THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 4 NĂM 2017 VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 5 NĂM 2017 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 143/BC-TTDBNL-PTDB Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 04 năm 2017

 

BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 4 NĂM 2017
VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 5 NĂM 2017
 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 4 NĂM 2017.


   Tháng 4/2017, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khảo sát, tổng hợp, phân tích nhu cầu tuyển dụng tại 3.881 doanh nghiệp với tổng số 40.679 việc làm và khảo sát thông tin 7.757 người có nhu cầu tìm việc. Tình hình thị trường lao động thành phố diễn biến như sau:


 1. Nhu cầu nhân lực


   Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng gần 2,3 lần trong tháng 4/2017, tập trung ở các nhóm ngành: Báo chí – Biên tập viên, Bưu chính – Viễn thông – Dịch vụ công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô – Xe máy, Quản lý kiểm định chất lượng, Công nghệ sinh học, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Nông – Lâm nghiệp – Thủy sản, Dịch vụ phục vụ, Điện tử - Cơ điện tử, Biên phiên dịch, Cơ khí – Tự động hóa,…


   Một số nhóm ngành nghề tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng 4/2017 như: Kinh doanh - Bán hàng (21,88%), Dịch vụ - Phục vụ (17,45%), Dệt may – Giày da (8,33%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (6,99%), Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng (5,00%), Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (4,23%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (4,14%), Cơ khí – Tự động hóa (4,13%), Công nghệ thông tin (3,61%),…


Biểu đồ 01: 08 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng 4/2017

 

   Tháng 4/2017, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu trình độ cụ thể như sau:

 

   + Lao động phổ thông (30,07%): nhu cầu tuyển lao động nhiều ở các nhóm ngành Kinh doanh – bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Dệt may – Giày da…

 

   + Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề (17,61%): nhu cầu tuyển lao động có trình độ Sơ cấp nghề (9,76%) tăng 1,3 lần so với tháng 3/2017.

 

   + Trung cấp (21,91%): nhu cầu tuyển nhiều lao động ở các nhóm ngành như: Kinh doanh – Bán hàng, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng,…

 

   + Cao đẳng – Đại học – Trên Đại học (30,41%); trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng (16,89%) tăng 1,4 lần; nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học (13,41%) tăng gần 2 lần so với nhu cầu tuyển dụng tháng 3/2017. Nhu cầu tuyển lao động ở các nhóm ngành như: Cơ khí - Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp, Kế toán – Kiểm toán, Giáo dục đào tạo – Thư viện, Bưu chính – Viễn thông – Dịch vụ công nghệ thông tin; Điện tử - Cơ điện tử;…

 

Biểu đồ 02: Nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ trong tháng 4/2017

 

   -Về kinh nghiệm: Nhu cầu tuyển dụng lao động không yêu cầu kinh nghiệm chiếm 54,52%, cụ thể ở các vị trí như: Bán hàng, giữ xe, phục vụ, công nhân đứng máy, nhân viên tư vấn khách hàng, nhân viên nhập liệu dữ liệu, nhân viên giao hàng siêu thị,…

 

   Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc chiếm 45,48%, cụ thể như sau:

 

   + 01 năm kinh nghiệm chiếm 35,23% tổng nhu cầu tuyển dụng; các nhóm ngành: Nhân viên kinh doanh – bán hàng, nhân viên kế toán bán hàng, Công nghệ thông tin (Lập trình viên, lập trình ứng dụng .NET, PHP, ASP.NET Developer, Quản trị website), Kỹ sư cơ khí – cơ điện,….

 

   + Nhu cầu tuyển dụng lao động: 02 năm đến 05 năm kinh nghiệm chiếm 9,40% và trên 05 năm kinh nghiệm chiếm 0,85% tổng nhu cầu tuyển dụng, tập trung bộ phận quản lý, ở một số vị trí: Giám sát công trình, Quản lý dự án, Giám đốc nghiên cứu và phát triển thị trường, Giám đốc điều hành, Cơ khí – Tự động hóa, Điện – Điện lạnh – Điện tử, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin, Kinh doanh – Bán hàng, Kế toán – Kiểm toán,…

 

Kinh nghiệm

Tỷ lệ (%)

1 Năm

35,23

2 - 5 Năm

9,40

Không có kinh nghiệm

54,52

Trên 5 năm

0,85

 
Biểu 03: Thống kê nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo kinh nghiệm tháng 4/2017
 
   -Về mức lương: Tháng 4/2017, nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số nhóm ngành Công nghệ thông tin, Quản lý điều hành, Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng, Cơ khí – Tự động hóa,... có mức lương cao nhất từ 15 triệu trở lên chiếm tỷ lệ 8,23% tổng nhu cầu khảo sát. Và có 0,02% mức lương tuyển dụng lao động thuộc nhóm thấp nhất (dưới 03 triệu đồng/tháng)
 

