TÀI LIỆU TẬP HUẤN KỸ NĂNG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP - ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


TÀI LIỆU TẬP HUẤN
KỸ NĂNG TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP - ĐÀO TẠO NGHỀ
  CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH



I.    ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC KHU VỰC NÔNG THÔN TP.HỒ CHÍ MINH


Vấn đề việc làm khu vực nông thôn  tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và giai đoạn 2014-2015 đến 2020 không chỉ đơn thuần là tổ chức đào tạo nghề và bố trí việc làm “khép kín” trong khu vực 05 huyện ngoại thành với việc làm thuần túy là nông nghiệp hoặc dịch vụ nông nghiệp mà có đặc điểm diễn biến theo chiều hướng sau:


  -Một phần lao động sẽ chuyển đổi công việc qua phi nông nghiệp được thu hút vào các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn hoặc tự tạo việc làm bằng các hoạt động dịch vụ theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực ngoại thành – thành phố.


  - Một phần lớn lao động nông thôn nhất là người trong tuổi thanh niên sẽ tham gia nhiều hơn và có nhu cầu đào tạo nghề đa dạng từ trung cấp, cao đẳng, đại học đồng thời số người đến tuổi lao động hàng năm (khoảng 30.000 người) sẽ là nguồn lực để các khu công nghiệp – khu chế xuất, các doanh nghiệp thu hút làm việc, nhất là lao động Nữ vào các công việc thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ.


  -Tỷ lệ lao động đơn thuần làm nông nghiệp, sẽ giảm dần chuyển đổi qua các hoạt động chăn nuôi, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản.


Như vậy bối cảnh phát triển nguồn nhân lực và thu hút lao động khu vực nông thôn ngoại thành sẽ phát triển vừa theo xu hướng nhu cầu chung của thị trường lao động thành phố vừa theo xu hướng nhu cầu ngành nghề lao động – việc làm tại 05 huyện ngoại thành với mức độ dịch chuyển cao hơn so những năm trước.


Theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2020  đã được UBND thành phố phê duyệt  ngày 16/7/2012, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm thành phố cần đào tạo khoảng 28.000 lao động lĩnh vực phi nông nghiệp.


Các ngành nghề đào tạo sẽ theo hướng nhu cầu doanh nghiệp tại địa phương, khu vực lân cận, các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ truyền thống, các nghề có cơ hội phát triển tại địa phương.


Cũng theo mục tiêu của đề án trên đến năm 2015, tỷ lệ 70% và đến năm 2020, tỷ lệ 90% lao động nông nghiệp và ngành nghề nông thôn được đào tạo nghề. Trong đó tối thiểu có 40% lao động nữ được đào tạo nghề; trong số lao động nữ được đào tạo nghề có tối thiểu 40% lao động nữ dưới 45 tuổi, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 80% lao động được đào tạo nghề. Tổng kinh phí thực hiện đề án từ Ngân sách thành phố dự kiến trên 70 tỷ đồng. UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở ngành, các huyện liên quan, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện.


Ngoài các nghề như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ truyền thống…, đề án còn đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp theo hai hình thức đào tạo tập trung và vừa làm vừa học. Người học sẽ được hỗ trợ 2 - 3 triệu đồng/người/khóa tùy theo nhóm đối tượng. Riêng người hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác… được hỗ trợ thêm tiền ăn 15.000 đ/ngày thực học và tiền đi lại không quá 200.000 đ/khóa nếu ở xa nơi học từ 15 km trở lên.

 


Thành phố có 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, rất đa dạng về qui mô và lĩnh vực, như: ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (bánh tráng, bún tươi, giò chả, nem…); sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trồng hoa kiểng, nuôi cá cảnh…Vì vậy, việc phát triển ngành nghề nông thôn của TP.HCM gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị. Tiềm năng từ nguồn nhân lực khu vực nông thôn thành phố là rất lớn đồng thời đòi hỏi một định hướng đúng đắn cho công tác đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn thành phố. Nhưng có một thực tế trong lực lượng lao động ở nông thôn hiện nay là trình độ văn hóa, tay nghề còn thấp. Theo điều tra của Chi cục Phát triển nông thôn thành phố tại các làng nghề TP.HCM, gần 40% chủ hộ sản xuất có trình độ học vấn cấp 1, khoảng 70% chủ hộ sản xuất tại làng nghề chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kiến thức quản lý trong khi nhóm có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 3%.


