Chuyên đề: Ổn định thị trường lao động sau tết


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG

 


 

Chuyên đề: Ổn định thị trường lao động sau tết

 

Câu 1: Thưa ông, thông thường sau tết nguyên đán thị trường lao động luôn có nhiều biến động. Tình hình thị trường lao động tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh lân cận... năm nay ra sao?

 

Trả lời:

 

Đặc điểm thị trường lao động nhất là tại các thành phố lớn, khu vực độ thị, thông thường ở quý I và quý II là giai đoạn thường xuyên có biến động về mặt nhân sự. Trong đó tỷ lệ cao thường, sau Tết nguyên đán là giai đoạn cao điểm về nhu cầu tuyển dụng. Nhiều công ty rao tuyển lao động với số lượng lớn, bao gồm nhu cầu về nhân sự cấp trung và cấp cao cho sản xuất kinh doanh.

 

Theo ghi nhận của tại các doanh nghiệp trên địa bàn một số tỉnh khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, thị trường lao động ổn định, thu hút người lao động trở lại làm việc tương đối cao, đã có gần 98% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong KCX - KCN đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết, cá biệt có nhiều doanh nghiệp công nhân trở lại đủ 100%, không khí làm việc nhộn nhịp, các nhà máy đi vào sản xuất cho những đơn hàng đầu năm.

 

Câu 2: Như vậy, Mức thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán năm nay không cao... Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, năm nay không còn tình trạng công nhân “nhảy việc” tràn lan, gây ra tình trạng biến động thị trường lao động như những năm trước. Ông có thể phân tích thêm về nguyên nhân của tình trạng này?

 

Trả lời:

 

Theo phân tích thị trường lao động trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tình hình chung người lao động có nhu cầu ổn định công việc và đa số các doanh nghiệp thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi tốt nên mức độ thiếu hụt lao động sau tết không cao dưới 3%, mức độ dịch chuyển lao động cũng ở mức 15%, thể hiện sự gắn kết Cung – Cầu thị trường lao động thành phố, đặc biệt sự phát triển ổn định và chăm lo chính sách lao động của các doanh nghiệp.

 

Theo nhận định của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn lao động TP.HCM, tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành khác, tình hình lao động đầu năm trên địa bàn tỉnh sẽ không khan hiếm, do các hoạt động chăm lo người lao động và chế độ tiền lương, phúc lợi luôn được doanh nghiệp và công đoàn cân nhắc đưa vào thỏa ước lao động tập thể để đảm bảo quyền lợi người lao động, thay cho các chính sách mang tính ngắn hạn. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động đều tổ chức các chuyến xe riêng để đưa công nhân về quê và đón công nhân trở lại nhà máy nên số lượng công nhân trở lại làm việc ngay từ những ngày đầu năm cao.

 

Tuy nhiên nguyên nhân chính là các doanh nghiệp đã ý thức việc giữ chân nhân sự bằng lợi ích hài hòa, có lợi cho đôi bên. Bằng các giải pháp căn cơ như bảo đảm công việc ổn định, lương và phúc lợi được cải thiện, chính sách chăm lo tết khá chu đáo... Điều kiện tiên quyết để níu chân người lao động là chính sách việc làm ổn định, tiếp theo là cơ hội phát triển nghề nghiệp.

 

Câu 3: Trong năm 2017, nhu cầu và chỗ làm mới cho chờ người lao động ở TP.HCM và các tỉnh lân cận như thế nào, thưa ông?

 

Trả lời:

 

      Tính chung cả năm 2017, dự kiến TP HCM có nhu cầu 280.000 chỗ làm việc tăng 3,7% so với năm 2016, trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới tăng 7,69% so với năm 2016. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở những ngành nghề như: Kinh doanh – Marketing – Bán hàng, Dịch vụ – Du lịch – Nhà hàng khách sạn, Công nghệ thông tin, Cơ khí – Tự động hóa, Chế biến thực phẩm, Vận tải, Xuất nhập khẩu, Dệt – May – Giày da, Tài chính – Ngân hàng, Y tế – chăm sóc sức khỏe, Kiến trúc – Xây dựng – Môi trường, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, và ngành nghề công nghệ kỹ thuật Nông – lâm – thủy sản …

 

Đồng thời năm 2017, theo chương trình việc làm, nhu cầu chỗ làm việc của tỉnh  Bình Dương: 80.000, Đồng Nai: 90.000, Bình Phước: 55.000, Bà Rịa - Vũng Tàu: 40.000, Tây Ninh: 30.000, Long An: 35.000, Tiền Giang: 40.000.

