Cung không đáp ứng cầu


Ngày 31/7/2012, Trường Đại học (ĐH) Công nghệ Sài Gòn (STU) đã tổ chức Hội thảo “Nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ”, quy tụ nhiều nhà khoa học công nghệ, quản lý lao động và chuyên gia giáo dục ĐH. Hội thảo đã đề cập đến thực trạng mâu thuẫn giữa cung và cầu trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực các ngành công nghệ; tìm nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng manh mún, bất cập, không đồng bộ hiện nay.

 

Ưu tiên phát triển công nghệ cao

 

Theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 2011-2020 của Chính phủ, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng sẽ tăng từ 10,8 triệu người năm 2010 (22% tổng nguồn nhân lực) lên 15 triệu người vào năm 2015 (chiếm 27%) và lên 20 triệu người vào năm 2020 (31%), trong đó ưu tiên nguồn nhân lực qua đào tạo.

Chỉ riêng tại TP.HCM, theo dự báo nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, thành phố sẽ ưu tiên phát triển nhân lực cho các ngành công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao (CNC). Trong đó, ưu tiên cho 4 ngành: cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin (CNTT); chế biến thực phẩm (tinh chế); hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm.

 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (TTTTLĐ) TP.HCM, hiện đang có 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu cao (mỗi ngành từ 6-8% tổng nguồn nhân lực), trong đó có các ngành công nghệ: Dệt may - Da giày, Hóa - Hóa chất - Y dược - Mỹ phẩm, Cơ khí - Luyện kim - Công nghiệp ôtô xe máy, Điện - Điện tử - Viễn thông - CNTT, Xây dựng - Kiến trúc - Giao thông vận tải, Chế biến thực phẩm.

 

Chiến lược nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu về nhân lực có trình độ cao, bao gồm: Quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và luật quốc tế; Giảng viên ĐH, CĐ; Khoa học - công nghệ; Y tế, chăm sóc sức khỏe; Tài chính - ngân hàng; CNTT. Theo đó, tỉ lệ nhân lực qua đào tạo sẽ tăng nhanh dưới các hình thức, trình độ khác nhau. Trong đó, tăng nhanh nhất ở các ngành Công nghiệp; Xây dựng; Dịch vụ...

 

Theo số liệu khảo sát tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hơn 60% số người tham gia trả lời cho rằng ngành nghề nóng nhất hiện nay là Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh. Kết quả tuyển sinh trong 3 năm gần đây cũng cho thấy, nhóm ngành Tài chính - ngân hàng, Kinh tế vẫn là nhóm ngành chiếm thứ hạng cao nhất trong sự lựa chọn của thí sinh. Kế tiếp là các nhóm ngành Y - dược; Kế toán - kiểm toán; Luật; Dịch vụ y tế và cuối cùng là nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử, Điện tử và viễn thông...

 

Mặc dù, theo dự báo nguồn nhân lực trong 5 năm tới, tỉ lệ thất nghiệp ở khối ngành Tài chính- ngân hàng sẽ rất cao, do cung đã vượt cầu. Nhưng theo kết quả khảo sát mới nhất của Trường ĐH FPT, từ 20.000 học sinh lớp 12 trên toàn quốc - đối tượng tham gia dự thi ĐH, CĐ năm 2012, vẫn có đến 23% thí sinh có nguyện vọng theo học khối ngành này. Trong khi, các khối ngành CNTT - Điện tử Viễn thông; Du lịch - khách sạn - nhà hàng... chỉ có 15% thí sinh có nguyện vọng theo học, dù các ngành nghề này sẽ rất “khát” nhân lực trong thời gian tới.

 

Theo bà Lê Thị Ngọc Phượng, Trưởng phòng Đào tạo STU: “Thế mạnh của trường là đào tạo các ngành công nghệ, nhưng thực tế vẫn gặp khó khăn trong tuyển sinh. Mặc dù nhà trường đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút người học, với mức học phí ngang bằng, thậm chí thấp hơn các ngành khác, nhưng vẫn không thu hút được người học, mỗi lớp cũng chỉ có 15-20 SV theo học ngành công nghệ”.

 

Thực tế, ngành Kỹ thuật công nghệ đã và đang rất thiếu nhân lực qua đào tạo. Theo TS. Dương Minh Tâm, Phó trưởng Ban quản lý khu CNC TP.HCM, hiện TP.HCM có 15 khu công nghiệp - khu chế xuất và 1 khu CNC, nhưng có đến 65% nhân lực ở các khu này là lao động phổ thông (270.000 công nhân lắp ráp) và chỉ có 10.000 lao động có trình độ ĐH. Điều đáng buồn là ngay tại khu CNC TP.HCM (1 trong 3 khu CNC của cả nước), lao động phổ thông chiếm tới 76% (13.397 người), trong khi lao động trình độ ĐH chỉ có 11,9%, mà cũng chỉ được tham gia một vài công đoạn nhỏ trong dây chuyền hiện đại, rất khó để được “chuyển giao công nghệ”. Lợi nhuận ở khu CNC TP.HCM hiện nay chỉ đạt 5% tổng lợi nhuận, chủ yếu là gia công lắp ráp, đóng gói sản phẩm!

