Tìm giải pháp khắc phục độ vênh về cung - cầu lao động


“TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước trong việc dự báo nguồn nhân lực lao động, trong đó có sự ra đời của Trung tâm Dự báo nhân lực đã góp phần khắc phục sự chênh lệch giữa cung và cầu lao động. Từ thực tiễn hoạt động này, chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm trong cách xây dựng trung tâm cũng như thành lập thêm các mô hình tương tự ở những địa phương khác”.
 
Đó là nhận định của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ tại Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (gọi tắt là trung tâm) vừa qua tại TP.HCM.
 
Cấp thiết dự báo nguồn nhân lực
 
“Tại sao cung - cầu lao động ở Việt Nam năm nào cũng bị vênh? Đó là do không có cơ quan nào nắm được nhu cầu đào tạo nhân lực, không xây dựng được các cơ sở dữ liệu về nhu cầu nhân lực do nhiều doanh nghiệp không có kế hoạch phát triển nhân lực nên không cung cấp được các thông tin về nhu cầu nhân lực trong tương lai. Vì thế, việc cấp thiết hiện nay là các cơ sở đào tạo nhân lực cần được dự báo về nguồn nhân lực”. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
 
Từ yêu cầu thực tế trên, ở lĩnh vực giáo dục, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “GD-ĐT cần một mô hình dự báo nhân lực chính xác để đào tạo nguồn nhân lực tương ứng với nhu cầu lao động. Việc quy hoạch mạng lưới trường CĐ, ĐH trước đây làm theo cảm tính. Hiện nay chúng ta đang xây dựng, quy hoạch lại mạng lưới trường CĐ, ĐH dựa trên dự báo nhu cầu lao động để tương thích hơn”.
Báo cáo với đoàn công tác Chính phủ, bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm đã tổng hợp cơ sở dữ liệu của 18.036 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng 231.764 lượt tuyển dụng, 84.151 lượt người tìm việc làm và khảo sát tại các sàn giao dịch việc làm 12.717 người tìm việc. Qua đó, trung tâm dự báo xu hướng phát triển thị trường lao động thành phố giai đoạn 2010-2015, nhu cầu nhân lực yêu cầu cao về số lượng và chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật, dự kiến tốc độ tăng bình quân chỗ làm việc từ 3% đến 3,5%, tức là nhu cầu cung về nhân lực của thành phố trong giai đoạn này sẽ là 280.000-300.000 chỗ làm/năm.
 
“Sự ra đời của trung tâm đã góp phần không nhỏ trong công tác dự báo nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp với các ngành nghề, từ đó định hướng đào tạo và định hướng làm việc trong tương lai. Nếu giới thiêu việc làm mà không gắn với dự báo tương lai thì chỉ là giới thiệu ngắn hạn. Vì vậy chúng ta phải phân tích thật kỹ khắc phục những khó khăn trên để xây dựng trung tâm có tính chuyên sâu, chuẩn xác nhằm nhân rộng mô hình này trong tương lai”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
 
Cần đầu tư mạnh hơn
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm nêu khó khăn: “Đại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa đưa ra con số chính xác về nhu cầu nhân lực trong tương lai, vì thế cơ sở dữ liệu mà trung tâm thu nhận được chưa thực sự chính xác để cung cấp cho người lao động và các cơ sở đào tạo người lao động”.
 
Để khắc phục tình trạng khó khăn nêu trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đặt vấn đề: “Trong công tác chỉ đạo chính thống, thu nhận thông tin, trung tâm đã gặp rất nhiều khó khăn do không có số lượng chính thống vì hầu hết các doanh nghiệp không dự báo nguồn nhân lực dài hạn của mình. Vì vậy, để khắc phục được tình trạng này cần có sự thống nhất từ trên xuống, trung tâm cần có cơ sở pháp chế hóa để hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hiện TP.HCM có hai trung tâm hoạt động cùng chức năng là trung tâm và Trung tâm Giới thiệu việc làm, riêng trung tâm thì có thêm chức năng dự báo. Vì thế, hai trung tâm này nên sáp nhập lại thành một trung tâm dự báo ngắn hạn, còn trung tâm dự báo dài hạn thì vẫn nằm ở Viện Nghiên cứu phát triển thì hoạt động của trung tâm sẽ đưa lại nhiều hiệu quả hơn”.
 
Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng yêu cầu: “Dù sáp nhập hay không sáp nhập thì cơ sở ban đầu là dự báo về nhu cầu nhân lực là hết sức quan trọng. Nếu không có dự báo thì việc giải quyết việc làm chỉ mang tính chất ngắn hạn, không đảm bảo được sự phát triển bền vững kinh tế đất nước. Vì thế, các ban ngành thành phố cần quan tâm hơn nữa đến điều kiện làm việc của trung tâm như tăng cường hệ thống máy tính, lập đề án xây dựng hệ thống dữ liệu cần có chuyên gia… để trung tâm hoạt động mang tính chất chuyên sâu hơn”.
 
Hà Xuyên
 
Nguồn: giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878714

TRUY CẬP HÔM NAY: 952

ĐANG ONLINE: 12