NGUỒN NHÂN LỰC TƯ VẤN HỌC ĐƯỜNG VỀ HƯỚNG NGHIỆP THỰC TRẠNG VÀ NHU CẦU PHÁT TRIỂN


NGUỒN NHÂN LỰC TƯ VẤN HỌC ĐƯỜNG VỀ HƯỚNG NGHIỆP

THỰC TRẠNG VÀ NHU CẦU PHÁT TRIỂN

 

Trần Anh Tuấn

Tóm tắt

 

Trong quá trình hội nhập kinh tế, thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thị trường lao động lại diễn ra nghịch lý: Doanh nghiệp thiếu lao động có trình độ đáp ứng các yêu cầu trong điều kiện hội nhập; Sinh viên ra trường phải làm trái ngành trái nghề. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do thiếu sự tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khi còn ở cấp trung học cơ sơ, trung học phổ thông. Mặc dù hoạt động tư vấn học đường về hoạt động hướng nghiệp đã được nhà trường quan tâm từ những năm 1977 – 1980 và cũng đạt được một số thành quả nhất định, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những bất cập, hạn chế cần được quan tâm khắc phục. Nội dung trong tham luận tập trung phân tích về thực trạng nguồn nhân lực tư vấn học đường về hướng nghiệp; nhu cầu phát triển của thành phố Hồ Chí Minh và kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn hướng nghiệp.

 

Từ khóa: hướng nghiệp, nguồn nhân lực, hoạt động, nhu cầu, giải pháp.

 

Ở Việt Nam vào những năm 1977-1980 nhà trường bắt đầu quan tâm tư vấn học đường về hoạt động hướng nghiệp. Tính đến năm 1996, cả nước đã có 320 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp. Mỗi trường trung học phổ thông  đều có hoạt động tư vấn Hướng nghiệp, năm 2005 Bộ Giáo dục – Đào tạo có hướng dẫn về tư vấn tâm lý và hướng nghiệp cho học sinh và sinh viên, bước đầu hình thành hoạt động tư vấn học đường trong trường PTCS, PTTH.

 

Theo văn bản số 9971/BGD&ĐT-HSSV ngày 28/10/2005 của Bộ Giáo dục – Đào tạo về việc Triển khai công tác tư vấn cho học sinh thì công tác tư vấn (có nơi gọi là tham vấn) hướng nghiệp và tư vấn về tâm lý xã hội, gọi chung là tư vấn học đường, chủ yếu tập trung vào học sinh khối trung học cơ sở và trung học phổ thông.

 

Nội dung tư vấn tập trung vào các vấn đề sau:

 

        1. Hướng nghiệp, chọn nghề và thông tin tuyển sinh,

 

        2. Tình yêu, giới tính và quan hệ với bạn khác giới,

 

        3. Quan hệ, giao tiếp, ứng xử với gia đình, giáo viên và bạn bè,

 

        4. Phương pháp học tập,

 

        5. Tham gia các hoạt động xã hội,

 

        6. Thẩm mỹ, v. v…

 

Nhà trường bố trí giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có kiến thức tâm lý, nghề nghiệp hoặc cán bộ Đoàn có khả năng giải đáp, hoặc mời chuyên gia theo định kỳ thực hiện công tác tư vấn theo các nội dung trên, chủ yếu đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp các em giải toả được về mặt tinh thần, làm cho các em cảm thấy vững vàng, tự tin và trên cơ sở đó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình theo hướng tích cực.

 

Trong phạm vi báo cáo này, xin trình bày về hoạt động hướng nghiệp, nhu cầu phát triển tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

1. Hoạt động hướng nghiệp tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

 

Trong quá trình hội nhập kinh tế, thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Vấn đề Lao động - Việc làm luôn luôn là vấn đề được quan tâm chú ý không chỉ của những doanh nghiệp mà còn của toàn xã hội. Một trong những khó khăn hiện nay mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu lao động có trình độ đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Một trong những nguyên nhân khiến không ít những sinh viên ra trường phải làm trái ngành, trái nghề là sinh viên chưa có định hướng nghề nghiệp đúng trước khi vào trường; thiếu sự tư vấn trong hướng nghiệp để chọn lựa việc làm phù hợp với năng lực; thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp; lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tế; yếu kém về ngoại ngữ, v.v.

 

Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng  60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

 

Tại TP.Hồ Chí Minh khoảng 80% sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp nghề tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm. Trong tổng số tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển.

