Khá đông giáo viên và thí sinh cho rằng thực tế khối C (Văn, Sử, Địa) đang ngày càng ít được thí sinh chọn lựa chủ yếu do những ngành tuyển sinh khối C vừa ít, vừa khó tìm việc khi ra trường, có việc thì lương cũng thấp. Thêm nữa, những kiến thức các môn xã hội chưa khiến học sinh hứng thú. Kiến thức quá nhiều cộng thêm phải vận dụng tư duy xã hội của môn học vào bài thi càng làm các em ngại ngần khi chọn học.



Tâm lý chung của sinh viên khi lựa chọn các ngành kinh tế, tài chính là do có nhiều cơ hội việc làm

Ngược lại, tâm lý chung của sinh viên khi lựa chọn các ngành kinh tế, tài chính là do có nhiều cơ hội việc làm và sức hấp dẫn về lợi nhuận.

Ông Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Phú (TP.HCM) nhận định: xu hướng thí sinh ít chọn khối C cũng là xu hướng chung của các trường. Nguyên nhân do số trường có tuyển sinh khối này ngày càng ít dần. Cơ hội chọn trường, chọn ngành của học sinh theo khối C bị bó hẹp so với các khối khác. Chọn trường là chọn cơ hội vào đời. Không thể trách học sinh khi các em chọn cho mình cánh cửa rộng mở hơn.

Anh Nguyễn Hùng Cường, Vinatest (tổ chức Khảo sát và đánh giá độc lập liên quan đến giáo dục, nhân sự) cho rằng: “Với những năm kinh nghiệm làm tuyển dụng, tôi thấy cơ hội việc làm cho những người học ngành xã hội không nhiều. Nếu coi cơ hội việc làm là 10 thì có 6, 7 phần là thuộc về người học khối A. Khối C chỉ có 1 đến 2 cơ hội. Hiện nay, các công ty có việc làm cho khối ngành xã hội rất ít. Những người học khối C muốn xin được việc thường phải học thêm một văn bằng nữa.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM, thì hiện tượng học sinh nói không với khối C đang dẫn đến tình trạng mất cân đối trầm trọng nguồn nhân lực. Mỗi năm TP HCM có 265 ngàn chỗ làm trong lĩnh vực khoa học xã hội, chiếm 8% nhu cầu nhân lực, nhưng hiện tại nguồn nhân lực này chưa đáp ứng đủ. Với các nước đang phát triển, sự phát triển của các ngành khoa học xã hội là không thể thiếu. Nguyên do ở chỗ, bản thân các ngành KHXH chưa làm rõ được nguồn nhân lực, và chưa có chính sách thu hút rõ ràng. Những người có trình độ đại học ngành này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, thiếu các kỹ năng cơ bản như khả năng nghiên cứu, thuyết trình. Đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu thực tế và công tác đào tạo.

Hiện nay, nguồn nhân lực tài chính ngân hàng chỉ chiếm 4% nhu cầu của thị trường lao động. Trong khi đó, học sinh lại đổ xô vào những ngành nghề này. Theo thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo, ba năm trở lại đây, số sinh viên theo học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên. Cả nước cũng có tới 60% các trường đại học có đào tạo các ngành thuộc khối tài chính, kinh tế, ngân hàng. Sau khi tái cấu trúc nền kinh tế, sẽ thừa hàng loạt



Ba năm trở lại đây, số sinh viên theo học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên

Trả lời phỏng vấn báo chí, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương Hoàng Văn Châucho biết: "Nguyên nhân do nền kinh tế chung rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nguồn nhân lực ngành tài chính, ngân hàng giảm. Nhiều ngân hàng phải tái cấu trúc hoặc sát nhập. Thực tế ở các nước phát triển, họ đào tạo số lượng sinh viên ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng rất ít. Nước ta đang đào tạo ào ạt. Thời gian tới sẽ dẫn đến tình trạng thừa".

