PHƯƠNG PHÁP TƯƠNG TỰ TRONG DỰ BÁO


   Tương tự (hay tương tự lịch sử) là phương pháp có thể giúp chúng ta dựng lên hình ảnh nào đó về tương lai của một hệ mặc dù dữ liệu có được về hiện trạng của hệ rất hạn chế và chưa thể xác định quan hệ giữa các biến số (trong và ngoài) chi phối sự vận động của hệ theo thời gian (dù chỉ là theo một mô hình đơn giản nào đó). Với điều kiện như vậy, hình ảnh tương lai của hệ mà ta cố gắng dựng lên có thể rất thô sơ. Nhưng, như nhà tương lai học người Pháp De Jouvenel đã viết [1] , "Thô sơ mà đúng thì hơn tinh vi nhưng lại sai" hay như ý kiến của nhà ngiên cứu S. Lall: "Nếu biết sử dụng thì một số đo thô sơ cũng không phải là không có ích" [2].


   Bài này sẽ giới thiệu về phương pháp tương tự trong dự báo, chủ yếu dựa trên tác phẩm của Martino [3], và một vài kết quả thử áp dụng cho Việt Nam mà chúng tôi đã thu được. Các kết quả này, theo chúng tôi, có thể có ích cho việc nghiên cứu chính sách về các vấn đề được đề cập.


   I. Phương pháp


      Theo Martino, sử dụng các tương tự trong dự báo là "so sánh một cách hệ thống công nghệ cần dự báo với một công nghệ trước đó được cho là tương tự về mọi phương diện hay những phương diện quan trọng nhất"[1]. Nhưng thế nào là "tương tự" và thế nào là "những phương diện quan trọng nhất"? Toàn bộ ý tưởng cơ bản của phương pháp tương tự - sự so sánh một cách hệ thống - là ở câu trả lời cho các câu hỏi này.


      Trước hết, ta cần thấy rằng việc sử dụng phương pháp tương tự có một số khó khăn.
Thứ nhất, khi nhà dự báo đã tìm được một tình trạng lịch sử (tình trạng "mô hình") được xem là đủ tương tự với tình trạng cần dự báo thì vấn đề còn phải lưu ý là tình trạng hiện tại có thể sẽ không diễn ra giống như tình trạng mô hình. Cơ sở của phương pháp tương tự là giả thiết cho rằng con người ứng xử theo một "cách tiêu chuẩn", và trong những tình trạng tương tự đã cho, con người hành động theo những cách tương tự. Thực tế thì không có gì bảo đảm là con người trong tình trạng ngày nay cũng hành động tương tự như con người trong tình trạng lịch sử tương tự.


      Thứ hai, đó là tính duy nhất lịch sử - không hề có hai tình trạng lịch sử nào giống nhau về mọi phương diện. Vì vậy, khi sử dụng phương pháp tương tự, cần xác định rõ phương diện nào là quan trọng và phương diện nào là không quan trọng, có thể bỏ qua. Việc tìm kiếm sự tương tự sẽ chỉ nhằm vào các phương diện được đánh giá là quan trọng đối với mục đích đặt ra cho dự báo. Sự tương tự sẽ càng mạnh nếu như tìm ra không phải một mà một số trường hợp lịch sử có thể so sánh với tình trạng hiện tại đang được nghiên cứu dự báo. Ví dụ, Việt Nam có thể trở thành một "con rồng châu Á" không chỉ tương tự như Hàn Quốc mà còn như Đài Loan, Xingapo và có thể là cả Malaixia. Nhưng vì mỗi trường hợp lịch sử bản thân nó đều là duy nhất cho nên vấn đề cần xem xét không thể là tương tự mà chỉ có thể là có "đủ tương tự" hay không.


      Thứ ba là vấn đề "rút kinh nghiệm lịch sử". Do con người đã biết về hậu quả của một tình trạng đã qua nên khi rơi vào một tình trạng tương tự, họ sẽ rút kinh nghiệm của quá khứ và do đó sẽ hành động khác đi nếu như không muốn gặp phải các hậu quả tương tự. Giả thiết về "cách tiêu chuẩn" của ứng xử trong phương pháp tương tự do đó không thể áp dụng được.


