Việc làm lao động nữ tại Tp HCM 2012 - 2015 Bài Toán mất cân đối về bất bình đẳng giới


Trên đây là một trong những nhận định cơ bản tại cuộc khảo sát về thực trạng việc làm của nữ lao động trên địa bàn Tp.HCM, do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI) thực hiện mới đây.

 

Mất cân đối về giới: không còn là nguy cơ

 

Thị trường lao động Tp.HCM (TTLĐ) phát triển, trong những năm gần đây tuy có sự biến động, chuyển dịch cơ cấu lao động và tồn tại nhiều nghịch lý về cân đối và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; song nhìn chung, lực lượng lao động nữ có xu hướng gia tăng về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và việc làm.

 

Các chính sách của nhà nước đối với lao động nữ được TP triển khai trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống, việc làm, tạo cơ hội cho chị em phấn đấu vươn lên, có nhiều đóng góp cho xã hội. Trong 5 năm từ 2007 - 2011, TP đã giải quyết việc làm được 1.383.174 người, trong đó trên 55% là lao động nữ. Nguồn lao động của TP năm 2011 - 2012 có 5,3 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ 52,41% tổng số lao động và tỷ lệ lao động nữ trong các nhóm tuổi luôn cao hơn tỷ lệ lao động nam. Tổng số lao động đang làm việc có trên 3,5 triệu người, chiếm trên 50.3% trong số đó là lao động nữ. Thông kê của Sở LĐ-TB&XH Tp.HCM cho biết, đa số lao động nữ đang làm việc trong các ngành công nghiệp dệt may, giày da, tiểu thủ công nghiệp (73,13%), và các ngành nông – lâm – ngư nghiệp (34,7%). Đa số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, làm việc bấp bênh, thu nhập thấp, dễ mất việc. Phần lớn lao động nữ làm việc trong điều kiện làm việc chưa được cải thiện, thời gian lao động kéo dài, việc làm bấp bênh, rủi ro cao. Tỷ lệ nữ làm lao động giản đơn chiếm 53,6%, trong khu vực phi nông nghiệp chiếm 47,3%. Xu hướng đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được quan tâm nhiều như trẻ em trai, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu xã hội đang phát triển.

 

Báo cáo “Phụ nữ và các thị trường lao động ở châu Á: Tái cân bằng hướng tới bình đẳng giới”, của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 2011 cho thấy, tại một số nước đang phát triển, đặc biệt là Đông Á, tăng trưởng về việc làm đang phục hồi, nhưng vẫn tồn tại những nghi ngại về chất lượng việc làm, và có tới 45% lao động nữ ở châu Á chưa được khai thác. Trong khi đó, ở lao động nam, tỷ lệ này chỉ là 19%. Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP), cũng đã đưa ra dự báo, châu Á có thể mất từ 42 - 47 tỷ USD mỗi năm do hạn chế để phụ nữ tiếp cận với việc làm; mất thêm 16 - 30 tỷ USD mỗi năm do bất bình đẳng giới trong giáo dục.

 

Xu hướng việc làm: Tạo thêm nhiều cơ hội cho nữ!

 

Theo Chuyên gia phân tích TTLĐ Trần Anh Tuấn, xu hướng TTLĐ Tp.HCM giai đoạn 2012-2015 tiếp tục phát triển đa dạng ngành nghề về quy mô, số lượng và chất lượng, cơ cấu kinh tế của TP và một phần cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa.

 

Hiện nay, Chương trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của TP đang được đẩy mạnh. Các DNNVV sẽ phát triển năng động, quan tâm hơn đến chính sách phát triển nguồn nhân lực, và đây sẽ là môi trường phù hợp với đa số lao động nữ. Cũng theo ông Tuấn, các nhóm ngành nghề phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ vào làm việc tại các DN, hoặc tự tạo việc làm bằng nhiều hình thức linh hoạt, kể cả việc làm bán thời gian, như: Chế biến thực phẩm, giấy bao bì, điện tử, sản xuất nhựa gia dụng, sợi, dệt, may, thêu, đan. Các ngành chế biến nông thủy hải sản, kết hợp với những ngành nghề mới thay đổi kỹ thuật hiện đại, như: VLXD, chế biến lương thực, gốm sứ, sản xuất dụng cụ TDTT cao cấp, chế biến gỗ, mộc mỹ nghệ, dịch vụ gia đình, du lịch, ăn uống, giải trí, thẩm mỹ,… sẽ thu hút bình quân từ 55 - 60% lao động nữ và chú trọng thu hút lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, được thuận lợi tìm việc và có việc làm ổn định.

 

Để làm được việc này, cần tăng cường thực hiện Quyết định số 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, đảm bảo tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70% trong giai đoạn 2011 - 2015. Cụ thể: Chú trọng phát triển các hình thức dạy nghề và ngành nghề đào tạo ngắn hạn phù hợp lao động nữ; liên kết với các DN để dạy nghề và giới thiệu, cung ứng việc làm cho lao động nữ. Song song, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ thuộc hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ tại các địa bàn nông thôn; tập trung việc hướng nghiệp, nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để lao động nữ có điều kiện thích nghi và hòa nhập với cơ chế thị trường, tăng hiệu quả lao động, tự tạo việc làm, nâng thu nhập…

 

Tuy nhiên, trên hết cần thực hiện các chính sách bình đẳng việc làm và các chính sách KT-XH để nâng cao hiệu quả việc làm cho lao động nữ. Đặc biệt, hỗ trợ nữ doanh nhân, hỗ trợ phụ nữ làm nông nghiệp tăng năng suất lao động; thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo có chất lượng.

 

Nguồn

Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (Vietnam Economic Times)

www.vneconomy.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024721474

TRUY CẬP HÔM NAY: 6014

ĐANG ONLINE: 9