TP.HCM CẦN 300.000 LAO ĐỘNG MỖI NĂM


SGTT.VN - Đó là dự báo của trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM tại buổi làm việc với phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác của Chính phủ vào chiều 5.4.

 

TP.HCM cần khoảng 1,5 triệu lao động trong giai đoạn 2011 – 2015, trong đó dệt may – da giày chiếm 35% tổng nhu cầu. Ảnh: Lê Hồng Thái

Theo báo cáo, giai đoạn 2011 – 2015, thành phố sẽ có nhu cầu cao về số lượng lao động cũng như chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong giai đoạn này dự kiến tốc độ tăng bình quân chỗ làm việc từ 3 – 3,5 %/năm nên thành phố sẽ cần khoảng 280.000 – 300.000 chỗ làm việc mỗi năm. Trong đó, nhóm ngành cần lao động nhiều nhất vẫn là dệt may – giày da chiếm tỷ lệ 35% tổng số nhu cầu. Tiếp đến là các ngành quản lý – hành chánh văn phòng, dịch vụ và phục vụ – du lịch – giải trí – nhà hàng – khách sạn. Công nghệ thông tin – điện – điện tử – viễn thông trong tương lai sẽ là ngành có nhu cầu lao động cao. Về trình độ thì năm năm tới, nhu cầu thành phố cần vẫn là lao động phổ thông chiếm 35%, và lao động trình độ đại học 16%, thấp nhất là trình độ sơ cấp và trên đại học.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động thành phố đang tồn tại nhiều nghịch lý. Nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động gồm lao động có nghề và cả lao động phổ thông, trong khi đó vẫn còn nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm. Theo thống kê, năm 2010 – 2011, tỷ lệ lao động thất nghiệp của thành phố ở mức 5%. Nhiều lao động đã qua đào tạo nghề vẫn khó tìm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp hoặc do muốn thay đổi công việc mới với mức lương cao hơn, phù hợp với năng lực và khả năng. Điều này cho thấy cung và cầu lao động của thành phố đang có độ chênh khá lớn, mức độ dao động, thiếu hụt nhu cầu chỗ làm và nhu cầu tìm việc vào khoảng 30%. Doanh nghiệp và người lao động chưa có sự tương thích, nhất là lực lượng lao động phổ thông và lao động trình độ chuyên môn.

 

Theo phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mục đích thành lập trung tâm này là nhằm có được những dự báo để tìm ra mức mất cân đối mà xử lý. Để làm được việc này, trước hết, trung tâm phải xác định khách hàng của mình là các cơ quan quản lý nhà nước; các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề…; doanh nghiệp; gia đình và người học. Tại buổi làm việc, phó Thủ tướng nhấn mạnh, để khắc phục độ vênh về cung và cầu lao động thì tất cả các ngành phải cùng phối hợp với nhau. Trong tương lai, mỗi ngành sẽ phải trả lời được nhu cầu của ngành mình là bao nhiêu để kết hợp với bộ Giáo dục và đào tạo để đào tạo. Mỗi địa phương cũng phải trả lời được nhu cầu của địa phương mình thì mới có phương hướng đào tạo. Với TP.HCM, theo phó Thủ tướng, trong tương lai sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn về công nghệ thông tin tìm đến nên thành phố phải có sự chuẩn bị và cam kết cung cấp đủ nhân lực khi họ vào.

 

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM, sắp tới UBND thành phố sẽ gửi Chính phủ đề án kế hoạch nhân lực mười năm tới của thành phố.

 

Hà Dịu

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880640

TRUY CẬP HÔM NAY: 2959

ĐANG ONLINE: 14