Truyền hình trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh


Vào lúc 14 giờ 30 ngày 19.5, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Đồng hành cùng thí sinh' nhằm giúp thí sinh vững vàng tâm lý, đảm bảo sức khỏe để tham gia kỳ thi.
 
 
 
 
Học sinh lớp 12 trên cả nước chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6 này. Trong 15 năm qua, đồng hành cùng với thí sinh mỗi mùa tuyển sinh là các tình nguyện viên của chương trình “Tiếp sức mùa thi” do Bộ GD-ĐT, T.Ư Hội Sinh viên VN, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp thực hiện với nhiều hoạt động giúp đỡ và hướng dẫn các thí sinh.
 
Để tiếp sức cho thí sinh mùa thi năm nay, vào lúc 14 giờ 30 ngày 19.5, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề “Đồng hành cùng thí sinh” nhằm giúp thí sinh vững vàng tâm lý, đảm bảo sức khỏe để tham gia kỳ thi. Bên cạnh đó sẽ cung cấp các thông tin về công tác hỗ trợ của Đoàn, Hội Sinh viên cũng như các chính sách về vay vốn học tập, ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên...
 
Khách mời tham gia chương trình gồm: Đại diện T.Ư Hội Sinh viên VN; TS-BS Trần Thị Minh Hạnh; tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu; bà Nguyễn Thị Tuyết Như, Phó phòng Kế hoạch nghiệp vụ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM; ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
 
Chương trình sẽ được trực tuyến tại thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
 
Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đặt câu hỏi theo hướng dẫn bên cạnh.
 
***

14:51

 

Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Đồng hành cùng thí sinh
 
“Tiếp sức mùa thi”, tên của chương trình đã nói lên được tính nhân văn và ý nghĩa xã hội, cộng đồng của nó. Ra đời từ năm 2002, năm nay chương trình đã bước vào năm thứ 16 với sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT, Trung Ương Hội Sinh viên VN, Tập đoàn Thiên Long và Báo Thanh Niên thực hiện. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động giúp đỡ và hướng dẫn các thí sinh với thông điệp “Hãy tự tin, chúng tôi đi cùng bạn”.
 
Bước vào năm thứ 16 trong bối cảnh thi tuyển sinh có nhiều thay đổi, chương trình sẽ có những đổi mới như thế nào để tiếp tục vẫn là người bạn đồng hành của mỗi thí sinh? Chương trình tư vấn ngày hôm nay sẽ giúp thí sinh biết rõ điều đó.
 
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên hoặc qua 0839309242.
 
Xin trân trọng giới thiệu khách mời tham gia chương trình:
 
Anh Phạm Kiều Hưng, Ủy viên Ban thư ký Trung ương Hội Sinh viên VN
 
TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
 
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
 
Chị Nguyễn Thị Tuyết Như, Phó phòng Kế hoạch nghiệp vụ Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM
 
Truyền hình trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh - ảnh 3
Khách mời tham dự chương trình Ảnh: Đ.N.T

 

15:01

 

Đây là lần đầu tiên có thể nhiều học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia ngay tại trường THPT nơi mình đang học tập để lấy kết quả thi vừa dùng để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển vào ĐH. Ở 63 tỉnh thành đều có các cụm thi. Như vậy sẽ không còn cảnh thí sinh và người nhà lê các tỉnh, thành lớn mỗi mùa. Trong bối cảnh này, chương trình sẽ có những thay đổi gì trong các hoạt động để hỗ trợ cho thí sinh?
 
Anh Phạm Kiều Hưng: Với phương thức thi mới của năm nay, rõ ràng áp lực về di chuyển, tâm lý căng thẳng của thí sinh phụ huynh giảm đi rất nhiều. Nắm bắt được điều này, tổ chức đoàn hội sinh viên Việt Nam có những thay đổi trong tổ chức các hoạt động tiếp sức mùa thi, chỉ đạo cán bộ đoàn gắn với các địa phương có cơ sở thi để công tác trước, trong và sau kỳ thi thành công. Đồng thời, quan tâm hơn tới các em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ trong việc di chuyển, tham gia buổi thi được tốt nhất.
 
Truyền hình trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh - ảnh 4
Anh Phạm Kiều Hưng Ảnh: Đ.N.T
 
Năm nay các hoạt động chia rõ thành 2 giai đoạn: 1. Trước khi kỳ thi diễn ra. Hỗ trợ trực tiếp tại các điểm thi, tuyên truyền, hỗ trợ học tập ôn luyện. 2. Gắn trực tiếp với các trường ĐH, CĐ khi các em nộp hồ sơ xét tuyển. Đội hình tập trung tại chính các trường ĐH, CĐ.

