Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao


(HNM) - Theo các chuyên gia, để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lực lượng lao động tại TP Hồ Chí Minh không chỉ vận hành mà còn phải làm chủ được dây chuyền sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, thực tế đang chỉ ra, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang là yêu cầu cấp bách...
 

Một giờ học của sinh viên Khoa Điện tử - Tin học Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh).

 

Đào tạo chưa tương thích nhu cầu

Diễn biến thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh từ đầu năm 2017 đến nay cho thấy, nhóm ngành mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cao và nhóm ngành mà người lao động có nhu cầu tìm việc cao có sự chênh lệch nhất định. Cụ thể, từ phía doanh nghiệp, nhóm kinh doanh - bán hàng cần hơn 20,4% tổng nhu cầu lao động; dịch vụ - phục vụ cần hơn 15,4%; dệt may - giày da cần 13,9%...

Trong khi đó, về phía người lao động, tỷ lệ nhu cầu tìm việc qua các nhóm ngành như sau: Kế toán - kiểm toán chiếm hơn 16,8%; kinh doanh - bán hàng chiếm 11,1%; hành chính văn phòng chiếm hơn 9,3%... Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, sở dĩ có sự chênh lệch này là do nhu cầu từ phía doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và cơ cấu ngành nghề đào tạo tại các trường, cơ sở đào tạo có sự chưa tương thích với nhau.

Căn cứ Chương trình việc làm TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020, trong đó, tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực, 9 ngành kinh tế trọng yếu và phát triển 50.000 doanh nghiệp trong năm 2017, thị trường lao động TP Hồ Chí Minh phải chuyển biến theo hướng tăng cường nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức và kỹ năng về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Nghịch lý thừa, thiếu nhân lực

Kết quả khảo sát từ Hiệp hội Các doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JBAH) cho thấy, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng thực tế của lao động người Việt Nam chưa đáp ứng đủ yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo các doanh nghiệp Nhật Bản có sử dụng lao động Việt Nam, kỹ năng khi xử lý ở hiện trường sản xuất, đặc biệt năng lực phân tích các con số là những hạn chế của lực lượng lao động có tay nghề hiện nay tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá chưa cao tính kỷ luật cũng như thái độ của nhân viên Việt Nam. Trong khi đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định, trình độ kỹ thuật của nhân lực tại Việt Nam hiện nay chưa đạt được mức mà các công ty Nhật Bản yêu cầu, kể cả nhân lực đã từng được đào tạo chuyên môn.

Lấy ngành Công nghiệp hỗ trợ làm dẫn chứng, mà cụ thể là ngành Cơ khí, chúng ta gần như chưa sản xuất được các loại thép hợp kim phục vụ cho lĩnh vực chế tạo máy. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân khiến ngành Công nghiệp này chưa thể phát triển được như kỳ vọng là do hạn chế về nguồn nhân lực. Ông Hirotaka Yasuzumi, nguyên Trưởng đại diện JETRO tại TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù phía Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao công nghệ nhưng liệu Việt Nam có nhân lực để tiếp nhận và vận hành không? Theo ông Hirotaka Yasuzumi, công nghệ cao phải có nhân lực trình độ cao để vận hành, làm chủ nó. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, nghịch lý là thành phố đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Chính vì vậy, làm thế nào để tạo được nguồn nhân lực bảo đảm được các vị trí nòng cốt, ổn định trong doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm công tác chuyển giao công nghệ là điều mà TP Hồ Chí Minh cần quan tâm để kịp thời bổ sung lực lượng này.
 
Nguyễn Lê

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024720718

TRUY CẬP HÔM NAY: 5227

ĐANG ONLINE: 48