Mức lương

Tỷ lệ (%)

Dưới 3 triệu

0,02

3 - 5 triệu

12,13

5 - 8 triệu

49,08

8 - 10 triệu

20,51

10 - 15 triệu

10,03

Trên 15 triệu

8,23

Biểu 04: Thống kê nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo mức lương tháng 4/2017

 

 2. Nhu cầu tìm việc

 

   So với tháng 3/2017, nhu cầu tìm việc của người lao động tăng ở các nhóm ngành như: Quản lý kiểm định chất lượng, Nông – Lâm nghiệp – Thủy sản, Kinh doanh – Bán hàng, Dệt may – Giày da, Y dược – Chăm sóc sức khỏe, Công nghệ thông tin, Kế toán - Kiểm toán, Nhân sự, Hành chính văn phòng, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu,…

 

   Chỉ số nhu cầu tìm việc làm nhiều nhất, chủ yếu ở các nhóm ngành như: Kế toán – Kiểm toán (18,051%), Kinh doanh – Bán hàng (12,40%), Hành chính văn phòng (11,45%), Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (6,55%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (5,57%), Công nghệ thông tin (4,72%), Cơ khí – Tự động hóa (3,53%), Nhân sự (3,07%),… Trong đó, tỷ trọng nam có nhu cầu tìm việc làm chiếm 47,76%, nhu cầu tìm việc làm củalao động nữ chiếm 52,24%.

 

Biểu đồ 06: 08 nhóm ngành có nhu cầu tìm việc cao trong tháng 4/2017

 

   - Nhu cầu tìm việc làm theo trình độ trong tháng 4/2017, cụ thể như sau:

 

   + Cao đẳng - Đại học - Trên Đại học (79,61%): nhu cầu tìm việc tập trung ở các nhóm ngành: Công nghệ thông tin, Kế toán – Kiểm toán, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Luật – Pháp lý, Quản lý điều hành, Hành chính văn phòng, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng,…

 

   + Sơ cấp nghề - CNKT – Trung cấp (15,03%): nhu cầu tìm việc tập trung nhiều ở các nhóm ngành như: Cơ khí - Tự động hóa, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp, Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu,…

 

   + Lao động phổ thông (5,36%): nhu cầu tìm việc chủ yếu ở các nhóm ngành như Dệt may – Giày da (công nhân cắt chỉ, đóng gói hoàn thành sản phẩm…), Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn (nhân viên phục vụ, nhân viên tiếp thực – phụ bếp…), Dịch vụ phục vụ,…

 

   - Về mức lương: lao động có nhu cầu tìm việc cụ thể như sau: mức lương dưới 03 triệu chiếm 1,62%; 03 triệu – 05 triệu chiếm 7,03%; 05 triệu đến 10 triệu chiếm 68,30%; 10 triệu đến 15 triệu chiếm 15,02% và trên 15 triệu chiếm 8,03%.

 

Mức lương

Tỷ lệ (%)

Dưới 3 triệu

1,62

3 - 5 triệu

7,03

5 - 8 triệu

44,21

8 - 10 triệu

24,09

10 - 15 triệu

15,02

Trên 15 triệu

8,03

Biểu 7: Nhu cầu tìm việc theo mức lương trong tháng 4/2017

 

Biểu đồ 8: Nhu cầu tìm việc theo mức lương trong tháng 4/2017

 

II. XU HƯỚNG NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 05 NĂM 2017.

 

 1. Nhận định chung về thị trường lao động

 

   Một số nhóm ngành nghề có xu hướng tuyển dụng nhiều lao động như sau:

 

   + Cơ khí – Tự động hóa (4,13%): tăng 48,59% so với tháng 3/2017. Các doanh nghiệp yêu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu là nam, có kinh nghiệm từ 2 – 5 năm, chiếm tỷ trọng 82,89%; tập trung chủ yếu Kỹ sư cơ khí, kỹ sư Tự Động hóa, nhân viên chế tạo khuôn mẫu, nhân viên bảo trì, công nhân đứng máy, nhân viên lắp ráp – sửa chữa – vận hành máy,...

 

   + Kinh doanh – Bán hàng: chiếm 21,88% tổng nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm 63,50%, trong đó, trình độ Sơ cấp – CNKT chiếm 0,88%, Trung cấp 35,76%, Cao đẳng – Đại học – Trên đại học chiếm 26,86%. Kinh doanh – Bán hàng là một trong các ngành nghề phúc lợi cao và là ngành nghề yêu cầu người lao động có đủ kỹ năng thuyết phục và sự am hiểu về lĩnh vực sản phẩm.