Tại khu vực nông thôn (05 huyện nội thành và 07 quận vùng ven) hiện có 71 cơ sở dạy nghề (trong đó có 05 trường Cao đẳng nghề, 06 trường Trung cấp nghề, 20 Trung tâm dạy nghề, 10 trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề). Năng lực đào tạo hàng năm: 4000 sinh viên Cao đẳng nghề, 7000 học sinh trung cấp nghề, 30.000 học viên sơ cấp nghề.


Hiện thành phố có 20 trường và trung tâm tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 5 trung tâm dạy nghề và 2 trường trung cấp nghề trên địa bàn là đơn vị chủ lực trong việc thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM thì việc dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay còn rất khiêm tốn. Qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, chỉ có gần 12.000 lao động nông thôn được dạy nghề là một con số thấp, trong khi số tiền ngân sách TP.HCM đầu tư cho công tác dạy nghề lao động nông thôn khoảng 4 tỷ đồng/năm.


Với sự phát triển thị trường lao động đặc thù khu vực nông thôn, những nhóm nghề đang và sẽ thu hút lao động nông thôn học nghề và thuận lợi có việc làm là: tin học, sửa chữa lắp ráp vi tính, sửa chữa xe gắn máy, điện tử dân dụng, điện công nghiệp, điện lạnh, cơ khí (phay, tiện, hàn, nguội), sửa chữa xe ô tô, thiết kế, lắp đặt điện xí nghiệp, sửa chữa điện thoại di động, sửa máy may, thú y, may công nghiệp, may thời trang, may giày da, trang điểm thẩm mỹ, cắt uốn tóc nam nữ, lái xe B2, mộc, mỹ nghệ, thiết kế sân vườn, chăn nuôi, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, vườn cảnh, sinh vật cảnh, kỹ thuật trồng hoa: hoa lan-bon sai, chế biến thực phẩm, nghiệp vụ nhà hàng.


Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội khu vực ngoại thành của thành phố gắn việc quy hoạch phù hợp từng địa bàn dân cư theo một số hướng phát triển các ngành nghề chăn nuôi đa dạng các gia súc gia cầm, phát triển trồng trọt rau quả và cây cảnh, phát triển các khu du lịch sinh thái, phát triển trồng trọt các khu du lịch sinh thái, phát triển trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, thương mại, công nghiệp nhỏ và các ngành xây dựng, giao thông, vận tải, phúc lợi công cộng trong giai đoạn 2014-2015 đến 2020 là điều kiện mở rộng chỗ làm việc, thu hút lao động nông thôn.

 


Một số biện pháp để hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn:


  -Định kỳ hàng năm tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề và sử dụng lao động nông thôn để đào tạo gắn với thị trường lao động, phải có định hướng về sự phát triển của các ngành nghề trong khu vực nông thôn.  Xây dựng hệ thống thông tin về hướng phát triển của các ngành nghề, dự báo về nguồn nhân lực và thị trường lao động khu vực nông thôn thành phố.


  -Tăng cường đầu tư các cơ sở dạy nghề vừa học, vừa làm. Có chính sách truyền nghề, dạy nghề kèm cặp, gắn dạy nghề với cơ sở sản xuất-kinh doanh-dịch vụ.


  -Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề phù hợp. Khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chú ý đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho thanh niên, học sinh nông thôn mới tốt nghiệp phổ thông giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp như: công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn, bán hàng...hỗ trợ cho người lao động ngoại thành có điều kiện học nghề hoặc chuyển đổi nghề, chú trọng những nghề nông nghiệp theo kỹ thuật mới đối với lao động làm nông nghiệp..., hỗ trợ vốn cho doanh nhân khu vực nông thôn. Có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các nghề kỹ thuật cao. Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho lao động nông thôn cải thiện đời sống.


  -Tăng cường hoạt động thông tin thị trường lao động, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm.


  -Định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động, cung cấp cho họ những số liệu tin cậy về lao động, việc làm đến các địa phương để có căn cứ xây dựng chương trình hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với thông tin và những cơ hội tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác. Mở rộng các hình thức tư vấn nghề, nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm cho thanh niên nông thôn.