 

Trong các giải pháp quan trọng phát triển nguồn nhân lực, giải pháp định hướng nghề nghiệp là khâu quan trọng nhất đối với học sinh, thanh niên, người lao động, cần làm rõ các yếu tố cần thiết tác động, thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ nhằm tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành. Tư vấn hướng nghiệp là một công đoạn quan trọng trong công tác định  hướng nghề  nghiệp, là hoạt động giúp cho học sinh có điều kiện xác định  chọn  nghề trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân và nắm được định hướng phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu nhân lực của địa phương, đất nước trong từng thời kỳ. Nếu định hướng nghề nghiệp tốt thì học sinh, thanh niên người lao động sẽ được đào tạo nghề theo đúng khả năng và năng lực cũng như năng khiếu của mình, để sau khi được đào tạo người lao động sẽ rất dễ dàng trong việc tìm kiếm việc làm, làm việc có hiệu quả, có năng suất lao động cao, tạo sự hài hòa giữa doanh nghiệp và nguồn nhân lực được sử dụng hợp lý.

 

Công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, đồng thời phù hợp với thể lực và năng khiếu của cá nhân. Thực hiện công tác hướng nghiệp là một yêu cầu cần thiết của giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu nguyên lý và nội dung giáo dục; góp phần tích cực và có hiệu quả vào việc phân công và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực.

 

Theo mục tiêu về giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông, học sinh sẽ tham gia học các kỹ năng nghề đã được quy định theo chương trình giáo dục phổ thông hoặc có thể lựa chọn các kỹ năng nghề nghiệp khác. Việc hướng nghiệp qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông giúp học sinh trong việc chọn hướng học, ngành học, chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu lao động việc làm. Tuy nhiên do việc thực hiện chưa đồng bộ, tính chất chuyên nghiệp còn hạn chế nên đa số hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông còn hạn chế, hiệu quả chưa cao như mục tiêu yêu cầu.

 

 Để tạo nguồn đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội phải làm tốt công tác hướng nghiệp. Đây là vấn đề  luôn  được Đảng, Nhà nước và các Ngành các cấp đặc biệt quan tâm; tại TP.Hồ Chí Minh những năm gần đây hoạt động hướng nghiệp đang phát triển đa dạng, năng động, nhiều hình thức, phương pháp linh hoạt. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố luôn thật sự quan tâm phát triển hướng nghiệp trên địa  bàn thành phố và các tỉnh Nam bộ, đã chủ trì phối hợp cùng các ngành, các  trường ĐH-CĐ-TC- Dạy nghề, các cơ quan nhân lực, các trường THPT, các tổ chức hữu quan tổ chức hàng trăm lần công tác hướng nghiệp bằng nhiều hình thức trực tiếp tại trường, thông qua các kênh truyền thông thành phố và Nam bộ. Đặc biệt  việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để bảo đảm yêu cầu nguồn nhân lực. Từ những ý nghĩa đó, từ năm 2009, cứ bước vào tháng 4 và tháng 9 Sở GD-ĐT thành phố triển khai tổ chức các đợt tư vấn, hướng nghiệp nhằm định hướng nghề nghiệp.

 

Đồng thời để giúp học sinh có thêm thông tin, xác định phương hướng chọn lựa nghề nghiệp, ban giám hiệu các trường THPT trong thành phố đã  tổ chức thường xuyên các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh. Trong các buổi tư vấn, cần hướng dẫn học sinh hiểu rõ: khái niệm chọn nghề - định hướng nghề nghiệp; làm thế nào để chọn được nghề phù hợp; nắm bắt những ngành, nghề xã hội đang cần cả hiện tại và lâu dài để khi học xong có thể dễ dàng tìm được việc làm... Các trường ĐH-CĐ-TC chủ động liên hệ các trường THPT, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức những buổi gặp gỡ, giới thiệu với các em học sinh những ngành nghề đào tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp... 

 

Qua các buổi tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh hàng năm, phụ huynh và học sinh  đã hiểu rõ đây là chủ trương hợp lý, định hướng việc học và chọn nghề nghiệp cho học sinh  là cần thiết.

 

2. Các điều kiện và nguồn nhân lực tổ chức hoạt động hướng nghiệp

 

2.1.Những vấn đề cần chú ý trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh

 

- Định hướng sự chú ý của học sinh vào những ngành nghề kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước cần phát triển.

 

 - Kích thích sự hứng thú của học sinh tìm hiểu và theo học các ngành, nghề của địa phương, xã hội đang cần.

 

- Giúp học sinh tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực phù hợp.

 

2.2. Năm vấn đề trọng tâm, học sinh mong muốn được hướng nghiệp

 

     - Ngành nghề, xu hướng việc làm của thị trường lao động.

