Đào tạo ngành y-dược: Tranh cãi gay gắt


Những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đua nhau tuyển sinh ngành Điều dưỡng, Dược sĩ, với mức điểm bằng điểm sàn do Bộ GD – ĐT quy định. Nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo, hệ quả của vấn đề này sẽ khiến sinh viên bị tẩy chay khỏi thị trường lao động.

Dưới điểm sàn, vẫn trúng tuyển

ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên được đào tạo nhóm ngành Y dược. Năm 2013, điểm chuẩn vào ngành Điều dưỡng, Dược sĩ của trường này bằng điểm sàn của Bộ. Mùa tuyển sinh 2014, trường lấy 16 điểm vào ngành Điều dưỡng, còn vào ngành Dược sĩ là 14 điểm. Tương tự, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng tuyển sinh ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học (khối B), với điểm chuẩn bằng điểm sàn. Học phí 2 ngành này ở trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng khoảng 18 triệu đồng/năm. Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng tuyển sinh ngành Dược học (khối A, B), với mức điểm chuẩn bằng điểm sàn. Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) đang thông báo tuyển sinh ngành Dược học (khối A, B), với mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn. Trường ĐH Võ Trường Toản tuyển sinh ngành Y đa khoa (khối B), với điểm trúng tuyển cũng chỉ bằng mức sàn. Năm 2013, nhóm ngành Y – Dược ở trường này cũng lấy điểm chuẩn bằng mức điểm sàn do Bộ quy định.

Đặc biệt, trường ĐH Nam Cần Thơ đang tuyển sinh ngành Dược sĩ (khối A), với mức điểm nhận hồ sơ thấp hơn cả điểm sàn. Theo thông báo tuyển sinh của trường này, chỉ có thí sinh thuộc KV3 là phải đạt 13 điểm. Còn thí sinh ở KV2-NT chỉ cần 12 điểm, KV1 chỉ cần 11,5 điểm là được vào học ngành Dược sĩ. Ngoài ra, trường còn tuyển sinh hệ ưu tiên đặc thù khu vực, dành cho các thí sinh có hộ khẩu ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Theo đó, thí sinh KV1 chỉ cần 10,5 điểm, KV2-NT là 11 điểm, KV2 là 11,5 điểm và KV3 là 12 điểm sẽ được trúng tuyển và học ngành Dược sĩ.

Trường ĐH Tây Đô, ở Cần Thơ, cũng ra thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 năm 2014, ngành Dược học, Điều dưỡng, với mức điểm nhận hồ sơ dưới điểm sàn của Bộ. Theo đó, điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 12,5 điểm, với thí sinh KV 1, 13 điểm ở KV2-NT để vào học 2 ngành nói trên. Trường ĐH Công nghệ Miền Đông, mới được tuyển sinh mùa đầu tiên trong năm 2014, cũng ra thông báo tuyển sinh ngành Dược học, dưới điểm sàn. Mức điểm nhận hồ sơ của trường này là từ 11,5 – 14 điểm, tùy theo khu vực.

Ở hệ cao đẳng, trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật miền Nam, trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, trường CĐ Bách Việt… cũng tuyển sinh ngành Điều dưỡng, Dược sĩ, với mức điểm trúng tuyển bằng điểm sàn do Bộ quy định.

Mối lo cho tương lai

Trong 3 mùa tuyển sinh gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng đã tăng quy mô tuyển sinh, dồn chỉ tiêu vào nhóm ngành Y – Dược. Rất nhiều trường đại học mới thành lập cố gắng xin mở những ngành trong nhóm Y – Dược để dễ tuyển sinh. Giới chuyên gia nhận định, với đầu vào dễ dãi thì đầu ra sẽ rất thấp. Do đó, sinh viên ra trường sẽ không xin được việc làm.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng: “Cơ hội học tập được chia đều cho tất cả thí sinh. Quy trình đào tạo của nước ta đang làm ngược với thế giới. Hiện tại, chúng ta đang siết chặt đầu vào mà không quan tâm chất lượng đầu ra. Tôi nghĩ, với quy trình đào tạo được thực hiện một cách khoa học thì sinh viên có đầu vào thấp nhưng đầu ra vẫn tốt. Việc này giống như trong sản xuất công nghiệp, chúng ta có nguyên liệu xấu nhưng quy trình công nghệ sản xuất tốt thì vẫn cho ra những sản phẩm tốt. Nhiều sinh viên của trường đã có việc làm ở những bệnh viện lớn”. ThS Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng cho rằng, trước khi tuyển sinh, trường được Bộ GD – ĐT và Bộ Y tế thẩm định kỹ lưỡng về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất rồi mới cho tuyển sinh. Do đó, khi sinh viên ra trường, chắc chắn sẽ tìm được việc làm.

