NGHIÊM TÚC KHI CHỌN NGÀNH


Báo chí nói nhiều đến việc học sinh "mù" ngành, nghề tương lai của mình. Nhưng ngay cả sinh viên cũng mơ hồ về ngành mình đang học. Sinh viên ra trường làm trái nghề ngày càng nhiều. Tại sao lại có hiện tượng này?

 

Đó là mối quan tâm lớn của nhiều thí sinh qua các buổi tư vấn tuyển sinh do báo Đất Việt tổ chức. Nhân dịp này, Đất Việt trích đăng bài viết của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Thông Tin TTLĐ, Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM thay cho lời giải đáp.

Thừa thông tin, thiếu định hướng

Qua nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với gần 3.000 HS - SV nhân “Ngày hội thanh niên với nghề nghiệp” các năm trước, tôi thấy, nhiều học sinh THPT rất phân vân, không biết nên chọn thi khối nào, ngành đó gồm những môn thi nào, có phù hợp với mình hay không, ra trường sẽ làm việc gì… Ngay cả sinh viên, đặc biệt những em sắp ra trường, cũng không hiểu rõ mình đang học gì, sau này sẽ làm gì. Điều này dẫn đến một hệ quả, sinh viên ra trường một là thất nghiệp, hai là nhảy việc, và ba là học thêm văn bằng khác, hoặc học lên cao do chưa đủ tự tin để đi làm.

Từ năm 2003 đến nay, Trung tâm GTVL TP HCM đã lấy ý kiến 1.000 doanh nghiệp (DN) tuyển dụng, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của SV ra trường tìm việc làm (gọi chung là ứng viên). Qua đó, tôi thấy nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng nêu trên, một phần xuất phát từ nhận thức, định hướng nghề nghiệp của giới trẻ; một phần do chất lượng đào tạo nặng lý thuyết cơ bản, nhẹ thực hành, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, nên ít tạo sự thích nghi với công việc ngay từ lúc còn học. Mặt khác, thông tin về ngành học, trường đào tạo ngày càng nở rộ khiến các em đứng trước “rừng” thông tin mà thiếu sự định hướng. Lẽ ra, các em phải được định hướng, trang bị hiểu biết ngay từ bậc THCS hoặc ít ra là trước năm cuối THPT.

Chưa theo kịp yêu cầu của doanh nghiệp

Đối với các bạn học sinh, nếu cảm thấy “nghi ngờ” lựa chọn ngành học, việc làm của mình, hãy tìm đến các chuyên gia, trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm. Quan trọng nhất là chọn ngành học phù hợp năng lực, sức khỏe, sở trường và phù hợp nhu cầu xã hội. Cần tìm hiểu về ngành học, trường đào tạo qua các phương tiện thông tin và có sự phân tích, chọn lọc.

Với sinh viên, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, hãy luôn rèn luyện trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, trình độ ngoại ngữ, tin học, nâng cao kiến thức và ý chí làm việc… Hãy kiên trì, nỗ lực và thật nghiêm túc với con đường mình đã chọn.

Trong cuộc khảo sát tôi đề cập ở trên, 40% DN nhận định ưu điểm của ứng viên là nắm vững kiến thức cơ bản về ngành nghề học. Thế nhưng chỉ 12% nhận xét ứng viên có kỹ năng làm việc chuyên môn cũng như khả năng thích nghi công việc thực tế. Ngược lại, có đến 38% DN nói ứng viên thiếu kinh nghiệm, bí quyết chuyên môn; 20% thiếu hiểu biết về các khía cạnh kinh tế, sản xuất kinh doanh; 20% hạn chế kiến thức ngoại ngữ, tin học...

Nếu so sánh giữa ưu điểm của ứng viên với tiêu chí tuyển chọn của DN, có một sự chênh lệch lớn. Chỉ 10% DN xem việc nắm vững kiến thức cơ bản là tiêu chí quan trọng hàng đầu (so với 40% ưu điểm của ứng viên); 30% DN cần ở ứng viên kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, khả năng xử lý công việc (so với 12% ưu điểm của ứng viên). Ngoài ra, một đánh giá khác rất đáng chú ý là, trong khi 20% DN xem tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc là quan trọng hàng đầu thì chỉ có 7% ứng viên có những ưu điểm này. Một kết quả khác cũng cho thấy ứng viên còn nhiều hạn chế: chỉ có 4% ứng viên có ý thức trách nhiệm trong công việc; 3% dám nghĩ dám làm.

Xu hướng phát triển cơ cấu ngành nghề việc làm của thị trường lao động TP HCM


Ngành nghề

Tỷ trọng(%)

Công nghệ Thông tin - Viễn thông

9,24

Điện - điện tử - điện công nghiệp - điện lạnh

8,27

Hóa - Hóa thực phầm - Hóa chất - Hóa dầu

3,71

Cơ khí - Xây dựng - Giao thông vận tải - Hàng hải

7,17

Kiến trúc - Thiết kế - In ấn - Bao bì - Xuất bản

8,05

Tài chính - Ngân hàng - Giáo dục đào tạo

9,72

Y khoa - Y tế - Mỹ phẩm

2,45

Quản lý - Quản trị - Hành chánh - Vật tư

7,60

Du lịch - Môi trường - Nhà hàng KS

9,23

Marketing - Dịch vụ - Pháp lý - Phục vụ

8,45

Nông lâm - Ngư nghiệp

0,50

May dệt - Thủ công mỹ nghệ - Bảo vệ - LĐPT

21,86

Các ngành nghề khác

3,75

Tổng cộng

100,00

 

Trần Anh Tuấn

(Nguồn: Báo Đất Việt)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880828

TRUY CẬP HÔM NAY: 3147

ĐANG ONLINE: 17