HỎI – ĐÁP VẾ VẤN ĐỀ THỰC TẬP CỦA SINH VIÊN


         Trong những đợt giao lưu, thông tin thị trường lao động năm 2009 với sinh viên trường đại học. Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động đã nhận được nhiều ý kiến đặt ra những câu hỏi về vấn đề thực tập cho sinh viên.

      1) Theo anh, sinh viên khi đi thực tập cần chuẩn bị gì và có thái độ thế nào để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp?

    Trả lời:

 

    Trong thực tế hiện nay, tại các trường, giai đoạn được nhà trường bố trí thực tập là thời điểm sinh viên đặc biệt quan tâm vì là sự chuyển tiếp quá trình học tập từ kiến thức chuyên ngành vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh mà kết quả bẳng các đề tài, luận văn tốt nghiệp được sự đánh giá của cơ quan, doanh nghiệp và nhà trường, là điều kiện quan trọng để sinh viên bước vào thị trường lao động thuận lợi hoặc sẽ không thuận lợi. Vì vậy để việc thực tập đạt kết quả tốt, sinh viên cần chú ý những yêu cầu :

 

       -Tìm hiểu rõ và cụ thể về cơ quan, doanh nghiệp sẽ đến thực tập nhất là những hoạt động liên quan đến chuyên ngành sinh viên được đào tạo.

 

       - Xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn thực tập, tham khảo ý kiến người phụ trách thực tập về những vấn đề tiếp cận thực tế, thu thập thông tin ứng dụng giữa lý thuyết và thực tiễn.

 

       - Xây dựng tinh thần tự tin, cầu thị để tiếp xúc, nhanh chóng hòa nhập với văn hóa của công ty, các hoạt động cụ thể tại nơi thực tập từ những công việc giản đơn đến chuyên ngành học tập. Cần quan sát, chú tâm học hỏi, như vậy cơ hội thực tập sẽ đạt kết quả tốt.

      2) Nhà trường, phòng đào tạo cần hỗ trợ gì trong công tác hướng dẫn sinh viên thực tập?

    Trả lời:

 

    Hiện nay đã có nhiều trường thành lập các ban hỗ trợ sinh viên và hợp tác doanh nghiệp để giúp sinh viên về thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây là mô hình hoạt động cần thiết với sinh viên, tuy nhiên đối với các hoạt động hỗ trợ cho sinh viên thực tập nên quan tâm thêm một số công việc cụ thể là :

 

       - Nhà trường thường xuyên mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp, tạo sự kết nối bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp về chương trình ngành nghề đào tạo, bố trí thực tập và tư vấn, hỗ trợ kỹ năng việc làm cho sinh viên.

 

       - Nhà Trường có kế hoạch chủ động tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tốt, hạn chế việc để sinh viên tự liên hệ thực tập tại môi trường không đủ điều kiện giúp cho sinh viên thực tập đúng ngành học.
       - Trong thời gian thực tập, sinh viên cần được sự hướng dẫn thường xuyên của người phụ trách thực tập, có sự tiếp xúc, trao đổi giữa người phụ trách thực tập và doanh nghiệp để kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ quá trình sinh viên thực tập.

 

       - Nhà trường có chương trình kế hoạch hỗ trợ, tư vấn thông tin cần thiết cho sinh viên trước khi thực tập. Tổ chức giao lưu với sinh viên trong quá trình thực tập để đúc kết kinh nghiệm, yêu cầu thực tập của doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên hoàn thành giai đoạn thực tập.

 

       - Nhà trường nên quan tâm đến các cựu sinh viên và làm cầu nối giao lưu giữa cựu sinh viên với những sinh viên đang học nhằm chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn sau khi đi làm.

      3) Hiện nay, theo anh, khuyết điểm lớn nhất trong khâu đào tạo ở nhà trường là gì? Nó có độ "vênh" như thế nào so với thực tế đi làm, cụ thể là yêu cầu nhà tuyển dụng.

 

   Trả lời:

 

   Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc đào tạo nghề và việc làm trong thị trường lao động còn gặp nhiều khó khăn hạn chế do nhà trường chưa có đầy đủ các thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các doanh nghiệp và tổng quan thị trường lao động. Mặt khác chương trình đào tạo chưa đủ điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn thị trường lao động đang trong quá trình chuyển đổi nhanh, đa dạng, nhiều ngành nghề đặc biệt yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy số người sau khi được đào tạo thường gặp những khó khăn hạn chế khi tham gia thị trường lao động, đó là :

 

       - Đa số chưa nắm vững được chuyên môn kỹ thuật của công việc thực tế sẽ làm việc như thế nào là đạt yêu cầu. Dẫn đến thiếu tự tin, bị động trước những thông tin, các chương trình tư vấn nghề nghiệp việc làm, phỏng vấn tuyển dụng và làm việc tại môi trường sản xuất kinh doanh.

 

       - Đa số thiếu kinh nghiệm, bí quyết chuyên môn, kỹ năng mềm. Hạn chế ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu công việc được giao.


       - Đa số hạn chế về phong cách làm việc, năng lực cá nhân như sự năng động nghề nghiệp, nhận thức trách nhiệm, giao tiếp xã hội, thu thập, cập nhật, khai thác, tống hợp thông tin và xây dựng chương trình công việc, ứng dụng kỹ thuật chuyên môn vào việc làm.



   Tuy nhiên để khắc phục những hạn chế này không phải chỉ thực hiện trong quá trình đào tạo sinh viên mà người lao động phải được chuẩn bị ngay từ môi trường bước vào các bậc trung học cơ sở và phổ thông.

       4) Hiện nay, đa số sinh viên năm 3 hoặc năm cuối mới bắt đầu đi thực tập. Theo anh trong tương lai, nhà trường nên cho sinh viên đi thực tập sớm hơn? Các trường đại học có nên thực hiện mô hình "xưởng thực tập" ngay trong nhà trường bằng cách liên kết với doanh nghiệp?

   Trả lời:

 

   Việc tổ chức thực tập cho sinh viên nếu có điều kiện đặc biệt gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp thì nên tổ chức làm hai kỳ thực tập theo thời điểm giữa và cuối khóa học. Tại nhiều trường của nước ngoài hiện nay đã làm như vậy để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nhanh thực tế, tạo sự năng động trong quá trình học tập.

   Việc tổ chức mô hình "xưởng thực tập" ngay trong nhà trường bằng cách liên kết với doanh nghiệp thì tùy theo ngành nghề đào tạo và điều kiện của mỗi trường. Tuy nhiên hình thức bố trí sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp vẫn là phổ biến và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, quan trọng là sự kết nối được giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo sinh viên.

                                                                                             TRẦN ANH TUẤN.
                                                             Phó Giám Đốc Trung Tâm Dự Báo Nhu Cầu Nhân Lực
                                          Và Thông Tin Thị Trường Lao Động TP.HCM– Sở Lao Động – TBXH TP.HCM

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024719684

TRUY CẬP HÔM NAY: 4189

ĐANG ONLINE: 84