Phát triển nguồn nhân lực: Cung và cầu lao động còn vênh nhau


Kinh tế tăng trưởng tích cực cùng các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển doanh nghiệp... là những yếu tố quan trọng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

 

 

Tuy nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn lao động có tay nghề, chuyên môn cao còn khá hạn chế đã khiến cho vấn đề cung và cầu lao động còn vênh nhau khá lớn.

Nhu cầu lớn

Theo tính toán, trong giai đoạn 2017 - 2020, mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 270.000 - 280.000 cơ hội việc làm, trong đó khoảng 130.000 chỗ làm việc mới. Phân theo lĩnh vực, dịch vụ chiếm khoảng 67%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31% tổng nhu cầu lao động toàn thành phố.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu lao động ở lĩnh vực dịch vụ chiếm ưu thế xuất phát từ yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ của thành phố trong những năm tới. Mặt khác, nhu cầu sử dụng dịch vụ, tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao cũng góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Chỉ tính riêng 9 ngành dịch vụ được thành phố ưu tiên phát triển, gồm tài chính - ngân hàng, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, du lịch, y tế, kinh doanh bất động sản, dịch vụ kho bãi - vận tải, bưu chính - viễn thông - công nghệ thông tin cần hơn 113.000 lao động mỗi năm.

Đối với nhóm ngành công nghiệp, ông Phạm Huy Thông, Phó Trưởng ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết, trong những năm tới, các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu là điện - điện tử, cơ khí chính xác, chế biến lương thực thực phẩm, hóa nhựa - cao su. Do đó, nhu cầu tuyển dụng trong những ngành này cũng tăng cao, ước tính mỗi năm cần khoảng 46.000 lao động.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam nhận định, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới vẫn còn nhanh, do đó nhu cầu lao động trong ngành xây dựng, kỹ thuật sẽ còn tăng cao. Tại Công ty Thiên Nam, số lượng công trình thi công mỗi năm tăng khoảng 10%, tương ứng với nhu cầu tuyển dụng nhân viên kỹ thuật, nhân viên bảo trì cũng tăng thêm gần 100 người/năm.

Tương tự, các công ty cơ khí ở quy mô vừa và nhỏ thường xuyên tuyển dụng với số lượng từ 30 – 50 người, cho thấy nhu cầu lao động trong nhóm ngành này đang tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

Lao động tay nghề còn thiếu

Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi tập trung nguồn nhân lực của cả nước, tuy nhiên trên thực tế vẫn tồn tại nghịch lý nhiều người lao động không có việc làm còn doanh nghiệp lại “đỏ mắt” tuyển nhân sự.

Do nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty TNHH HOSHINO (Nhật Bản) cần tuyển 100 công nhân có kinh nghiệm trong việc may túi khí xe hơi. Đại diện công ty cho biết, mặc dù đã treo thông báo tuyển dụng vài tháng nay và nhờ đến sự hỗ trợ của các trung tâm giới thiệu việc làm nhưng vẫn chưa tuyển đủ lao động cần thiết.

Tương tự, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước hiện rơi vào tình trạng tuyển dụng liên tục cả năm cũng không đủ số lao động có tay nghề, chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lý giải về tình trạng này, ông Phạm Huy Thông, Phó Trưởng Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn cung lao động tại thành phố dồi dào nhưng chủ yếu tập trung ở hai phân khúc là tốt nghiệp đại học (doanh nghiệp sản xuất không có nhu cầu tuyển dụng) hoặc lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề (không đáp ứng được yêu cầu công việc). Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lại chỉ tập trung ở công nhân lành nghề và trung cấp kỹ thuật.

Theo các nhà tuyển dụng phân tích, các doanh nghiệp hiện nay xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng chất lượng nguồn nhân lực. Ngay cả những ngành vốn sử dụng thâm dụng lao động như dệt may, giày da trước đây thường chỉ tuyển lao động phổ thông, sắp tới cũng ưu tiên tuyển những lao động có kinh nghiệm và tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu.

Nhóm ngành cần nhân lực có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao như điện - điện tử, cơ khí, chế tạo, doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi lao động vững chuyên môn mà còn phải có những kỹ năng nhất định.

Đơn cử như yêu cầu tuyển dụng kỹ sư sửa máy bơm của Công ty Thương mại và Công nghệ Huy Hoàng (Quận 2), ngoài kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành lắp ráp và sửa chữa máy bơm, ứng viên cần rất nhiều kỹ năng khác như sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành điện, Auto card, thành thạo tiếng Anh...

Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2017 - 2020 nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố. Trong đó, nhân lực có trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật chiếm đến 51% , trình độ cao đẳng chiếm 15%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, mặc dù số lượng việc làm gia tăng đáng kể nhưng cơ hội tìm được việc làm phù hợp sẽ chỉ rộng mở cho những người có trình độ chuyên môn vững vàng và có nhiều kỹ năng thích nghi.

Điều này không chỉ đòi hỏi lao động phải chủ động nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc mà còn yêu cầu những người quản lý và các cơ quan chức năng có kế hoạch đào tạo, phân luồng nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế.

 
Xuân Anh (TTXVN/Tin Tức)

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877779

TRUY CẬP HÔM NAY: 17

ĐANG ONLINE: 7