CHUYÊN ĐỀ CHỌN TRƯỜNG HAY CHỌN NGHỀ?


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG

 


 

CHUYÊN ĐỀ CHỌN TRƯỜNG HAY CHỌN NGHỀ?

 

Câu 1: Ông có thể cho biết tâm lý chọn ngành của thí sinh những năm gần đây như thế nào?

 

Trả lời:

 

Về nhu cầu chọn ngành nghề, theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM tại 120 Trường THPT trên địa bàn thành phố năm 2016 - 2017 cho thấy:

 

Học sinh có chú ý chọn những ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế thành phố và khu vực. Đa số các học sinh luôn có sự quan tâm tìm hiểu các khối ngành Kỹ thuật Công nghệ và Kinh tế - Tài chính. Năm 2016, nhu cầu học nghề của học sinh THPT đối với nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ có tỷ lệ lựa chọn cao nhất, chiếm 24,84% (giảm 1,20% so với năm 2015) tập trung vào các ngành: Cơ khí – Tự động hóa; Điện tử - Cơ điện tử; Công nghệ thông tin; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng. Và nhóm ngành Kinh tế - tài chính có tỷ lệ học sinh lựa chọn là 14,90% (giảm 14,50% so các năm 2015) chủ yếu các ngành: Marketing - Quan hệ công chúng, Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán.

 

Xu hướng các khối ngành nghề khác cũng thể hiện sự thay đổi tích cực như sau: Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn chiếm 17,56%; Công nghệ thông tin (8,84%); Marketing - Quan hệ công chúng (6,82%); Quản lý điều hành (6,27%); Cơ khí - Tự động hóa (5,88%), Biên phiên dịch (3,44%), Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng (2,89%).

 

Riêng một số các ngành nghề ít được các học sinh THPT quan tâm nhiều như là: Hóa chất - Hóa dược - Mỹ phẩm (0,8%); Dầu khí – Địa chất (0,17%); Dệt may – Giày da (0,75%).

 

Nhu cầu học bậc Đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất 87,00%, bậc Cao đẳng 7,00% và bậc Trung cấp chiếm 6,00%.

 

Câu 2: Có những ngành nghề trước đây rất “hot” nhưng bây giờ đã “lùi vào dĩ vãng.” Thưa theo ông có nên chọn ngành theo xu hướng ngành “hot”? Ngành “hot” sẽ có những ưu điểm và nhược điểm gì khi theo học và khi ra trường?

 

Trả lời:

 

Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học. Vì vậy nếu  chọn ngành theo xu hướng ngành “hot” mà không hiểu, không phù hợp thì sẽ đem lại tác hại là nếu có học xong có bằng cấp mà không có giá trị hành nghề.

 

Xu hướng thị trường lao động sẽ phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh. Nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng có thể được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ.

 

Các nhóm ngành nghề: Công nghệ - Kỹ thuật (chiếm 35% nhu cầu nhân lực); Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính (chiếm 30% nhưng tỷ lệ cạnh tranh nhóm ngành này cực kỳ cao do lượng sinh viên học nhóm ngành này cao); Kiến trúc – Xây dựng – Môi trường – Cấp thoát nước; nhóm ngành xã hội như Tâm lý học, Xã hội học, Quản trị du lịch – Khách sạn; nhóm ngành Sư phạm (Sư phạm giáo dục, Quản lý giáo dục); nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe như Bác sĩ, Y tá, Điều dưỡng, Dược; nhóm ngành Công nghệ cao trong nông nghiệp; nhóm ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao.

 

Trong những nhóm ngành đó, có những ngành rất cần nhu cầu nhân lực mà các em nên chú ý như Kỹ sư công nghệ nông nghiệp (Bác sĩ thú y, Kỹ sư nông lâm nghiệp – Thủy sản, Công nghệ sinh học), Du lịch (Quản trị nhà hàng khách sạn, Lữ hành), Luật (Luật thương mại, Luật quốc tế), Cơ điện tử (Lập trình, Công nghiệp ôtô), Môi trường …

 

Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực chưa phải là yếu tố quyết định đến việc làm của các em mà các em phải chọn ngành mình yêu thích, đúng với năng lực thì mới tích cực học tập và rèn luyện kỹ năng để có một công việc như mình mong muốn. Khi chọn ngành học phải xác lập mục tiêu, ước mơ, sở thích, đam mê của mình thì khi ấy mới dễ thành công. Theo tôi, các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực bản thân vì chỉ khi chọn được ngành nghề phù hợp, các em mới có động lực để phấn đấu và trở thành người làm tốt công việc ở lĩnh vực của mình. Không có ngành nghề nào “hot” mà chỉ có người “hot” trong lĩnh vực ngành nghề mình theo đuổi mà thôi.

