GIỮ CHÂN NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CƠN SUY THOÁI


Trong lúc không ít doanh nghiệp (DN) sa thải lao động như cứu cánh duy nhất để thoát khỏi gánh nặng chi phí, thì vẫn có không ít DN tìm cách giữ chân người lao động. Các chuyên gia thị trường lao động đánh giá, đó là lối hành xử khôn ngoan, vừa có tâm, vừa có tầm

“Đừng bao giờ quên rằng, DN đã từng sống nhờ vào người lao động, và trong tương lai, điều đó cũng không thể thay đổi”, ông Lê Quốc Ân, chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định.

Vô số kiểu...  giữ chân

Tuyết, nhân viên truyền thông của một DN kinh doanh dịch vụ trực tuyến lớn ở TP.HCM vừa được công ty giới thiệu đi du học ở Mỹ trong thời gian một năm nhằm bồi dưỡng thêm các kỹ năng chuyên ngành. Mặc dù công ty không trả học phí, nhưng trước khi đi, đích thân sếp gặp cô và hứa: sau khi hoàn tất khoá học, sẽ được nhận trở lại làm việc với vị trí cao hơn, mức lương có thể tăng thêm từ 20%.

Quang, Bình và Thành, ba kỹ sư giỏi của một DN điện tử ở Biên Hoà từ sau tết được hưởng “đặc ân” là không phải thường xuyên có mặt tại cơ quan, được phép nhận những hợp đồng từ bên ngoài để kiếm thêm thu nhập. Ngược lại, khoản tiền lương xấp xỉ một ngàn USD của họ trước đây, nay chỉ còn 300 USD. Giám đốc công ty – người nước ngoài – cho biết, cả ba đều là những nhân viên giỏi nghề, đã từng nhiều năm gắn bó với công ty. Vì thế, mặc dù hiện chỉ làm việc cầm chừng, hầu như không có đơn hàng, nhưng công ty vẫn phải cố gắng duy trì một mức thu nhập “tượng trưng” để giữ chân họ.

Đó là những nhân sự “cao cấp”, còn với lao động phổ thông, không ít DN cũng áp dụng các biện pháp để ổn định nhân sự trong thời buổi kinh tế suy giảm. Ông Lê Quốc Ân cho biết, hiện nhiều DN dệt – may vừa phải vật vã đối phó với khó khăn từ phía thị trường, vừa áp dụng nhiều biện pháp để giữ người lao động. Ông dẫn chứng một số biện pháp: các đơn vị lớn cố gắng không làm tăng ca, tăng giờ khi nhiều việc mà sử dụng phần đơn hàng này cho việc hỗ trợ đơn vị khó khăn; hoặc có thể bố trí làm việc năm ngày/tuần, để duy trì được toàn bộ lao động.

“Cắt giảm nhân công, lương, thưởng… là kế sách cuối cùng, khi không còn cách nào giảm chi phí. Vì thế, lúc khó khăn như thế này, mới là lúc giữ những nhân viên có năng lực và cần có cam kết về lợi ích để họ không “nhảy việc”, sẵn sàng ở lại giúp công ty”, ông Trương Tiến Dương, giám đốc công ty TNHH Digimind Media chia sẻ.

Tầm nhìn xa

Cách đây không lâu, rất nhiều DN phải “đầu tắt mặt tối” tìm người lao động, hoặc lao vào “cuộc chiến” giành giật nhân tài. Các chuyên gia thị trường lao động dự báo, tình trạng trên sẽ trở lại với mức độ còn gay gắt hơn khi kinh tế hồi phục.

Ở nhiều nước, nỗ lực ổn định thị trường lao động đã buộc chính phủ phải ra tay với hai động thái chính: tăng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ ngân sách cho các DN trả lương cho công nhân. Thực tế cho thấy, cấp tiền cho các DN để giữ người lao động được tiếp tục làm việc có lợi hơn là chi tiền cho trợ cấp thất nghiệp. Một số nước đang áp dụng biện pháp cắt giảm ngày làm việc để duy trì một mức lương nhất định nhằm ổn định lực lượng lao động. Nhiều DN Việt Nam cũng đang đi theo hướng này. Chuyên gia thị trường lao động Trần Anh Tuấn dự báo: “Những DN cố gắng giữ người lao động sẽ có lợi thế rất lớn trong tương lai, khi kinh tế hồi phục, bởi khi ấy, việc có đủ nhân công sẽ đảm bảo cho tốc độ hồi phục nhanh hơn, bên cạnh đó, lại có lợi thế cạnh tranh khi nhiều đối thủ suy yếu do thiếu hụt lao động”.

Song, cũng theo phân tích của giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng việc làm không chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Thậm chí cả khi cơn suy thoái chấm dứt, việc khối tài sản bị tiêu tan do suy thoái, hoặc phải vay mượn quá mức để “chữa cháy” sẽ còn tiếp tục hành hạ nền kinh tế thế giới trong nhiều năm nữa. Khi ấy, các chương trình đang áp dụng hiện nay nhằm giữ việc làm cho người lao động, có thể sẽ trở thành vật án đường cho những điều chỉnh to lớn của thị trường việc làm trong tương lai.

Một vấn đề đang đặt ra và buộc mọi người phải chấp nhận, đó là sẽ đến lúc cần phải cắt bỏ các chi phí để giữ việc làm cũ, thay bằng việc đào tạo cho lực lượng lao động những kỹ năng mới. Thị trường lao động phải trở nên linh hoạt hơn. Mới đây, chính quyền Thái Lan đã công bố kế hoạch trị giá 195 triệu USD nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc. Theo đó, chính phủ sẽ mở các lớp đào tạo miễn phí các kỹ năng cần thiết. Mỗi lớp kéo dài một tháng, dự kiến trong hai năm 2009 và 2010 sẽ có khoảng 500.000 người tham gia. Những người này sẽ được cấp tiền sinh hoạt và đi lại. Sau khi học xong được hỗ trợ 135 USD/tháng trong vòng ba tháng để tìm việc.

Hải Việt
(Nguồn: sgtt.com.vn)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024706553

TRUY CẬP HÔM NAY: 11222

ĐANG ONLINE: 103