Khởi nghiệp nông nghiệp thu hút giới trẻ


Bên cạnh khởi nghiệp công nghệ, xu hướng khởi nghiệp nông nghiệp đang được nhiều người trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đầu tư thực hiện.

 

Nhiều bạn trẻ hiện nay có trình độ chuyên môn cao, làm việc ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng cuối cùng lại quay về với nông nghiệp. Ðơn cử như Giám đốc điều hành Công ty Mimosa Tek Nguyễn Khắc Minh Trí, chuyên về thiết kế tưới tự động cho nhà lưới dựa theo công nghệ điện toán đám mây, vốn xuất thân là dân tin học. Lớn lên ở TP Ðà Lạt, sau thời gian làm trong ngành viễn thông, Trí đã có ý tưởng khởi nghiệp dựa trên nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tưới xuất để giảm chi phí nhờ tiết kiệm điện và nước tưới. Hay từ một chuyên viên công nghệ thông tin chuyển qua làm nông nghiệp, chủ vườn rau Ước Mơ Xanh. Phạm Thế Tư đã thuê 3.000 m2 đất ở Hóc Môn, tự mày mò học quy trình sản xuất nông nghiệp. Ðể có các loại rau sạch, không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu, Tư phải tìm đến học hỏi các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp có kỹ thuật chăm bón phù hợp. Ðó là chưa kể phải tìm đầu ra khi giá rau của Ước Mơ Xanh cao hơn nhiều so với rau thông thường đang bán trên thị trường. Sau hơn một năm vật lộn với việc trồng rau không sử dụng hóa chất, Ước Mơ Xanh mới bắt đầu có những khách hàng thường xuyên tại TP Hồ Chí Minh. Còn chủ trại Nấm linh chi Ðất Thép Nguyễn Thị Hiếu (Củ Chi), cũng là dân tin học trước khi quay về làm nông nghiệp trên quê hương của mình. Rồi anh Lê Văn Tuấn, trước khi làm chủ vườn rau hữu cơ cũng là dân công nghệ thông tin. Sự về nguồn này là tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp khi mà về số lượng, nông sản Việt Nam đứng nhất, nhì nhưng còn kém cạnh tranh về chất lượng, cũng như đang đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm.

 

Khởi nghiệp nông nghiệp với các bạn trẻ không chỉ bắt nguồn từ băn khoăn, lo lắng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan ngoài thị trường; mà còn từ đam mê, sáng tạo ra những sản phẩm "độc, lạ" trong nông nghiệp mà ít người nghĩ tới. Chiêm ngưỡng những chiếc túi xách, giày dép… đủ mầu sắc, kiểu dáng độc đáo, ít ai nghĩ rằng chúng đều được tạo ra từ xơ mướp. Anh Mạc Như Nhân - chủ thương hiệu xơ mướp Vi Lâm bộc bạch: "Ở các vùng quê, xơ mướp chỉ dùng để rửa chén, cọ nồi. Một lần mình mày mò lấy xơ mướp chế thành ví tặng người thân, ai cũng khen. Từ đó, mình đã nảy sinh ý tưởng biến thứ phế phẩm này thành các mặt hàng thời trang (túi, ví, giày, kẹp tóc…) hay đồ trang trí". Những sản phẩm độc đáo này đã đem lại cho anh Nhân thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng. Giám đốc bán hàng Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt Ðoàn Ðức Sinh (Củ Chi) lại hiện thực hóa, biến những sản phẩm "cây nhà lá vườn" có tác dụng giải nhiệt như rau má, chùm ngây, diếp cá… thành bột như bột trà xanh. Thứ bột này được dùng làm nước uống dinh dưỡng, bổ sung chất xơ, có tác dụng dưỡng da, làm đẹp…

 

Theo các chuyên gia trong các lĩnh vực khởi nghiệp, Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn nông sản, thực phẩm phong phú, đậm chất tự nhiên… Ðiều này tạo ra nhiều cơ hội khởi nghiệp cho người trẻ trong lĩnh vực này. Xu hướng tiêu dùng thế giới hiện cũng chú trọng vào yếu tố tự nhiên, không hóa chất cho nên nếu được hỗ trợ và định hướng tốt, việc khởi nghiệp dựa vào nông sản sẽ có thể tạo ra nhiều thương hiệu có giá trị trong tương lai. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, những năm gần đây, khi Chính phủ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp cùng với nhiều chính sách ban hành đã tạo nên làn sóng đầu tư vào nông nghiệp và giới trẻ vào cuộc ngày càng nhiều. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, thế mạnh của Việt Nam là sản xuất nông nghiệp. Chính nông nghiệp là trụ đỡ khi kinh tế Việt Nam gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng hay suy thoái kinh tế toàn cầu. Mục tiêu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố là đến năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động. Kế hoạch này phụ thuộc khá lớn vào lực lượng thanh niên khởi nghiệp trong thời điểm lao động ngành này đang bị già hóa.

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Trần Tấn Quý nhận xét, khởi nghiệp nông nghiệp tại thành phố đang thuận lợi. Ngành nông nghiệp thành phố chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu của người dân. Trong khi đó, người muốn làm nông cũng dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới vì tại đây có các trung tâm về kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu cả nước như: Trung tâm công nghệ sinh học, Khu nông nghiệp công nghệ cao… Nhiều nhà đầu tư cũng đang nhòm ngó các dự án tiềm năng. "Nền nông nghiệp thành phố đang thực hiện đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, đặt vấn đề giá trị gia tăng cao. So với các khu vực thì giá trị tạo ra trên một héc-ta đất của chúng ta rất lớn, có loại cây tạo giá trị hơn một tỷ đồng một năm. Bình quân một héc-ta đất chúng ta tạo ra 400 triệu đồng doanh thu. Chúng ta không ngại diện tích đất hẹp dần. Hiện có nhiều nhà đầu tư đang đầu tư vào các lĩnh vực này. Sở cũng đang có nhiều chương trình hỗ trợ, giúp sức các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp" - Phó Giám đốc Trần Tấn Quý khẳng định.

 

Theo Hoàng Mai/Báo Nhân Dân

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024865733

TRUY CẬP HÔM NAY: 3918

ĐANG ONLINE: 16