 

Câu 3: Sẽ cần rất nhiều yếu tố để chọn ngành nghề phù hợp... Thưa ông, thay vì “chọn ngành” thì còn không ít đã chọn đại một “trường” theo cảm tính vì trường đó “đẹp, danh tiếng”, nằm trong Top... Theo ông, nên chọn trường hay chọn nghề?

 

Trả lời:

 

Theo thống kê của các ngành nghiên cứu nhân lực, 70% học sinh bước vào đời chưa qua hướng nghiệp nên chọn nghề, chọn trường theo cảm tính.

 

Trong điều kiện xã hội phát triển, giới trẻ hiện nay được tiếp cận với khối lượng thông tin khổng lồ từ mạng xã hội, từ truyền hình, báo đài, ... Tuy nhiên, người có ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định chọn trường, ngành của các bạn học sinh khối 12 năm 2015 mà chúng tôi được tiếp cận lại là ... cha mẹ, chiếm tới 45%. Thông tin từ mạng xã hội cũng là đáng kể với 7% cho biết các bạn lựa chọn tương lai tham khảo trên yếu tố này.

 

Có trên 50%  học sinh  muốn vào ĐH bằng mọi giá, 75%  cho rằng  việc chọn ngành phải phù hợp với sở thích, tuy nhiên hầu hết đều lựa chọn ngành nghề có thu nhập, tiền lương cao, do chọn nghề theo ánh hào quang bên ngoài và không hiểu rõ về nó, nhiều sinh viên mới học xong năm thứ nhất đã chán học, bỏ học, làm lại từ đầu. Như thế chọn sai trường, sai ngành học sẽ phải trả giá đắt, cộng thêm tốn kém thời gian, công sức của người học.

 

Trước khi đặt bút chọn ngành nghề cho bản thân, cần cân nhắc các yếu tố sau:

 

- Những nhóm ngành yêu thích.

 

- Năng lực của bản thân.

 

- Nhu cầu nhân lực của ngành đó trong thời gian tới.

 

- Lựa chọn hai đến ba trường có ngành phù hợp với sở thích sau đó so sánh về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, học phí, hoạt động ngoại khóa… để chọn trường phù hợp.

 

Quy trình đúng là: Chọn ngành trước, chọn trường sau

 

 

Câu 4: Vì chọn trường chứ không chọn ngành nghề dẫn tới thực trạng không ít sinh viên bỏ học giữa chừng để chuyển đổi hoặc ra trường làm trái ngành vì không phù hợp với năng lực, tính cách... Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên được học ở các trường đại học danh tiếng, nhưng khi ra trường vẫn thất nghiệp...  Cơ hội công việc phụ thuộc vào yếu tố nào, thưa ông?

 

Trả lời:

 

Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Có không ít sinh viên học rất giỏi nhưng ra trường không làm được việc, trong khi nhiều bạn chỉ học trung bình hoặc khá lại làm việc rất hiệu quả, thành công. Một điểm mấu chốt là kỹ năng, yếu tố mà vẫn bị sinh viên coi nhẹ.

 

Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

 

Không ai phủ nhận học vấn, bằng cấp mang lại sự tự tin và là tấm giấy thông hành để bước vào đời. Nhưng không có mẫu số thành công giống nhau cho tất cả mọi người. Người thanh niên cần hiểu rõ, có những bằng cấp mang lại cho ta lương bổng hậu hĩnh, nhưng cũng có những bằng cấp chẳng cho ta lợi ích gì (thậm chí có để mà “khoe” thôi, cũng chẳng mấy ai để ý!). Mà kỹ năng nghề nghiệp mới chính là thứ thật sự cần thiết, chính tay nghề lại làm nên sự khác biệt về thu nhập và chính khả năng giải quyết công việc của bạn quyết định  được trả lương ở mức nào chứ không phải đã học ở đâu. Đồng thời  không học được Đại học thì vẫn còn nhiều cấp bậc học cao đẳng ,trung cấp để thành công và trưởng thành.

 

Hiện tại, thị trường lao động đang mở rộng và ngày càng tạo nhiều cơ hội để các em hòa nhập và khẳng định mình. Vì vậy, không quan trọng các em chọn nghề, học ngành hot hay không hot, quan trọng là các em học nghề như thế nào, làm nghề như thế nào. Một lần nữa tôi xin khẳng định, học đại học không phải là con đường duy nhất, những người học cao chưa chắc đã thành công, nhưng những người yêu nghề, giỏi nghề thì chắc chắn sẽ thành công trong cuộc sống.

 

Trần Anh Tuấn

Phó giám đốc

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và

Thông tin thị trường lao động TP.HCM

17.02.2017

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024882464

TRUY CẬP HÔM NAY: 357

ĐANG ONLINE: 7