CHUYÊN ĐỀ THÁNG 9: ĐỂ NẮM BẮT CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG

 


 

Chuyên đề: Để nắm bắt cơ hội nghề nghiệp

 

Câu hỏi 1: Ông đánh giá thế nào về cơ hội nghề nghiệp hiện nay của lao động trẻ?

 

Trả lời:

 

 Kinh tế Việt nam và các tỉnh, thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục, tại các thành phố phía Nam như  Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu... vai trò chủ lực đối với sự phát triển chung của khu vực và cả nước, cơ cấu kinh tế và một phần cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa. các doanh nghiệp luôn tích cực phát triển năng động, quan tâm các chính sách thu hút nguồn nhân lực đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, sự đa dạng ngành nghề và phát triển nhanh quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là môi trường phù hợp thu hút lao động là sinh viên, học sinh còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề.

 

Với những cơ hội phát triển kinh tế được mở ra từ việc hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế, khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhu cầu nhân lực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh.

 

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, tương đương với 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN do tác động từ việc hình thành AEC. Khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025. Trong giai đoạn 2016 - 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự hình thành 03 cấp nhân lực: chuyên môn kỹ thuật bậc cao (tăng 41% - 14 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc trung (tăng 22% - 38 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc thấp (tăng 24% - 12,4 triệu chỗ làm việc)

 Theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), có 08 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong được 10 nước ASEAN thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của các nước thành viên là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch.

 

Bối cảnh của 2016 có thể mở ra một hướng nhìn hiện nay và những năm sắp tới. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công. Vì vậy người sinh viên sau tốt nghiệp hãy nhanh chóng tìm việc làm, xác định mục tiêu nghề nghiệp và đề ra hướng phát triển nghề nghiệp. Không ngừng làm giàu kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp...

 

Hãy có cách nhìn về thị trường lao động mở với 4 xu hướng việc làm: 

 

1-  Các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế;

 

2-  Xuất khẩu lao động;

 

3-  Di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, khu vực kinh tế và quốc gia và hội nhập;

 

4-  Khởi nghiệp (tự tạo việc làm).

 

 Câu hỏi 2 :Vậy thực trạng chất lượng nguồn nhân lực hiện nay như thế nào, thưa ông...?

 

Trả lời:

 

 Hệ thống đào tạo Quốc gia và các địa phương phát triển khá nhanh, quy mô đa ngành nghề, nhân lực luôn được đào tạo bổ sung, đào tạo lại để thay thế các vị trí không còn phù hợp hoặc chỗ làm việc mới theo yêu cầu trình độ, chất lượng lao động, ngành nghề chuyên môn với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

 

  Sự thay đổi tích cực về nhận thức và các giải pháp đầu tư nâng cao đào tạo gắn với sử dụng lao động, cân đối trình độ đào tạo với nhu cầu nhân lực theo ngành nghề để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy nguồn nhân lực đặc biệt đối với thanh niên về tự học tập, nâng cao trình độ đào tạo và các kỹ năng nghề phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế -Xã hội và hội nhập.

 

Trong quá trình hòa nhập kinh tế thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thị trường LĐ đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh.Tuy nhiên, việc phát triển thị trường LĐ vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu LĐ về số lượng, đặc biệt chất lượng LĐ chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.

 

Doanh nghiệp luôn cần nhân lực hài hòa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…). Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều nhân lực trẻ  chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kĩ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên,học viên  tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ.

 

Điều đó phản ánh, thực trạng thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.

 

   

 

Câu hỏi 3: Vì sao lại có nghịch lý cơ hội nghề nghiệp khá nhiều, nhưng số sinh viên tìm được việc vẫn còn hạn chế...?

 

Trả lời :

 

Thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời với nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có trình độ  đại học ,cao đẳng  nhưng không tuyển được lao động. Thị trường lao động  tiếp tục có sự chênh lệch giữa cung - cầu. Việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện. Cử nhân thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc, thể hiện đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. Thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng về nghề nghiệp – việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Sự hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng.

 

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố chỉ có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong tổng số sinh viên tìm việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% làm việc trái ngành nghề thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển việc khác. Vấn đề kỹ năng mềm là yêu cầu mà nhiều sinh viên học sinh chưa đáp ứng được.

 

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM về nhu cầu của tuyển dụng theo trình độ của doanh nghiệp qua các năm thì nhu cầu nhân lực trung cấp và cao đẳng luôn chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp.

 

Như vậy, có nhiều  nguyên nhân trong quan hệ cung - cầu của thị trường lao động  dẫn đến thực trạng trên. Đặc biệt, hệ thống thông tin thị trường lao động của TP còn nhiều hạn chế, chưa được cải thiện để hoàn thành nhiệm vụ của nó là nhằm tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành nghề khác.

 

Câu hỏi 4: Với những bạn trẻ cần có những lưu ý gì để nắm bắt cơ hội nghề nghiệp cho mình, thưa ông?

 

Trả lời :

 

Muốn thích ứng với thị trường ngày càng đòi hỏi cao, người lao động, sinh viên-học viên sau khi tốt nghiệp nên chuẩn bị hành trang, xác định rõ mục đích nghề nghiệp và việc làm là điều hết sức quan trọng. Điều cốt lõi là cần chú ý phát triển các kỹ năng việc làm, am hiểu ngành nghề muốn gắn bó. Để đạt điều mong muốn thành công về nghề nghiệp - việc làm phải là một quá trình. Mỗi người lao động cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức để tạo ra giá trị hành nghề và thành tựu cao trong sự nghiệp cuộc sống.

 

Vì vậy, các bạn trẻ cần có những lưu ý để chọn nghể phù hợp từng cá nhân, đúng năng lực, đam mê và phù hợp cấp bậc học, không phân biệt ĐH-CĐ-TC-SCN, trong quá trình học cần chú trọng rèn luyện đồng bộ giá trị hành nghề cho mình, cụ thể là:

 

 

-  Kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.

 

-  Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động.

 

-  Năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt 01 ngoại ngữ.

 

-  Hiểu biết cụ thể về thị trường lao động,nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo, tuyển dụng  và pháp luật lao động.

 

                                                                                                                                 Trần Anh Tuấn

                                                                                                                                  Phó Giám đốc

                                                                                                            Trung tâm Dự Báo nhu cầu nhân lực và

                                                                                                              Thông tin thị trường lao động TP.HCM

                                                                                                                                       29.8.2016

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024919636

TRUY CẬP HÔM NAY: 13549

ĐANG ONLINE: 75