 

     - Định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp.

 

     - Các quy định thi tuyển, xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề.

 

     - Chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình.

 

     - Giới thiệu về các trường và ngành đào tạo, chuẩn đầu ra. Khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp.

 

2.3.Kinh nghiệm cho thấy để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả cao, phải có sự kết hợp đồng bộ của 08 nhóm đối tượng

 

      - Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo và lao động – việc làm.

 

      - Các Hiệp Hội ngành nghề, Hiệp Hội doanh nghiêp, các Đoàn thể.

 

      - Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề.

 

      - Các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.

 

      - Các cơ quan nghiên cứu nhân lực dự báo nhu cầu, thông tin thị trường lao động, cung ứng việc làm.

 

      - Các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở.

 

      - Cơ quan báo chí và truyển thông

 

      - Phụ huynh và học sinh

 

Công tác hướng nghiệp cần được xác định đối với học sinh đang học các lớp trung học phổ thông và cần mở rộng đối với học sinh trung học cơ sở vì nhiều em sẽ không chuyển tiếp cấp III mà chuyển sang học nghề sơ cấp hoặc trung cấp.

 

Để hướng nghiệp đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm từ học sinh, phụ huynh, nhà trường và các doanh nghiệp tuyển dụng trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Trong đó, đối với cơ sở đào tạo, phải bám sát thị trường lao động và nguồn nhân lực, luôn tạo sự hấp dẫn về ngành nghề, nội dung, chương trình đào tạo. Đào tạo phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp và mang tính thực tiễn cao. Công tác tư vấn tuyển sinh của các cơ sở đào tạo phải hướng đến chuyên nghiệp để giúp học sinh không chỉ biết mà còn hiểu rõ về ngành, nghề đào tạo. Đối với các trường phổ thông, phải thực hiện tốt giờ giáo dục hướng nghiệp và tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh một cách đầy đủ về nghề nghiệp.

 

 

3. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực với hoạt động hướng nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh

 

Thực hiện chức năng nhiệm vụ, trong các năm qua (2009-2016), Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (thuộc Sở Lao động-TBXH.TP) đã tiến hành gắn kết hoạt động dự báo nhân lực - thông tin thị trường lao động tham gia các chương trình  hướng nghiệp trên địa bàn thành phố. Với mục tiêu thông tin thị trường lao động, hướng nghiệp cho học sinh và tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên, góp phần vào sự nghiệp giáo dục - đào tạophục vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội.

 

Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố, các Hội nghề nghiệp thành phố và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, trung tâm Dạy nghề để thực hiện, giúp học sinh, sinh viên có thể định hướng chính xác hơn về nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội:

 

- Cung cấp thông tin dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo ngành nghề ngắn hạn, dài hạn;

 

- Thông qua hoạt động tư vấn và khảo sát tại các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng và trung cấp công tác hướng nghiệp và tư vấn nhân lực đã giúp cho học sinh, sinh viên đến gần hơn với việc tự lựa chọn ngành nghề.

 

Năm 2015, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề - việc làm tại 49 trường THPT số lượng 21.867 học sinh. Qua khảo sát nhu cầu chọn nghề của học sinh trung học phổ thông năm 2015 có nhiều chuyển biến khá tích cực. Học sinh chọn những ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế: học sinh định hướng về chọn ngành Kỹ thuật công nghệ đạt tỉ lệ 26,04% với 10 nhóm ngành công nghiệp chủ yếu. Đồng thời sự phát triển nhóm ngành Kinh tế - Tài chính làm động lực cho 29,40% học sinh lựa chọn nghề yêu thích.

 

Các khối ngành nghề khác xu hướng có sự thay đổi tích cực cụ thể như sau: khối ngành Sư phạm – Quản lý giáo dục cũng chiếm tỷ lệ 14,90%; Nghệ thuật – Thể dục – Thể thao chiếm tỷ lệ 9,51%; Y – Dược chiếm tỷ lệ 8,61%;  Khoa học xã hội – Nhân văn chiếm tỷ lệ 5,84%; Khoa học tự nhiên chiếm tỷ lệ 2,60%, Nông – Lâm – Ngư chiếm tỷ lệ 0,03%. Ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp là ngành học sinh có nhu cầu theo học là thấp dần, nếu xu hướng chọn nghề của học sinh tiếp tục không chọn ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp trong những năm tiếp theo thì nhân lực trong ngành này sẽ thiếu nhiều về nhân lực có trình độ chuyên môn, trong khi nhu cầu nhân lực ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp ngày một tăng về nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân các em chưa tìm thấy sự định hướng quy hoạch, và lợi ích kinh tế từ nhóm ngành này.