 

Biểu đồ 9: Nhu cầu tuyển dụng lao động theo kinh nghiệm của ngành Kinh doanh – Bán hàng trong tháng 4/2017

 

   + Truyền thông – Quảng cáo – Thiết kế đồ họa: chiếm 1,37% nhu cầu tuyển dụng trong tháng 4/2017. Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc chiếm 100% trong đó yêu cầu nhân sự ứng tuyển có hơn 01 năm kinh nghiệm chiếm với mức lương 15 triệu trở lên. Một số vị trí tuyển dụng tháng 4/2017: Kỹ sư thiết kế, thiết kế đồ họa 3D, Chuyên viên kinh doanh truyền thông, Chuyên Viên Đối Ngoại Truyền Thông, Nhân viên kinh doanh tổ chức sự kiện - quảng cáo, nhân viên thiết kế rập,…

 

   + Dệt may – Giày da (8,33%): Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm chiếm 64,62%, chủ yếu trình độ Sơ cấp – CNKT – Trung cấp – Cao đẳng, tập trung ở các vị trí như: nhân viên thiết kế thời trang, thợ cắt rập, kiểm vải và quản lý nguyên phụ liệu, nhân viên may mẫu, nhân viên kế hoạch sản xuất, kỹ thuật gò giày, thợ dệt – dệt kim – thêu – kaisai (vắt sổ), kỹ thuật nhuộm, nhân viên QA/QC, công nhân đứng máy,… Nhu cầu tuyển dụng lao động không yêu cầu kinh nghiệm chiếm 35,38% tập trung chủ yếu tuyển dụng công nhân may.

 

Biểu đồ 10: Chỉ số theo giới tính của ngành Dệt may – giày da tháng 4/2017

 

   Nhu cầu tìm việc ngành Dệt may – Giày da tháng 4/2017 cụ thể như sau: nhu cầu tìm việc có trình độ Đại học – Trên đại học chiếm 27,27%, Cao đẳng – Trung cấp chiếm 31,82%, CNKT lành nghề - Sơ cấp chiếm 21,21% và lao động phổ thông chiếm 32,35% tổng nhu cầu tìm việc được khảo sát.

 

   Thách thức đang đặt ra cho ngành dệt may là công nghệ quản trị của các doanh nghiệp dệt may so với các nước trong khu vực còn đang ở mức khiêm tốn. Nếu các doanh nghiệp dệt may không bắt kịp với các công nghệ thì sẽ mất cơ hội phát triển. Một số công nghệ mà các nước đang áp dụng như công nghệ 3D, 4D…và đến nay công nghệ thiết bị may của thế giới đang tính toán đưa vào công nghệ 4D.

 

 2. Nhu cầu nhân lực

   Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động tháng 05/2017, nhu cầu việc làm tại thành phố có 21.000 chỗ làm. Trong đó tổng nhu cầu việc làm về lao động phổ thông chiếm 28%, Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 17%, Trung cấp 23%, Cao Đẳng – Đại học – Trên Đại học 32%.

 

   Nhu cầu tìm việc làm sẽ tăng thêm 10% chủ yếu lao động người có trình độ Đại học, Cao đẳng chưa tìm được công việc phù hợp, và số lượng sinh viên mới tốt nghiệp ra trường có nhu cầu ổn định việc làm.

 

Biểu đồ 11: Xu hướng cơ cấu nhu cầu nhân lực theo trình độ nghề tháng 05/2017

 

   Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành như: Kinh doanh - Bán hàng, Công nghệ thông tin, Cơ khí - Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Điện – Cơ điện tử, Kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, Dệt may – Giày da, Quản lý kiểm định chất lượng, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Quản lý điều hành (Giám đốc dự án, Giám đốc Marketing…), Du lịch – Nhà hàng khách sạn, Truyền thông – Quảng cáo – Thiết kế đồ họa,…

 

Biểu đồ 12: Xu hướng cơ cấu nhu cầu nhân lực theo ngành nghề tháng 05/2017

 

Nơi nhận:                                                                                                                                KT.GIÁM ĐỐC

- Đ/c Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở;                                                                             PHÓ GIÁM ĐỐC  

- Đ/c Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở;

- Phòng Việc làm;- Phòng Lao động - Tiền Công – Tiền Lương;

- Văn phòng Sở;- Phòng Văn hóa – Xã hội – UBND TP.HCM;

- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;                                                                      Trần Anh Tuấn

- Lưu.

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024923709

TRUY CẬP HÔM NAY: 3884

ĐANG ONLINE: 43