      Mặc dù có những khó khăn như đã nói, tương tự vẫn được đánh giá là một phương pháp rất có ích trong việc dự báo sự thay đổi công nghệ([2]). Các khó khăn tuy không thể khắc phục hoàn toàn, song có thể giảm tới mức thấp nhất nhờ sử dụng một phương pháp có hệ thống để xác lập các tương tự. Quan tâm đến sự thay đổi về công nghệ (ví dụ như thay máy bay cánh quạt bằng máy bay phản lực), khi so sánh hai tình trạng, chỉ cần chú ý đến những nhân tố có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi này. Việc nghiên cứu các nhân tố như vậy đã dẫn đến một loạt thứ nguyên cần được xem xét khi so sánh những tình trạng có thể là tương tự: công nghệ, kinh tế, quản lý, chính trị, xã hội, văn hóa, trí tuệ, tôn giáo - đạo đức, sinh thái.

 

   II.Một số kết quả thử áp dụng


    1. Dự báo phát triển năng lượng công nghệ của Việt Nam tới năm 2020 (3)


       Năng lực công nghệ của một quốc gia là khái niệm được hiểu theo nhiều mức độ ([4]). Trong nghiên cứu của chúng tôi, khái niệm này được hiểu là khả năng làm chủ chu trình sống của công nghệ - một quá trình gồm nhiều giai đoạn mà ở các nước phát triển (sáng tạo công nghệ) đi từ "mới nổi lên" đến "đang tăng trưởng" và cuối cùng là "đã chín muồi"; còn ở các nước đang phát triển (tiếp thu công nghệ của nước ngoài) thì theo chiều ngược lại: bắt đầu từ "đã chín muồi", qua "đang tăng trưởng", rồi mới đến "mới nổi lên". Ba giai đoạn (chính) này của phát triển công nghệ thể hiện ba trình độ của năng lực công nghệ quốc gia([5]).


      Các yếu tố quan trọng (biến số then chốt) của hệ thống nghiên cứu và triển khai (R&D) tạo ra năng lực công nghệ cần được xem xét trong dự báo bao gồm: đầu tư cho R&D, cán bộ làm R&D và việc quản lý các hoạt động R&D. Đầu tư cho R&D nhiều hay ít là tùy theo chính sách khoa học và công nghệ và khả năng kinh tế của mỗi quốc gia (hai yếu tố này thể hiện ở tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm trong nước hay xã hội (GDP hay GNP) dành cho R&D). Cán bộ R&D thì cần phải đạt số lượng và chất lượng cần thiết. Tuy nhiên, theo phân tích của chúng tôi (khi so sánh tình trạng Việt Nam hiện nay với Hàn Quốc), yếu tố cần tập trung xem xét trước hết là điều kiện làm việc của cán bộ R&D và tỷ lệ phần trăm GDP dành cho R&D (có thể rút bớt số lượng "cán bộ R&D" đồng thời nâng cao trình độ của những người được giữ lại). Việc quản lý R&D là một yếu tố có tính chất định tính; đối với Việt Nam, tình trạng quản lý R&D hiện đang cần được thay đổi theo hai mức: "cải tiến" và "đổi mới mạnh mẽ".


      Khi tiến hành tính toán với số liệu xuất phát vào năm 2000 là GDP vào khoảng 32 tỉ đôla (tức 400 đôla mỗi đầu người). Một số kịch bản đã được chỉ ra dựa trên các giả thiết khác nhau về tốc độ tăng GDP trung bình hàng năm cho đến năm 2020 và tỷ lệ phần trăm GDP dành cho R&D.
Ngoài ra, để có một hình ảnh (có thể là thô sơ) về sự phát triển năng lực công nghệ của Việt Nam đến năm 2020, chúng tôi đã giả định rằng sự phát triển đó cũng tương tự như của Hàn Quốc trong quá khứ. Bằng cách so sánh các yếu tố cần tính đến trong dự báo, đã tìm thấy khoảng cách về năng lực công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc vào năm 1995 là 25 năm. Từ đó một số kịch bản đã được phác họa như sau:


      Kịch bản cao: Tốc độ tăng GDP trung bình hàng năm của Việt Nam từ nay đến năm 2020 là 10%, đầu tư cho R&D tăng dần từ 1% năm 2000 lên 5% năm 2020, hệ thống R&D quốc gia được đổi mới một cách căn bản. Khi đó năng lực công nghệ của Việt Nam sẽ bằng Hàn Quốc năm 1995 tuy quy mô phát triển công nghệ và công nghiệp còn nhỏ hơn, nghĩa là gần đạt trình độ của một "quốc gia công nghiệp lớn" (đánh giá Hàn Quốc trong báo cáo năm 1994 của OECD).


