Những ngành học 'khát' nhân lực


 

Những ngành học 'khát' nhân lực

Sự kiện 5 tập đoàn lớn Intel, Renesas, Samsung, Campal và Foxconn quyết định đầu tư gần 10 tỷ USD vào Việt Nam... đã gây cú sốc cho thị trường nhân lực CNTT trong nước. Chứng khoán bùng nổ cũng khiến cử nhân ngành Tài chính - ngân hàng trở nên đắt giá.
> Tra cứu điểm thi, điểm chuẩn tại đây

Tại Hội thảo Quốc gia đào tạo nhân lực Tài chính - Ngân hàng, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến năm 2010, các lĩnh lực Bảo hiểm, Chứng khoán, Kiểm toán và thẩm định giá cần 13.500 người. Trong đó, chứng khoán 5.000 người, Bảo hiểm 3.000 người, Kiểm toán 5.000 người và Thẩm định giá 500 người.

Thực tế, nhân lực ngành chứng khoán mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bành Tiến Long, 74 công ty chứng khoán hiện cần ít nhất 1.500 lao động, trong khi 33 ĐH, 16 CĐ và 8 trường TCCN đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng mới chỉ cho "ra lò" hơn 300 nhân viên môi giới có chứng chỉ hành nghề.

Mỗi năm, các trường thuộc khối ngành này đào tạo hơn 46.000 sinh viên ĐH chính quy, hơn 30.000 sinh viên tại chức, hơn 17.000 sinh viên CĐ chính quy và hơn 31.000 sinh viên CĐ tại chức. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế lại cao hơn rất nhiều.

 

Ảnh: H.H.
Năm 2007, điểm chuẩn vào ngành Tài chính - Ngân hàng (ĐH Kinh tế Quốc dân) lên tới 26,5. Ảnh: H.H.

 

Hằng năm, Vietcombank tuyển thêm chừng 1.000-1.200 nhân viên. Còn tại Eximbank, mặc dù mỗi năm tổ chức hàng chục đợt tuyển nhưng ngân hàng này vẫn luôn "khát" nhân lực. Năm 2007, nhân sự Eximbank đã tăng tới 1.000 người và dự kiến, năm 2010, lượng nhân viên sẽ tăng lên con số 3.000 người.

Theo một chuyên gia, với khoảng 40 ngân hàng TMCP hiện nay, nếu tất cả mở thêm một chi nhánh và mỗi chi nhánh cần khoảng 25 nhân viên thì số lượng lao động cần tuyển đã lên tới cả nghìn người. Thực tế này khiến không ít nhà quản lý ngân hàng đau đầu.

Vừa qua, sự kiện 5 tập đoàn lớn gồm Intel, Renesas, Samsung, Campal và Foxconn (Hồng Hải) quyết định đầu tư gần 10 tỷ USD vào Việt Nam để thiết kế và sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại di động... đã gây ra cú sốc cho thị trường nhân lực trong nước.

Intel, nhà sản xuất vi xử lý lớn nhất thế giới cần tuyển 4.000 lao động, trong đó, có gần 1.000 kỹ sư điện, điện tử, công nghệ thông tin... và nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng. Renesas, tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu của Nhật Bản cần tuyển 1.000 kỹ sư thiết kế bán dẫn.

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2007, Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật - Công nghệ thông tin, Nông - Lâm - Ngư là 3 nhóm ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự thi.

Năm nay, dự đoán ngành Ngân hàng, Tài chính, Quản trị du lịch, Quản trị khách sạn sẽ "nóng" nhất, tiếp đó là nhóm Kỹ thuật, Công nghệ, Điện tử viễn thông.

Với 5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam trong 5 năm tới, Foxconn sẽ cần hơn 50.000 lao động. Công ty Campal, sản xuất máy tính xách tay và thiết bị điện tử viễn thông cùng cần tuyển 1.200 kỹ sư đi đào tạo tiếp ở nước ngoài. Khi đi vào hoạt động, Campal sẽ cần tuyển thêm hàng chục nghìn lao động.

Để khai thác các cơ hội lớn này, tại Hội nghị đào tạo nhân lực Công nghệ thông tin - Truyền thông đáp ứng nhu cầu xã hội, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 1 triệu nhân lực CNTT ở các trình độ.

Hiện cả nước có 230 ĐH, CĐ đào tạo về CNTT, 13 ĐH, Viện nghiên cứu đào tạo sau đại học về CNTT, cho "ra lò" 10.000 sinh viên. 88 trường đào tạo CNTT cũng cung cấp một lượng khá lớn kỹ thuật viên tin học.

Dù nằm trong 4 nước dẫn đầu châu Á và top 10 nước có số lượng tàu đóng mới lớn trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn ấp ủ mục tiêu năm 2020 đứng thứ 4 thế giới trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các công ty đóng tàu hiện nay chính là tìm đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khổng lồ này. Theo tính toán, từ nay tới 2015, mỗi năm sẽ cần 10.000-15.000 nhân lực phục vụ cho ngành đóng tàu, trong đó, trình độ ĐH trở lên là 1.000 người, trình độ trung cấp cũng khoảng 8.000-15.000 người.

 

Giờ thực hành tại CĐ nghề Vinashin. Ảnh: Vinashin.
Giờ thực hành tại CĐ nghề Vinashin. Ảnh: Vinashin.

 

Trong khi đó, cả nước hiện mới có 6 ĐH, CĐ đào tạo nhân lực cho ngành đóng tàu với khả năng mỗi năm cung cấp 600-700 kỹ sư và 2.000-3.000 công nhân. Điều này cho thấy, năng lực hiện mới đáp ứng được một phần nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp này.

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, CĐ nghề Vinashin của Tập đoàn Vinashin hiện có gần 5.500 sinh viên, trong đó hơn 1.000 em đã ra trường. Để đáp ứng yêu cầu của ngành, sắp tới, mỗi năm trường sẽ đào tạo 11.000-12.000 lao động trình độ cao đẳng, trung và sơ cấp.

Tiến Dũng

(www.vnexpress.net)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024911364

TRUY CẬP HÔM NAY: 5269

ĐANG ONLINE: 62