  -Đề án đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là cho đối tượng phụ nữ và thanh niên trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để đề án này được thực hiện thành công hay không, đòi hỏi có sự quan tâm sâu sát của các cấp chính chính quyền, ban ngành, cơ sở và đặc biệt là ý thức, nỗ lực học tập, quyết tâm thay đổi cuộc sống của người lao động khu vực nông thôn.


II.    KỸ NĂNG HƯỚNG NGHIỆP VÀ CHỌN NGHỀ


Để giúp học sinh, người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội; từ đó đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương, đất nước thì công tác hướng nghiệp phải căn cơ, khách quan và hiệu quả.


Các yếu tố nào cần thiết tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp nhằm tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành cần quan tâm nhất hiện nay tư vấn hướng nghiệp là một công đoạn quan trọng trong công tác hướng nghiệp, là hoạt động giúp cho học sinh - sinh viên - người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp (định hướng hoặc tìm chọn chuyển nghề) trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân và nắm được định hướng phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu nhân lực của địa phương, đất nước trong từng thời kỳ. 

 


    Những vấn đề cần chú ý trong hoạt động hướng nghiệp


  -Định hướng sự chú ý của học sinh - người lao động vào những ngành nghề kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước cần phát triển.


  -Kích thích sự hứng thú của học sinh - người lao động tìm hiểu và theo học các ngành, nghề của địa phương, xã hội đang cần.


  -Giúp học sinh - người lao động tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực phù hợp.


    05 vấn đề trọng tâm, học sinh - người lao động mong muốn được hướng nghiệp:  


  -Ngành nghề, xu hướng việc làm của thị trường lao động.


  -Định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp.   


  -Các quy định thi tuyển, xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề. 


  -Chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình.   


  -Giới thiệu về các trường và ngành đào tạo. Chuẩn đầu ra. Khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp.


    Kinh nghiệm cho thấy để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả cao, phải có sự kết hợp đồng bộ của 06 đối tượng:   


  -Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo và lao động – việc làm.  


  -Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề. 


  -Các cơ quan nghiên cứu dự báo nguồn nhân lực và nghề nghiệp.


  -Các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở.  


  -Các cơ quan thông tin báo đài.  


  -Phụ huynh, gia đình, học sinh, người lao động.


Nên chọn ngành phù hợp với nhu cầu xã hội hay phù hợp với bản thân là câu hỏi mà hầu hết học sinh và người lao động rất quan tâm. Để chọn ngành học cần thật sự bình tĩnh, để tự xác định theo 4 bước: thứ nhất, có thể chọn cho mình một vài ngành nghề theo sở thích; sau đó xem xét năng lực của mình có phù hợp với những ngành nghề đã chọn hay không; tiếp đến là sức học như thế nào; cuối cùng xem nhu cầu xã hội. Chọn ngành học rồi chọn trường học.


Cần biết năng lực, kiến thức bản thân, công việc quan tâm, khả năng kinh tế gia đình để xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp. Tìm hiểu thị trường lao động, cơ sở đào tạo để biết nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo.


Nếu cảm thấy “nghi ngờ” lựa chọn ngành học, việc làm nên tìm đến các nhà tư vấn tại các trường đào tạo nghề, tổ chức tư vấn đào tạo - giới thiệu việc làm. Tuy nhiên việc tư vấn thị trường lao động chỉ là vấn đề tham khảo, vấn đề là bản thân phải xác định được tâm huyết học nghề theo sở trường. Hãy xác định nghề nghiệp là yêu cầu học tập suốt đời. Việc làm là quá trình hoàn chỉnh nghề nghiệp và thăng tiến.


Học sinh không nên quyết tâm vào Đại học bằng mọi giá. Đừng để sau khi vào học hoặc học xong Đại học lại chán nản vì không đúng ngành nghề mà các em yêu thích. Có rất nhiều con đường để các em lựa chọn cho bản thân mình, nếu chọn trường TC thì các em vẫn có thể học liên thông (CĐ là 1,5 năm, ĐH là 3 năm) và cơ hội việc làm rất lớn. Hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tuyển người có trình độ ĐH chỉ khoảng 10-12 %, còn hệ TC và CĐ tuyển rất nhiều.