      Kịch bản rất cao: GDP tăng nhanh hơn so với kịch bản trên. Khi đó phát triển công nghệ ở nước ta đến năm 2005 về chủ yếu sẽ chuyển từ giai đoạn chuyển giao các công nghệ đã chín muồi sang giai đoạn phát triển các công nghệ đang tăng trưởng trong chu trình sống của công nghệ. Điều này có nghĩa là vào năm 2005, phát triển công nghiệp ở nước ta sẽ có những thay đổi về chất. Kịch bản này, như hiện nay đã rõ, không xẩy ra. Sự thay đổi về chất của công nghiệp (theo nghĩa như đã nói) còn nằm trong tương lai.


      Kịch bản trung bình: Tốc độ tăng GDP trung bình hàng năm từ nay đến năm 2020 là 7%, đầu tư cho R&D vào năm 2020 đạt 2%. Khi đó khoảng cách về năng lực công nghệ (và do đó sự phát triển của công nghiệp) giữa Việt Nam và Hàn Quốc vào năm 2020 sẽ tăng lên là hơn 30 năm, nghĩa là ta chưa bằng Hàn Quốc năm 1990! Kịch bản này ở chừng mực nào đó hiện đang diễn ra trên thực tế ở nước ta. Để thay đổi tình trạng này, một trong những nhân tố lớn cần có sự tác động thật mạnh mẽ, theo chúng tôi, là quản lý khoa học và công nghệ.

 

    2. Đánh giá lực lượng lao động tri thức (knowledge worker) trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay (6)


      Bài toán đặt ra là tính tỉ lệ lao động tri thức của Việt Nam trong tổng lực lượng lao động của cả nước. Suy đoán về tỉ lệ này theo phương pháp tương tự lấy Hàn Quốc làm hệ quy chiếu, kết quả thu được cho năm 2000 là khoảng 5%. Sau đó chúng tôi đã tiến hành các tính toán gián tiếp dựa trên các số liệu về lao động của nước ta, lấy số lượng lao động từ công nhân kỹ thuật (CNKT) có bằng trở lên làm cơ sở, rồi suy ra số lượng lao động tri thức được xem là chiếm một tỉ lệ nào đó trong lực lượng lao động ấy. Với tỉ lệ được ước chừng cũng theo cách suy đoán (không đến 1/2 mà cụ thể là 2/5), các tính toán gián tiếp đã đưa đến kết quả vào năm 2000 là khoảng 5%, giống như đã thu được theo phương pháp tương tự. Tổng số lao động tri thức của cả nước như vậy là 5128149 x 2/5 » 2 triệu người ([7]).


      Hiển nhiên chúng ta sẽ tin hơn vào các kết quả tính toán trực tiếp, nghĩa là sử dụng các số liệu về chính các lao động được xếp là lao động tri thức. Loại lao động này được xác định theo cách tiếp cận của APEC với phân loại nghề nghiệp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Để làm việc này, chúng tôi đã tiến hành hai bước sau đây:


      a) Trước hết, sử dụng phân loại mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội về các ngành kinh tế quốc dân và trình độ chuyên môn kỹ thuật, cụ thể là phân loại được áp dụng vào các năm 2001 và 2002, và đối chiếu với các lao động được xếp là "lao động tri thức" trong phân loại nghề nghiệp của ILO (năm 1968). Để tiện cho việc sử dụng, chúng tôi đã lập ra "ma trận ngành - trình độ" với 20 hàng chỉ các ngành kinh tế quốc dân (nông nghiệp và lâm nghiệp, thủy sản...) và 7 cột chỉ các trình độ chuyên môn kỹ thuật (không có chuyên môn kỹ thuật, sơ cấp/có chứng chỉ nghề,...). Các ngành theo phân loại của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội được đối chiếu với các nghề theo phân loại của ILO và điền số liệu cho những trường hợp có sự tương ứng khá gần giữa hai kiểu phân loại. Nếu không có sự tương ứng, trong bước tiếp theo, sẽ sử dụng số liệu về trình độ (các cột) hoặc một nguồn khác để suy ra bộ phận lao động tri thức liên quan.


      b) Bước tiếp theo là tìm cách bổ sung những trường hợp nằm ngoài sự tương ứng đã được xác định trong bước trước. Những trường hợp như vậy được xét riêng rẽ và giải quyết tùy thuộc vấn đề cụ thể và các số liệu cụ thể có được (nói riêng, các số liệu về trình độ), các số liệu này thường chỉ có đối với một năm nào đó và sự khác biệt về thời gian đã được bỏ qua. Kết quả thu được, do đó, chỉ là gần đúng nhưng vì đóng góp của chúng chỉ là phần nhỏ trong kết quả có tính chủ yếu đã thu được ở bước trước cho nên ảnh hưởng của sự gần đúng này không lớn.


