Nghị định 31/2015/NĐ- CP ngày 24.3. 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.5.2015 với các nội dung chủ yếu sau:

 

1. Điều kiện cấp chứng nhận: Đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực.

 

2. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp đổi, bổ sung, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận.

 

3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận: Hồ sơ đề nghị có đủ văn bản đề nghị, tài liệu chứng minh đáp ứng được các điều kiện quy định  tại Điều 3 Nghị định này. Gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện; trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ LĐTBXH kiểm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận.

 

4. Tạm đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy chứng nhận: Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề bị tạm đình chỉ hoạt động đến 6  tháng nếu làm mất kết quả kiểm tra kiến thức, không lưu giữ kết quả,…

 

5. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề: Quyền được tổ chức cho thi thử các bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành; liên kết với các tổ chức khác theo quy định của pháp luật; thu tiền thuê dụng cụ, thiết bị và tiền mua vật tư,…

 

6. Điều kiện cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia: Năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hoàn thành khóa đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; được công nhận nghệ nhân cấp quốc gia về nghề đó;…

 

7. Thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ, thu hồi thẻ đánh giá viên: Bộ LĐTBXH có thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ, thu hồi thẻ.

 

8. Hủy bỏ, thu hồi thẻ đánh giá viên: Thẻ đánh giá viên bị hủy bỏ khi người được cấp thẻ đánh giá viên thôi việc hoặc chuyển công tác khác.

 

9. Điều kiện tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ: Có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 hoặc chứng chỉ sơ cấp tương ứng; học xong chương trình trung cấp;…

 

10. Điều kiện được công nhận hoặc miễn đánh giá: người đạt được huy chương tại hội thi tay nghề thế giới; đạt được huy chương tại hội thi tay nghề ASEAN;…

 

11. Tổ chức việc thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ: Tuân thủ nội dung quy định tại Điều 30 Luật Việc làm và được tổ chức định kỳ trong năm theo lịch trình do Bộ LĐTBXH công bố.

 

12. Phương thức thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia: Ban giám khảo do người đứng đầu tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quyết định lựa chọn để thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề của người tham dự.

 

13. Quy trình thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ: Lập kế hoạch; thực hiện đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ thuật; giám sát việc thực hiện đánh giá,…

 

14. Giám sát việc thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ: Cơ quan có thẩm quyền lập các tổ giám sát theo từng nghề để thực hiện việc giám sát kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.

 

15. Xử lý các sự cố: Trường hợp xảy ra sự cố bất khả kháng như bão, lụt, cháy, nổ,… bắt buộc phải dừng các hoạt động lại.

 

16. Xử lý vi phạm: Người tham dự có hành vi vi phạm các quy định ban giám khảo phải lập biên bản và xử lý theo quy định.

 

17. Thực hiện việc hoàn trả chi phí: Hoàn trả chi phí cho người tham dự đã nộp tiền thuê dụng cụ, thiết bị,… nhưng người đó chưa sử dụng.

 

18. Công nhận kết quả đánh giá, cấp chứng chỉ: Căn cứ vào biên bản và tổng hợp kết quả điểm bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành do ban giám khảo lập, biên bản giám sát của tổ giám sát, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quyết định công nhận kết quả đánh giá của ban giám khảo và lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

 

19. Danh mục công việc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia:

 

- Công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng hoặc sức khỏe của người khác;...

 

20. Thời điểm áp dụng: 

 

Trong thời hạn tối đa 1 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các cơ quan có trách nhiệm tổ chức xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề có các công việc thuộc danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của cá nhân người lao động và cộng đồng…

 

21. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:  giúp Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong phạm vi cả nước; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;…

 

22. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Xây dựng, đề xuất danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng yêu cầu phải có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề được quy định tại các luật hiện hành và tổ chức thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề đối với công việc đó.

 

23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: thực hiện quản lý nhà nước về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại địa phương, trong phạm vi, quyền hạn của mình.

 

24. Quy định chuyển tiếp:

 

Trong thời hạn tối đa 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề đã được cấp giấy chứng nhận trung tâm đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định này.