 

Theo kết quả khảo sát chọn bậc đào tạo của học sinh THPT tỉ lệ học sinh có nhu cầu chọn Đại học vẫn ở mức cao là 88,36% trong đó nữ chiếm tỉ lệ 52,6%, nam 37,2%; Cao đẳng chiếm tỉ lệ 8,71% trong đó nữ chiếm tỉ lệ 4,7%, nam 4,05%; Học sinh có nhu cầu chọn Trung cấp 1,49% nữ chiếm tỉ lệ 0.54%, nam chiếm tỉ lệ 0,96%; Không chọn là 0,03%. Nhu cầu chọn bậc Đại học không cao ở nam giới so với nữ giới do yếu tố về sức khỏe và thể chất, nữ giới luôn có thiên hướng học những ngành nghề về Sư phạm – Quản lý giáo dục; Kinh tế - Tài chính; Khoa học xã hội – Nhân văn. Đối với nam giới chọn ngành nghề phù hợp đang đóng vai trò quyết định hơn so với bậc học.

 

Thông qua số liệu phân tích được khảo sát từ các em học sinh cho thấy, học sinh đã có sự chọn lựa ngành học rõ ràng theo từng cấp bậc phù hợp với nhu cầu của bản thân và xã hội. Tâm lý không lựa chọn được ngành học và bậc học đã giảm dần, nâng cao được ý thức phấn đấu bước vào con đường Đại học của các em cần phải rèn luyện kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm để tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đã chọn. Sự tác động của công tác hướng nghiệp đã giảm áp lực tâm lý của các em học sinh và phụ huynh khi chọn con đường Đại học, mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các em học sinh ở bậc Cao đẳng, Trung cấp giúp các em từng bước hoàn thiện kiến thức ngành và kỹ thuật chuyên môn để tiến đến sự phát triển kinh tế cho bản thân và xã hội.

Ngày 06/06/2016 văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố ban hành thông báo số 271/TB-VP về “Kết luận chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu tại cuộc họp giải quyết những kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố” giao cho Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM thực hiện thông tin về nhu cầu việc làm, thị trường lao động để các trường và học sinh định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp. Điều này sẽ tạo điều kiện để gắn kết hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực và hướng nghiệp của các trường phổ thông tốt hơn.

 

4. Đánh giá kết quả hoạt động tư vấn học đường về hướng nghiệp về khía cạnh thị trường lao động

 

 4.1. Mặt làm được

 

- Hoạt động Hướng nghiệp đã hỗ trợ cho học sinh trung học phổ thông nhận thức được mục tiêu học tập của từng nhóm ngành nghề, hiểu rõ được tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp tương lai.

 

- Công tác hướng nghiệp đã góp phần thay đổi tâm lý của phụ huynh học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề cho con em theo sở thích của phụ huynh, theo cảm tính của học sinh và chưa đi theo nhu cầu cần thiết của xã hội.

 

- Được sự ủng hộ các và phối hợp của Ngành, các cấp Trung ương và thành phố có liên quan chức năng nhiệm vụ. Sự đồng hành của các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu nhân lực, các trường, cơ sở đào tạo, Đoàn thể xã hội hỗ trợ thông tin số liệu, chương trình nghiên cứu, phân tích đánh giá xu hướng chọn ngành nghề - đào tạo theo nhu cầu của xã hội đáp ứng nguồn nhân lực có số lượng và chất lượng.

 

Đồng thời sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước; trường Trung học phổ thông, Đại học, Cao đẳng, Trung cấp; các cơ quan thông tin truyền thông và thầy cô, chuyên gia làm công tác tư vấn hướng nghiệp trên địa bàn thành phố cùng với Doanh nghiệp tăng cường thực hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh định hướng chọn nghề phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, tạo điều kiện cho nhân lực các ngành nghề phát triển đồng đều, giúp học sinh tiếp cận được với ngành học - nghề nghiệp nâng cao kiến thức nhà trường và kiến thức thực tiễn.

 

4.2. Mặt hạn chế:

 

Mặc dù các trường đã triển khai và đưa hướng nghiệp vào chương trình. Tuy nhiên, chất lượng của các hoạt động hướng nghiệp chưa cao có thể do nguyên nhân từ nhiều phía như:

 

- Không có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Giáo viên không được đào tạo về chuyên môn để hướng nghiệp, đội ngũ tư vấn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hướng nghiệp và huấn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.