      Các kết quả tính trực tiếp theo hai bước nói trên, cũng là khoảng 5% (năm 2002), nghĩa là rất phù hợp với các kết quả đã thu được bằng cách suy đoán theo phương pháp tương tự. Điều này chứng tỏ phương pháp tương tự lấy Hàn Quốc làm hệ quy chiếu là có ý nghĩa và đáng được nghiên cứu áp dụng để dự báo cho một số trường hợp khác ngoài dự báo về năng lực công nghệ của Việt Nam đã trình bày trong ví dụ trước. Còn việc sử dụng "hệ số chuyển đổi 2/5" để tính ra lao động tri thức từ lao động từ CNKT có bằng trở lên thì cần phải thận trọng, vì hệ số này chắc chắn sẽ phải thay đổi theo thời gian mà sự thay đổi đó ta không rõ là như thế nào (có thể càng ngày càng nhỏ đi).


      Biểu đồ Tỉ lệ lao động từ công nhân kỹ thuật có bằng trở lên và lao động tri thức trong tổng lao động cả nước của Việt Nam 1996-2002 ( phụ lục đính kèm ) cho biết nhịp độ phát triển của lực lượng lao động từ CNKT có bằng trở lên (trục đứng bên trái) và lao động tri thức (trục đứng bên phải) trong thời gian 1996-2002 của cả nước và 4 thành phố lớn.


      Các kết quả đã thu được cho phép nêu một số nhận xét có ý nghĩa về mặt chính sách mà các cơ quan quản lý lao động và đào tạo có thể tham khảo. Sự kiện có thể thấy rất rõ là lao động có kỹ thuật (và tương ứng, lao động tri thức) được tập trung ở mức cao tại các thành phố lớn, lúc đầu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và gần đây thêm Đà Nẵng. Trong khi đó, tỉ lệ của loại lao động này trên toàn quốc lại tăng chậm - chỉ thêm được 4% trong 6 năm (nếu là lao động tri thức thì trong hai năm liền 2001 và 2002 không thay đổi). Do nhu cầu về loại lao động này đang tăng nhanh mà nguồn cung tăng chậm, thậm chí không tăng đối với lao động tri thức thời gian gần đây, nên các trung tâm kinh tế - văn hóa lớn đã hút nhân lực có trình độ từ các nơi khác và như vậy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi bị hút nhân lực có trình độ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Tăng cường đào tạo lao động có kỹ thuật và mở rộng hơn nữa các hoạt động khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, giáo dục rõ ràng là một nhiệm vụ lớn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến đến kinh tế tri thức. Đối tượng được chú ý trong việc đào tạo này phải là đông đảo người lao động từ tất cả các cơ sở sản xuất (hiện có tới 80% tổng lao động toàn quốc là không có chuyên môn - kỹ thuật) chứ không thể chỉ tập trung vào trình độ cao và thật cao.

 

   III. Kết luận


      Phương pháp tương tự (lịch sử) có thể được áp dụng có kết quả trong dự báo về công nghệ cũng như về một số đối tượng khác. Kết quả thu được tuy đơn giản và gần đúng song có thể có ích, ví dụ để gợi ý về chính sách như đã xét đối với năng lực công nghệ quốc gia và lực lượng lao động tri thức của nước ta hiện nay. Trong ví dụ thứ nhất, bằng cách đổi mới mạnh mẽ quản lý khoa học và công nghệ, công nghiệp của nước ta sẽ có thể sớm chuyển sang một giai đoạn mới về chất với khả năng cạnh tranh cao hơn của sản phẩm. Trong ví dụ thứ hai, chúng ta cần phải phát triển với nhịp độ cao hơn lực lượng lao động có kỹ thuật, chú trọng nhiều hơn đến đội ngũ công nhân và mở rộng các hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế và văn hóa để đưa nền kinh tế nhanh chóng tiến đến giai đoạn kinh tế tri thức.
Tài liệu dẫn chứng


         1.      H. de Jouvenel, Futuribles, 1993.


         2.      S. Lall, World Development, 1992, 20, 165.


         3.      J. P. Martino, Technological forecasting for decision making, 2nd ed., North - Holland, 1983.


         4.      Đặng Mộng Lân, Kinh tế và Dự báo, 1996, số 282, 11; Vật lý Ngày nay, 1996, số 3(24), 20.


