Đổi mới giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu hội nhập


(HQ Online)- Tại hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2010, thực trạng và giải pháp” do Sở Lao động - Thương binh – Xã hội TP.HCM tổ chức ngày 9-9, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng giáo dục nghề nghiệp cần có sự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và sự chuyển dịch lao động trong khối ASEAN.
 

Doi moi giao duc nghe nghiep dap ung nhu cau hoi nhap - Anh 1

Công tác đào tạo nghề cần thay đổi để phù hợp với nhu cầu xã hội. Ảnh: T.D

 

Theo thống kê, TP.HCM hiện có 435 cơ sở dạy nghề (19 trường cao đẳng nghề, 27 trường trung cấp nghề, 65 trung tâm dạy nghề, 324 cơ sở dạy nghề doanh nghiệp…). Giai đoạn 2011-2015, thành phố đào tạo được trên 1,7 triệu lượt học viên sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng.

 

Thực hiện mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, bảo đảm nhu cầu chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động.

 
 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh dự báo mỗi năm có khoảng 270.000 chỗ làm việc (130.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 15%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%.

 

Nhu cầu lao động có tay nghề nhiều nhưng theo các đại biểu hiện công tác giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều bất cập cho thị trường lao động như: cử nhân thất nghiệp nhiều, chưa định hình rõ mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nguồn lao động có kỹ năng còn ít, cơ cấu lao động bất hợp lý trái với quy luật của thị trường lao động, lao động trực tiếp ít hơn lao động gián tiếp…

 

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, bản chất của dạy nghề là đáp ứng nhu cầu hội, mục tiêu của dạy nghề là cung cấp nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Thế nhưng từ trước đến nay, về cơ bản, các cơ sở dạy nghề chủ yếu chỉ đào tạo “cái mình có” theo chương trình của mình mà chưa chú trọng đến nhu cầu từng ngành nghề mà doanh nghiệp cần trong tương lai.

 

Theo đó, các đại biểu kiến nghị các trường nghề cần có sự hỗ trợ về chính sách, áp dụng hình thức đào tạo “kép” vừa học lý thuyết vừa làm tại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giáo viên… để thật sự có cuộc “cách mạng” cho giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

 

Ngoài ra, theo ông Trần Anh Tuấn, thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đối với nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: kỹ năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu xử lý thông tin.

 

Như vậy, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động Việt Nam phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành tri thức, bản lĩnh vững vàng hội nhập.

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877069

TRUY CẬP HÔM NAY: 319

ĐANG ONLINE: 15