Điều dễ dàng nhận ra việc thị trường lao động đang và sẽ rơi vào tình trạng mất cân đối trầm trọng. Và, chỉ vài năm tới thôi, các cử nhân của khối ngành này sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt để có một vị trí làm việc phù hợp.

Theo công bố thông số nhân lực cuối năm 2010 của Vietnamworks - nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến, nhu cầu nhân lực cho ngành ngân hàng giảm 14%. Dự báo các nhóm ngành khối kinh tế, ngân hàng sẽ bão hòa và rất khó khăn khi tìm việc trong vòng 4-5 năm sau.

Rõ ràng hiện nay, chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn lao động trong các ngành khoa học xã hội như xã hội học, lưu trữ, công tác xã hội, nhân học, tâm lý học, xã hội học, lịch sử… Một xã hội phát triển, phải vừa đảm bảo sự phát triển kinh tế, vừa đảm bảo sự phát triển văn hóa, xã hội. Khoa học xã hội là nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững. Hiện nay chúng ta đang thiếu dần những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực khoa học xã hội. Các ngành khoa học xã hội cần phải đưa ra những chính sách cụ thể thu hút nhân lực.

GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học lo ngại: "Cục diện này chưa phải đã đến đáy, nhưng cái đáy đó ai cũng đã nhìn thấy. Đừng chờ đến đáy mới giải quyết vấn đề. Bởi điều này về sâu xa báo hiệu sự suy giảm rất nghiêm trọng về giá trị nhân văn".



Sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM trước giờ lên đường tham gia hoạt động tình nguyện

TS. Lê Đông Phương (Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam) cho rằng: Trong suy nghĩ của nhiều người vẫn không hiểu những người học khoa học xã hội là học cái gì, rất mù mờ. Cho nên ngay từ đầu khoa học xã hội đã bị nhìn nhận sai. Hơn nữa, lối tư duy học gì thì làm nấy, như học sử thì làm sử, cũng là một cách hiểu sai nghiêm trọng, đó là tàn dư của của hệ thống đào tạo thời bao cấp. Giờ, việc học và làm khác nhau, đòi hỏi một kiến thức liên ngành, việc học chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản. Có những người học sử- văn, vẫn làm kinh doanh rất giỏi.

Nhưng việc đua nhau chọn các ngành học kinh tế, ngân hàng, theo phong trào sẽ lãng phí về nguồn nhân lực. Ở các nước phát triển, họ luôn có những số liệu công bố và nhu cầu lao động theo quý, năm. Và người lao động căn cứ vào đó để định hướng lựa chọn ngành nghề. Còn ở ta, thiếu một mối liên hệ giữa nhà trường và thị trường lao động. Việc tư vấn hướng nghiệp cũng chỉ rời rạc, chỉ tư vấn được học gì, nhưng chưa tư vấn được sẽ làm gì, nhu cầu xã hội cần gì. Nên sẽ dẫn đến sự lựa chọn theo đám đông của phần đa lao động.

"Việc khuyên thí sinh chuyển sang các khối ngành xã hội chỉ có hiệu quả khi bức tranh việc làm của sinh viên khối ngành này sau khi ra trường sáng sủa hơn"- PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Giáo dục - Đào tạo).

Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học diễn ra vào tháng 2 vừa rồi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm nguyên nhân của sự lệch lạc khối ngành tuyển sinh, nhanh chóng làm rõ vì sao trong những năm gần đây có tới 60% các trường Đại học, Cao đẳng tuyển sinh khối ngành kinh tế. Nếu kéo dài trong nhiều năm nữa, khối ngành kinh tế sẽ bão hòa, sinh viên ra trường khó xin việc. Sự dư thừa nguồn lực khi đó cũng sẽ là một gánh nặng cho xã hội./.

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722663

TRUY CẬP HÔM NAY: 7318

ĐANG ONLINE: 24