 

 

Nghịch lý thiếu - thừa nhân lực kỹ thuật công nghệ

 

TP.HCM là địa phương có số lượng trường ĐH, CĐ đứng thứ hai trên cả nước (69 trường), sau Hà Nội (90 trường). Vì vậy, vai trò chủ đạo trong đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long gần như tập trung tại TP.HCM. Các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM hiện nay có quy mô đào tạo gần 770.000 sinh viên (SV), ở tất cả các loại hình và hệ đào tạo, thu hút người học từ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, ở bậc ĐH và sau ĐH, số lượng SV có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM chỉ chiếm khoảng 25-30% tổng số người học. Điều này càng cho thấy vai trò trung tâm GD&ĐT của TP.HCM.

 

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: “Điều đáng lưu ý là các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM gần như đảm nhận 100% số lượng đào tạo ĐH các ngành Khoa học tự nhiên, Nông - lâm - ngư, Y - dược, Tài chính - ngân hàng, Luật, Kỹ thuật công nghệ... cho cả vùng Đông Nam bộ. Cơ cấu và quy mô đào tạo như vậy là chưa phù hợp và cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở TP.HCM và khu vực”.

 

Thực tế cho thấy, thị trường lao động lớn nhất cả nước là TP.HCM, thời gian qua, luôn thiếu trầm trọng lao động qua đào tạo, có trình độ cao. Số lao động phổ thông chiếm tới 59% tổng số lao động. Trong khi, nhiều nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao, như: Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, CNTT, Công nghệ thực phẩm... lại không tuyển được người. Nhưng theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và TTTTLĐ TP.HCM, qua khảo sát 10.000 SV, từ năm 2009-2012, khoảng 80% SV có việc làm sau khi tốt nghiệp, nhưng có đến 50% số này làm trái ngành nghề, thu nhập thấp, không ổn định.

 

Theo GS.TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường STU, cung cầu lao động đang mâu thuẫn, không chỉ ngành công nghệ, mà cả các ngành khác cũng đang rất thiếu lao động và cần lao động trình độ cao. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chưa tốt. Vai trò hướng nghiệp còn rất sơ sài. Hiện nay, nguồn thông tin hướng nghiệp tưởng như rất lớn, chỉ cần “nhấp chuột” là có ngay hàng chục nghìn thông tin, nhưng thông tin cụ thể ngành nghề nào cần học, học ở trường nào, sau khi ra trường đi làm ở đâu, lương bổng ra sao... thì không chuyên gia tư vấn nào có thể trả lời được.

 

Trong khi đó, theo các chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Việt Nam rất có thể sẽ xuất hiện tình trạng “thất nghiệp trình độ cao”, tức là có bằng ĐH, nhưng không thể kiếm được việc làm. TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: “Chất lượng GD của các cơ sở đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, chưa theo kịp tốc độ phát triển của quy mô đào tạo. Vì sao SV ra trường khó tìm được việc làm, trong khi các doanh nghiệp vẫn kêu là không tuyển được lao động? Rõ ràng, giữa nhà trường và nhà tuyển dụng chưa có tiếng nói chung”.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và TTTTLĐ TP.HCM: “Nghịch lý là hiện nay đang thừa lao động không phù hợp với ngành nghề trong định hướng phát triển, nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao ở những ngành nghề cần thiết. Mỗi năm, TP.HCM cần 260.000 lao động, trong khi các cơ sở đào tạo mỗi năm “xuất xưởng” khoảng 270.000 người, nhưng vẫn thiếu lao động! Phần lớn SV ra trường khó tìm được việc làm phù hợp và ổn định, là do chưa định hướng đúng về nghề nghiệp - việc làm; yếu về kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, kiến thức ngoại ngữ; kém hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp...

 

GS.TS Phạm Phụ, chuyên gia cao cấp GDĐH, cho rằng: “Nước ta đang phát triển nên rất cần kỹ thuật công nghệ. Nhưng ở tầm vĩ mô, chúng ta chưa có dự báo và chưa có chính sách tốt để phát triển lĩnh vực này. Tại sao trong một thời gian dài, ngành cơ khí, kỹ thuật - công nghệ không tuyển được SV? Đây là vấn đề cấp thiết mà Nhà nước và những nhà hoạch định chính sách phải quan tâm”. 

 

Phối hợp đào tạo nhân lực khoa học vũ trụ

 

Ngày 31/7/2012, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC) đã ký biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác về hoạt động đào tạo, nghiên cứu và cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ. Theo đó, USTH và VNSC sẽ cùng phối hợp xây dựng, phát triển và thực hiện các đề tài nghiên cứu phù hợp trong lĩnh vực khoa học vũ trụ. Cán bộ VNSC sẽ được tạo điều kiện tham gia các chuyên đề và môn học của Chương trình cao học ngành Công nghệ vũ trụ và ứng dụng tại USTH với mức học phí ưu đãi. Về phía VNSC sẽ dành ít nhất 5 vị trí làm việc mỗi năm tại VNSC cho SV USTH tốt nghiệp Chương trình cao học ngành Công nghệ vũ trụ và ứng dụng.

Đào Quốc Toàn

 

Nguồn: thegioimoi.vn/

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880342

TRUY CẬP HÔM NAY: 2661

ĐANG ONLINE: 9