Sinh viên ngành Điều dưỡng, trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học.

Sinh viên ngành Điều dưỡng, trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học.




Tuy nhiên, trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, PGS. TS Lý Văn Xuân, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Y dược TP. HCM, cho biết, Y – Dược là nhóm ngành đặc thù, không thể làm đại trà như các ngành nghề đào tạo khác. Hiện nay, có rất nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ồ ạt đào tạo nhóm ngành Y – Dược. Việc này sẽ để lại hệ quả nặng nề trong tương lai, nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát ngay từ bây giờ. PGS. TS Lý Văn Xuân nhấn mạnh: “Ngành Y Dược liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy, cần có quy trình đào tạo nghiêm ngặt, cơ sở vật chất đúng tầm và giảng viên có chuyên môn. Với đầu vào thấp như các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang tuyển sinh, tôi nghĩ, không thể nào cho ra được những điều dưỡng viên, dược sĩ lành nghề và đáp ứng được nhu cầu công việc. Ở trường ĐH Y Dược TP. HCM, có rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển ở các địa phương gửi về đào tạo nhưng học hơn 10 năm vẫn chưa lấy được bằng tốt nghiệp!”.

Chỉ 50% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm

Không phải bây giờ các cơ quan quản lý mới nhìn thấy vấn đề này. Kết thúc mùa tuyển sinh 2013, ông Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ GD – ĐT. Trong công văn, ông Cường cho biết, hiện nay, có rất nhiều trường ngoài công lập, kể cả trường đào tạo đa ngành cũng tham gia đào tạo nhân lực ngành y tế. Bộ Y tế kiến nghị Bộ GD – ĐT giao chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành Y – Dược cho các trường ngoài công lập cần căn cứ vào năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Bộ Y tế cũng khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực ngành Điều dưỡng, Dược sĩ và kiến nghị Bộ GD – ĐT hạn chế giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, đến mùa tuyển sinh 2014, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, cho biết, TP. HCM có tới 27 cơ sở đào tạo nhóm ngành Y – Dược, trong đó, có tới 22 trường ngoài công lập. Quy mô đào tạo nhóm ngành Y – Dược lên đến hơn 14.000 sinh viên. 70% sinh viên đang theo học nhóm ngành Y – Dược tại TP. HCM là đến từ các tỉnh. Do đó, vấn đề tuyển dụng của ngành y tế hiện nay đang rất căng thẳng. Ngay cả trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũngchỉ tuyển thí sinh có hộ hẩu TP. HCM để đào tạo nhân lực cho thành phố nhưng trong 400 sinh viên ngành Điều dưỡng tốt nghiệp năm 2013, chỉ có 50% có được việc làm. Sở Y tế TP. HCM không phân biệt sinh viên tốt nghiệp từ trường công hay trường tư nhưng vẫn phải có chuẩn đầu ra để đảm bảo chất lượng.

Kết quả khảo sát các trường ngoài công lập có đào tạo nhóm ngành Y -Dược cho thấy, có tới 40 – 50% sinh viên tốt nghiệp không xin được việc hoặc làm trái ngành đào tạo. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, cho biết: “Tuy chưa có khảo sát cụ thể nhưng sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành Y – Dược từ các trường ngoài công lập sẽ khó cạnh tranh hơn so với các trường công lập, đào tạo lâu năm. Nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành này đang chững lại. Sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập càng khó khăn hơn khi đi tìm việc làm”.


QUẾ SƠN

Nguồn: http://svvn.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024866330

TRUY CẬP HÔM NAY: 4529

ĐANG ONLINE: 15