 

Tính chung 08 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía nam (bao gồm TP.Hồ Chí Minh), tổng nhu cầu nhân lực là 649.000 chỗ làm việc/năm

 

Nhu cầu nhân lực trong các ngành: Marketing, Bán hàng, Tiếp thị – Trưng bày sản phẩm, Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (ở các vị trí lễ tân, điều hành tour, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ khu vui chơi – giải trí,…); Tiếp thị sản phẩm, Quảng cáo, Đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng, nghiên cứu thị trường, Người dẫn chương trình, Xây dựng, Sửa chữa điện, Cơ khí, Dịch vụ giúp việc nhà, Dịch vụ chăm sóc cây cảnh, Giao hàng nhanh, Nhân viên bảo vệ,… sẽ tăng cao tháng 02 và 3/2017.

 

 

Câu 4: Cuối chương trình, ông có những lời khuyên gì đến người lao động, bạn trẻ đang tìm việc...?

 

Trả lời:

 

Để tìm việc làm được thuận lợi, người lao động, sinh viên - học viên sau khi tốt nghiệp cần tìm hiểu về thị trường lao động, nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo, tuyển dụng.

 

“Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế ASEAN, không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn, lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Ngoài ra, người lao động cần trang bị các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa”.

 

Trong quá trình thích ứng với doanh nghiệp, sinh viên phải luôn hoàn thiện, cạnh tranh với chính mình. Bên cạnh đó, các bạn cần làm quen với việc không chỉ cạnh tranh với sinh viên cùng ngành mà còn phải cạnh tranh quốc tế.

 

Để thành công và phát triển nghề nghiệp, tôi nhận thấy có những vấn đề cần chú ý đối với sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp và người lao động trong quá trình lao động làm việc:

 

a. Tìm đúng nghề và phát triển công việc

 

Người lao động trong thị trường lao động hội nhập khu vực và quốc tế cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức. Sự phù hợp nghề và kế đến là đam mê khám phá thế giới nghề nghiệp là yếu tố cần thiết nhất trong quá trình hành nghề của mọi người, để nâng cao năng lực và giá trị bản thân định hướng và có trọng tâm phấn đấu, rất cần phải thường xuyên tự đánh giá các yếu tố như: Kiến thức; Kinh nghiệm; Kỹ năng; Tính cách; Động lực; Sức khỏe; Gia đình; Quan hệ bạn bè; Đối tác; Cách giao tiếp; Hình thức bên ngoài…

 

b. Biết xác định mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp

 

 Mọi chính sách phát triển và tiền lương thu nhập ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động. Tùy theo điều kiện và quy mô, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp mà có những chế độ đãi ngộ có khác nhau (mức thu nhập cao hay thấp tùy theo hiệu quả sản xuất kinh doanh). Không phải tất cả mọi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có chế độ đãi ngộ cao hơn hay quan hệ lao động tốt hơn các doanh nghiệp trong nước. Người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc theo mong muốn, nhưng tất nhiên phải phù hợp với năng lực nghề nghiệp của mình.

 

c. Xây dựng giá trị hành nghề

 

Không ai là hoàn hảo, nhưng nếu một người có nhiều “thói quen xấu” chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc nhu làm việc đi trễ, về sớm, nói nhiều hơn làm, tự kỷ, tự mãn, tự kiêu, tự ti, xem thường đạo đức trách nhiệm, không chấp hành nội quy kỷ luật, lãng phí tài sản, lãng phí thời gian... Xem thường những hành vi nhỏ này có thể gây hậu quả to lớn cho nghề nghiệp.

 

Cảm ơn ông!

 

Trần Anh Tuấn

Phó Giám đốc

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và

Thông tin thị trường lao động TP.HCM

                                                                                  Ngày 20.12.2016

                                                                                 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024872945

TRUY CẬP HÔM NAY: 2014

ĐANG ONLINE: 39