TP. HỒ CHÍ MINH: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH NGHỀ Ở NÔNG THÔN


 

(ĐCSVN) - Lao động trong các ngành nghề ở nông thôn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngày càng có xu hướng giảm do phát triển cơ giới hóa và do thu nhập từ các cơ sở sản xuất không cao so với các nghề phi nông nghiệp khác.

 

Theo Chi cục phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó khu vực ngoại thành có 24 ngành nghề, vùng đô thị hoá có 10 ngành nghề và vùng nội thành có 31 ngành nghề. Các ngành nghề rất đa dạng về qui mô và lĩnh vực, như: liên quan đến chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản (bánh tráng, bún tươi, giò chả, nem…); sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; hoa, cây cảnh đồng thời các hoạt động tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất…

 

Các cơ sở sản xuất truyền thống ở nông thôn có thể phát triển ở nhiều loại hình, từ hộ sản xuất gia đình, đến những doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ tổ hợp tác đến hợp tác xã; có thể làm vệ tinh cho những tập đoàn kinh tế lớn, có khả năng linh hoạt giải quyết những đơn đặt hàng lớn.

 

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện nay, các ngành nghề ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn khi phát triển. Hệ thống giao thông đến các làng nghề, đặc biệt hệ thống thông tin liên lạc, quảng bá sản phẩm, hệ thống các ngành sản xuất hỗ trợ, nhất là trong các khâu sản xuất, khai thác và xử lý nguyên vật liệu phục vụ cho các loại ngành nghề dù đã được tăng cường vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...; chưa có các trung tâm đào tạo, cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, trung tâm xúc tiến thương mại, bảo tàng về nghề thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, môi trường một số làng nghề đã và đang có thể bị ô nhiễm do sự phát triển tự phát và sử dụng những công nghệ sản xuất lạc hậu.

 

Nghề bánh tráng ở Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).
(Ảnh: Liên minh HTX Thành phố)


Thêm vào đó, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, lao động trong các ngành nghề ở nông thôn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngày càng có xu hướng giảm do phát triển cơ giới hóa và do thu nhập từ các cơ sở sản xuất không cao so với các nghề phi nông nghiệp khác.

Cũng theo ông Tuấn, chính nền kinh tế thị trường đã “sàng lọc” các sản phẩm nghề truyền thống tại các địa phương một cách tự nhiên. Những sản phẩm ở nơi nào phù hợp với nhu cầu thị trường thì tồn tại phát triển và ngược lại thì tàn lụi, thu hẹp dần. Thế nên, ở TP. Hồ Chí Minh, có những làng nghề phát triển hơn cả trăm năm nay như làng đan đát ở Củ Chi nhưng cũng có những làng nghề đã mai một như làng nghề nem ở phường Linh Đông quận Thủ Đức; có những làng nghề đang ổn định phát triển như làm bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, nhưng cũng có những làng nghề hoạt động cầm chừng như làng nghề sơn mài Bình Mỹ…

 

Mặc dù, tại nhiều làng nghề trong Thành phố vẫn còn đội ngũ nghệ nhân với tay nghề cao, giàu tâm huyết và có khả năng truyền dạy nghề cho lớp thợ trẻ. Song do quá trình đô thị hoá và chuyển dịch lao động nông thôn vào các khu công nghiệp nên lao động làng nghề biến động, lao động có tay nghề cao cũng đã bỏ nghề và tìm công việc mới tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

 

Nói về nguồn nhân lực tại các ngành nghề ở nông thôn của Thành phố, ông Tuấn chia sẻ, năng lực, kinh nghiệm quản lý sản kinh doanh của các chủ hộ, cơ sở sản xuất; trình độ kiến thức và tay nghề của người lao động trong các làng nghề còn hạn chế. Theo điều tra của Chi cục Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh còn đến hơn 39,7% chủ hộ sản xuất có trình độ học vấn cấp 1; 69,4% chủ hộ sản xuất tại làng nghề chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kiến thức quản lý (trong đó có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm tỷ lệ 2,6%). Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đây thực sự là khó khăn lớn để sản xuất ở các làng nghề đáp ứng được những chuẩn mực quốc tế.

 

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố, trong giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020, mỗi năm bình quận trên địa bàn Thành phố thu hút khoảng 260.000-270.000 chỗ làm việc, trong đó, riêng nhân lực ngành thủ công mỹ nghệ cần từ 7.000-8.000 lao động giỏi nghề. Thế nhưng, làm sao để đáp ứng được số nhân lực này khi hiện nay, lao động ở các làng nghề không còn “mặn mà” với chính nghề truyền thống của mình; khi mà các cơ sở dạy nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các cơ sở?

 

Để đẩy mạnh việc mở rộng thị trường, nâng cao công nghệ sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường đòi hỏi phải có nhiều ưu đãi cho các làng nghề. Điển hình là nên có sự hỗ trợ vốn vay và công nghệ từ phía các cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các làng nghề nên hình thành các tổ hợp sản xuất để từ đó có sự liên kết trong quảng bá thương hiệu; mở rộng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các làng nghề, để các ngành nghề ở nông thôn thật sự góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực này, ông Tuấn nhấn mạnh, việc đào tạo nghề cho lao động làng nghề nên triển khai ở cả 3 cấp độ. Đó là, đào tạo cho những lao động phổ thông chưa biết nghề để họ có ít nhất một nghề thông thạo; bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới cho những người đã có nghề nhưng chưa thành thạo, để họ trở thành thợ giỏi; bổ túc kiến thức khoa học, công nghệ mới cho các nghệ nhân để họ cập nhật được những yếu tố mới.

 

Song song đó, cần đẩy mạnh "xã hội hóa" trong công tác đào tạo nghề, nghĩa là bên cạnh hệ thống trường lớp, các cơ sở công lập cần thu hút các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp tham gia vào việc dạy nghề; tổ chức những lớp dạy nghề ngay tại mỗi làng nghề, giáo viên là những nghệ nhân, thợ giỏi./.

Các từ khóa theo tin:

VL

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024724227

TRUY CẬP HÔM NAY: 8937

ĐANG ONLINE: 26