Nâng chất lượng nguồn nhân lực


Mục tiêu tổng quát phát triển nguồn nhân lực TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 là đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP cả về số lượng lẫn chất lượng
 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, đến năm 2016, 2020 và 2025, cơ cấu kinh tế TP lần lượt là: dịch vụ (64,95% - 65,68% - 67,84%); công nghiệp, xây dựng (32,84% - 32,40% - 30,73%) và nông nghiệp (2,21% - 1,92% - 1,43%). Giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế TP tăng trung bình 2,8%/năm từ mức 4.128.000 người năm 2016 lên khoảng 4.611.000 người vào năm 2020.

 

Nhu cầu lớn, đòi hỏi cao

 

Mục tiêu cụ thể của “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” là: Cung cấp đầy đủ nhu cầu nhân lực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa cao su) và 9 ngành dịch vụ (tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; giáo dục - đào tạo; du lịch; y tế; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai; thương mại; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin).

 

Nang chat luong nguon nhan luc - Anh 1

Tuyển dụng nhân sự trong khuôn khổ ngày hội việc làm ở Khu Công nghệ cao TP HCM Ảnh: HỒNG ĐÀO

 

Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn TP có 56 trường ĐH, 26 trường CĐ chuyên nghiệp, 19 trường CĐ nghề, 41 trường trung cấp (TC) và 27 trường TC nghề. Ngoài ra, các trường ĐH và CĐ có đào tạo hệ CĐ nghề, TC và TC nghề. Hằng năm, TP HCM đào tạo hơn 200.000 học viên, sinh viên các cấp, các nhóm ngành nghề. Hệ thống đào tạo của TP phát triển khá nhanh, quy mô đa ngành nghề, nhân lực luôn được đào tạo bổ sung, đào tạo lại để thay thế các vị trí không còn phù hợp hoặc chỗ làm việc mới theo yêu cầu trình độ, chất lượng lao động, ngành nghề chuyên môn với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Số lao động đã qua đào tạo của TP ngày càng có chất lượng hơn. Ước tính năm 2016, lao động qua đào tạo nghề TP đạt tỉ lệ 75%.

 

Mặc dù tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng qua các năm nhưng chất lượng lao động vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển của TP. Thị trường lao động vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu lao động về số lượng, đặc biệt chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Nghịch lý lớn là TP đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Cử nhân thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc. Doanh nghiệp luôn cần nhân lực hài hòa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).

 

Đề xuất 7 nhóm giải pháp

 

Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.

 

Tăng cường quản lý nhà nước về cung - cầu lao động, xây dựng kho dữ liệu thị trường lao động TP; thực hiện cập nhật cung - cầu lao động, biến động lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ lao động thất nghiệp theo định kỳ 6 tháng/lần.

 

Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động TP với các tỉnh, thành khu vực phía Nam để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên, người lao động phù hợp với yêu cầu thực tế từng tỉnh, thành, khu vực và cả nước.

 

Thứ hai, xây dựng tiêu chuẩn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có: Năng lực thực hành nghề chuyên môn; kỹ năng mềm, đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt một ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường lao động, nhu cầu việc làm, điều kiện làm việc - tuyển dụng và pháp luật lao động; các cơ quan thẩm quyền thực hiện nhanh lộ trình sắp xếp hệ thống trường chuyên về từng cấp đào tạo ĐH, CĐ và TC; phát triển đào tạo liên thông theo loại hình vừa học vừa làm, thống nhất không phân biệt bằng cấp theo loại hình đào tạo.

 

Thứ ba, xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực để “đặt hàng” cho các cơ sở đào tạo và quy hoạch lại các cơ sở đào tạo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới… thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ, thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đào tạo các lĩnh vực trong 8 lĩnh vực ngành nghề di chuyển tự do lao động.

 

Thứ tư, đầu tư phát triển tổ chức chuyên nghiệp để mở rộng và toàn diện quy mô hoạt động hướng nghiệp đối với học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Tăng cường thông tin định hướng xã hội, không nên chú trọng học nghề theo giá trị bằng cấp; tham gia vào thị trường lao động là năng lực hành nghề, chọn nghề học theo năng lực, điều kiện và xu hướng nhận diện thị trường lao động.

 

Thứ năm, nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức khởi nghiệp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm tại chỗ và hội nhập. Đề nghị TP có chủ trương định hướng hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy các hình thức tự tạo việc làm, khuyến khích thanh niên làm chủ sản xuất - kinh doanh.

 

Thứ sáu, thực hiện các chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nữ, lao động nông thôn, lao động là người khuyết tật, lao động trẻ em, lao động mất việc làm, lao động hộ gia đình nghèo...

 

Thứ bảy, hoàn thiện “Quy hoạch phát triển nhân lực TP giai đoạn 2011-2020”. Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của TP và các ngành khoa học xã hội.

 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-4

 

TRẦN ANH TUẤN

Nguồn: http://www.baomoi.com

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024724823

TRUY CẬP HÔM NAY: 9536

ĐANG ONLINE: 18