 

Ở nước ta chưa có ngành đào tạo giáo viên về công tác hướng nghiệp, cho nên đây là công tác kiêm nhiệm của các thầy cô giáo, đặc biệt là đội ngũ GVCN. Vì thế để làm được và làm tốt công tác hướng nghiệp đòi hỏi các giáo viên phải tự học để trang bị cho mình các tri thức và kỹ năng hướng nghiệp. Ngoài các kỹ năng sư phạm của một giáo viên, cần có hệ thống các kỹ năng tư vấn hướng nghiệp như: kỹ năng trò chuyện, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng xử lý tình huống hướng nghiệp, kỹ năng quyết định vấn đề … để đưa ra lời khuyên hợp lý.

 

-  Nhiều số trường THPT trên địa bàn TP.HCM chưa có cơ hội tổ chức cho học sinh gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu nghề nghiệp ở các lĩnh vực lao động khác nhau và đưa học sinh đi thực tế tham quan các xí nghiệp sản xuất, các công ty để tìm hiểu ngành nghề yêu thích. Cơ sở vật chất không đủ điều kiện để tổ chức những loại hoạt động hướng nghiệp khác nhau. Hình thức các buổi hướng nghiệp rập khuôn dẫn đến việc hạn chế về cung cấp thông tin ngành nghề. (Tham quan các cơ sở kinh tế tại địa phương; tham dự các hội thảo về nghề nghiệp; tham quan trực tiếp các cơ sở đào tạo; các xí nghiệp, các khu chế xuất, đến các trung tâm tư vấn để được tư vấn trực tiếp…v.v).

 

 - Điều cần tiếp tục quan tâm là xu hướng chưa xem trọng cấp bậc học Cao đẳng, Trung cấp, sơ cấp nghề còn phổ biến trong tâm lý gia đình phụ huynh và học sinh điều này vừa là tất yếu khách quan của nhu cầu xã hội nhưng đồng thời tiếp tục là áp lực trong việc cân đối cung – cầu lao động, định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội đối với công tác hướng nghiệp trên địa bàn thành phố.

 

5. Kiến nghị một số biện pháp về nguồn lực tư vấn học đường về hướng nghiệp

 

 Từ góc độ của chức năng, nhiệm vụ hoạt động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố đề xuất các vấn đề như sau:

 

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.

 

Để giúp cho công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề đạt hiệu quả, cần có  một hệ thống thông tin về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề trong hiện tại và tương lai một cách thống nhất, đầy đủ. Nhà nước cần thành lập một cơ quan quốc gia có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng trong việc thu thập và xử lý, phổ biến các thông tin về thị trường lao động và dự báo về nguồn nhân lực.

 

2. Tăng cường hướng nghiệp trong các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động tư vấn học đường về  hướng nghiệp phải là chương trình chính khóa ở trường phổ thông, có đội ngũ giáo viên chuyên trách, và có kinh phí cho hoạt động.

 

- Kiến nghị thành lập phòng tham vấn tâm lý – hướng nghiệp tại các trường trung học.

 

- Xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp TP.HCM kết nối với các trường THPT,THCS với cơ quan dự báo nhu cầu  nhân lực, Hội nghề nghiệp, Hội doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề và doanh nghiệp.

 

- Thực hiện chương trình hướng nghiệp tại các trường (đưa vào chính khóa và ngoại khóa). Xác định rõ con đường thành công và những thách thức của từng cấp trình độ nghề  ĐH-CĐ-TC-SCN theo nhóm ngành nghề.

 

- Triển khai hoạt động tư vấn trắc nghiệm chọn nghề theo ngành quản lý giáo dục từng Quận - Huyện.

 

- Phát triển đội ngũ và đào tạo  đội ngũ chuyên môn về hướng nghiệp trong các trường THPT, THCS.

 

- Thực hiện chương trình hướng nghiệp gắn đào tạo theo nhu cầu xã hội tại TP.HCM và khu vực.

 

3 - Các ngành, các cấp thẩm quyền sớm đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên và các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên, trong đó có việc thực hiện pháp luật, chính sách, đề án, dự án về hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên./.

 

Nguồn tài liệu tham khảo

 

- Bài viết “Tư vấn học đường và Mội trường giáo dục” -Viện Nghiên cứu Giáo dục và Quản trị kinh doanh - năm 2015 

 

 - Báo cáo “Khảo sát nhu  cầu học nghề của học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh”- Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM  - Tháng 5/2016

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877684

TRUY CẬP HÔM NAY: 952

ĐANG ONLINE: 31