         5.      AC/UNU, Millennium Project, State of the Future, 1998-.


         6.      Đặng Mộng Lân, Phân tích năng lực công nghệ quốc gia, Đề tài KC 01.03 - Chuyên đề "DSS phục vụ đánh giá năng lực công nghệ quốc gia", Hà Nội, 1993.


         7.      Đặng Mộng Lân, Bưu điện Việt Nam, 7-13/2/2005; Diễn đàn tri thức, tháng 10-2005.

 

Đặng Mộng Lân
Viện Chiến lược và Chính sách KH & CN
________________________________________
   [1] Định nghĩa này, mặc dù được đưa ra khi nói về dự báo công nghệ, có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác nữa, ví dụ như về lao động tri thức.


   [2] Xem chú thích trước.


   [3] Vấn đề này tôi đã được nghiên cứu sơ bộ trong chuyên đề “Tiếp cận mô hình và hệ thống và hệ thống Việt Nam năm 2020” của Viện Nghiên cứu Dự báo và Chiến lược Khoa học và Công nghệ năm 1995, sau đó được hoàn thiện theo yêu cầu của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam năm 1996. Các kết quả đã giới thiệu tóm tắt trên một số tạp chí [4] và trong báo cáo “State of the Future” của Dự án Thiên niên kỷ của Hội đồng Mỹ Đại học Liên Hiệp Quốc năm 1998 và các năm tiếp theo [5].


   [4] Chúng tôi đã giới thiệu chi tiết vấn đề này trong [6]. Theo một định nghĩa rất rộng rãi, Ví dụ như của Lall, năng lực công nghệ của một quốc gia bao gồm ba nhóm năng lực: đầu tư vật chất, vốn con người và nỗ lực công nghệ, mỗi nhóm năng lực này lại bao gồm nhiều nhân tố.


   [5] “Mới nổi lên” là giai đoạn mà công nghệ sản phẩm (ví dụ thiết kế sản phẩm) thay đổi nhanh, chất lượng sản phẩm được đổi mới đáng kể, nhưng có nhiều rủi ro về kỹ thuật và thương mại; “đang tăng trưởng” là giai đoạn mà quá trình công nghệ (ví dụ thực hiện một bộ phận nào đó của sản phẩm) thay đổi nhanh, chi phí sản xuất có thể giảm đáng kể; “đã chín muồi” là giai đoạn mà các tham số có tính chất quyết định của sản phẩm cũng như của quá trình thực hiện sản phẩm đã trở nên khó thay đổi, những ngành công nghiệp dựa trên công nghệ ở giai đoạn này càng ngày càng kém linh hoạt và có nguy cơ mất vị trí cạnh tranh.


   [6] Vấn đề này chúng tôi đã nghiên cứu trong một số chuyên đề thuộc Đề tài KX08-02 do GS Vũ Đình Cự làm chủ nhiệm vừa hoàn thành năm 2005. Một số kết quả thu được đã giới thiệu vắn tắt ở [7].
Trong chuyên đề này, chúng tôi chỉ tiến hành đánh giá hiện trạng của lực lượng lao động tri thức trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nhưng phương pháp đã sử dụng hoàn toàn có thể áp dụng để dự báo sự phát triển của yếu tố này. Bên cạnh phương pháp tương tự, chúng tôi cũng đã tiến hành đánh giá trực tiếp và đã thu được cùng kết quả chứng tỏ phương pháp tương tự đúng là có thể mang lại những kết quả có ý nghĩa.


   [7] Nói đúng hơn,tỉ lệ 2/5 đã được lựa chọn để kết quả tính gián tiếp phù hợp với kết quả tính theo phương pháp tương tự cũng như tính trực tiếp. Điều này vẫn có ý nghĩa vì nhờ tìm ra tỉ lệ này, chúng ta có thể nhanh chóng tính ra lực lượng lao động tri thức cho những năm mới hơn (không xét trong các chuyên đề đã nói) và cho bất kỳ tỉnh, thành phố nào trong nước nếu có số lượng về lao động từ CNKT có bằng trở lên

.

Tạp chí Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội, số 2, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024719177

TRUY CẬP HÔM NAY: 3680

ĐANG ONLINE: 100