 Để chọn ngành học và làm được công việc yêu thích và phù hợp bản thân,theo các chuyên gia hướng nghiệp, người chọn nghề phải xác định được sở thích và thế mạnh của mình,hãy tự đặt và trả lời hai câu hỏi sau:


1.   Trong cuộc sống, những công việc nào thích làm nhất?


2.   Và thường làm những công việc nào tốt hơn người khác?


Hãy liệt kê càng nhiều việc càng tốt, dù đó có thể là những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Sau khi chọn ra đáp án chung cho cả hai câu hỏi trên, đã xác định được mình thích và làm tốt được việc gì.


Đúng là hiện nay có nhiều ngành nghề không thu hút người học do trong thị hiếu của số đông, tuy nhiên tương lai vẫn nằm trong danh mục nghề có nhu cầu lớn. Đó là những nghề thuộc nhóm ngành Cơ khí, Điện, Hóa chất, Kỹ thuật nông lâm nghiệp, Kỹ thuật thủy sản, Công nghệ địa chất - Vật lý, Toán, Thống kê, Công nghệ sinh học, Xã hội học…


Sẽ không có ngành, nghề nào được xem là “hot” trong những năm tới. Vì khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các DN sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực.


Để không phải lúng túng và có sự đầu tư tốt cho nghề nghiệp tương lai, học sinh - người lao động cần tìm hiểu để có những hiểu biết nhất định về thị trường lao động, về nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo, tuyển dụng...


Vấn đề mấu chốt là mỗi người phải xác định được tâm huyết theo sở trường cá nhân, chọn ngành học phù hợp năng lực, sức khỏe, sở trường và phù hợp nhu cầu xã hội.


Để tạo nguồn đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội phải làm tốt công tác hướng nghiệp. Đây là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và các Ngành các cấp đặc biệt quan tâm; tại TP.Hồ Chí Minh những năm gần đây hoạt động hướng nghiệp đang phát triển đa dạng, năng động, nhiều hình thức, phương pháp linh hoạt.


Thực tế thị trường lao động đã minh chứng, khi người thanh niên chính thức bước vào thị trường lao động, trình độ và cấp bậc học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, hay Sơ cấp chỉ là phần cơ bản của nghề, điều cốt lõi là mỗi thanh niên phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão làm việc và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.


Việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện rất rõ trên thị trường lao động. Phải thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối thừa, thiếu như thế nào. Đây chính là thông tin quan trọng giúp các cơ sở giáo dục rà soát lại quá trình cung ứng lao động. Hơn ai hết, chính người lao động, người sử dụng lao động phải biết thông tin rất quan trọng này. Tăng cường những cuộc khảo sát điều tra, dự báo xu hướng biến động về nhu cầu của từng lĩnh vực ngành nghề và công bố rộng rãi. Nhà trường, người lao động và xã hội đều biết các thông tin này. Như thế sẽ góp phần điều chỉnh sự mất cân đối cung - cầu lao động.


III.    TRAO ĐỔI GIAO LƯU CÂU HỎI TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP THEO NHÓM


1.    Thế nào là hướng nghiệp – tự hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp?


2.    Tại sao phải học nghề, học nghề thì người thanh niên, lao động khu vực nông thôn được lợi ích gì vì nếu không có nghề thì vẫn có việc làm lao động phổ thông?


3.    Phải hiểu và làm thế nào thì sẽ chọn đúng nghề, nghĩa là “không chọn lầm nghề”?


4.    Tại khu vực nông thôn, cụ thể là khu vực của chúng ta, chọn học nghề nào thì dễ học, dễ có việc làm, thu nhập cao?


5.    Với năng lực học tập vào được Đại học và Cao đẳng, tuy nhiên sau khi học, không muốn làm xa nhà, vậy nên chọn ngành học gì thì dễ làm việc tại huyện nhà.


05 câu hỏi được chia làm 05 nhóm thảo luận và trả lời.

 

  Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực
và Thông tin thị trường lao động TP.HCM
Tháng 8 năm 2014.
 


       
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723877

TRUY CẬP HÔM NAY: 8571

ĐANG ONLINE: 36