15:06

 

TS-BS Trần Thị Minh Hạnh: Việc sức khỏe quan trọng với các em nhất là trong mùa thi. Đối với học sinh, mùa này các em quan tâm chủ yếu làm sao nhớ bài, đạt thành tích tốt nhất. Nhưng các em quên là sức khỏe quan trọng, hầu như chỉ lo học thôi. Các em phải ý thức và một phần cần hỗ trợ của phụ huynh. Trong nhà có sẵn thức ăn để các em ăn uống bồi dưỡng. Không phải thức ăn quá đặc biệt mà có thể là những món quen thuộc, đầy đủ dinh dưỡng. Các em cũng phải sắp xếp thời gian cân đối học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi. Cuộc thi là cuộc đua đường dài, không chỉ 1, 2 ngày là được. Các em cần chú ý để có trí não, thể chất hoạt động tốt nhất.
 

15:09

 

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Hằng năm đến mùa thi, phụ huynh còn căng thẳng hơn thí sinh. Thường chúng ta thương con nên mong muốn con có kết quả tốt, tuy nhiên nên thể hiện tình thương để con thấy có động lực chứ không phải áp lực. Nhiều phụ huynh có những lời nói dọa nạt nếu con thi rớt, khiến con như bị tảng đá đè nặng trong tâm trí, căng thẳng, không còn tâm lý học. Phụ huynh nên tạo tâm lý thoải mái, tạo sự ấm áp, tươi vui, quan tâm tới cả bữa ăn lẫn tinh thần của con. Chẳng hạn một phụ huynh biết con thích hoa hướng dương nên 2, 3 ngày lại thay 1 bình hoa để con ngắm sau giờ học cho bớt căng thẳng. Đó chính là “nguồn dinh dưỡng tinh thần” giúp con có động lực.
 
Truyền hình trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh - ảnh 5
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Phụ huynh nên tạo tâm lý thoải mái, ấm áp, tươi vui, quan tâm tới cả bữa ăn lẫn tinh thần của con Ảnh: Đ.N.T
 
Đối với các bạn thí sinh, không được phép lơi là, không nên lên facebook nhiều, hoặc mải mê xem phim, chơi game. Tuy nhiên cũng không nên học hành nhiều quá đến quên thư giãn. Hãy nhớ câu “học khôn ngoan sẽ không gian nan, biết cách học sẽ khôn cực nhọc”. Xem đây là một thử thách, hãy học một cách thông minh.

 

15:22

 

Nguyễn Thị Tuyết Như: Chính sách tín dụng đối với SV, Chính phủ hỗ trợ gia đình HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được đi học là học phí 1,250 triệu đồng/tháng, 12,5 triệu đồng/năm.
Đối tượng HS-SV được hỗ trợ chính sách gồm:
 
- Học sinh mồ côi cha hoặc mẹ (một người mất sức lao động), hoặc mồ côi cả hai
 
- Học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo mức thu nhập hộ nghèo theo quy định. HS-SV gia đình khó khăn về tài chính: bệnh tật, tai nạn, hỏa hoạn…
 

15:24

 

Ông Trần Anh Tuấn: Một thị trường lao động phải có việc làm và thất nghiệp. 3-4 năm nữa thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ mới tìm việc làm nhưng cần chuẩn bị ngay bây giờ.
 
Thị trường lao động đang vừa thừa vừa thiếu. Điều quan trọng nhất hiện nay là cảm nhận mơ hồ về lựa chọn ngành nghề. Với 80% thí sinh chỉ muốn theo học ĐH sẽ dẫn đến nhiều thí sinh lựa sai ngành nghề. Có 75% học sinh được khảo sát không hiểu rõ ngành nghề theo học. Nếu không hiểu rõ thì không thể thành công.
 
Truyền hình trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh - ảnh 6
Ông Trần Anh Tuấn: Thị trường lao động đang vừa thừa vừa thiếu Ảnh: Đ.N.T
 
Trong thời đại ngày nay, chúng ta đang hội nhập, cơ hội việc làm đang mở rộng. Có các xu hướng việc làm sau: trong cơ quan nhà nước với sự cạnh tranh rất lớn; các doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp nhóm đầu tư nước ngoài đang tăng nhanh nhưng sinh viên ra trường không đáp ứng được ngoại ngữ và kỹ năng mềm… Các chương trình xuất khẩu lao động cũng đang mở rộng, nhưng để đi cần có kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Ngoài ra, khởi nghiệp để tự tạo việc làm cho mình và cho người khác cũng đang là một xu hướng nổi bật trong thị trường lao động hiện nay.
 
Việc lựa chọn nghề phù hợp thực sự rất quan trọng để giúp các em học tốt và thành công trong con đường nghề nghiệp tương lai.
 

15:27

 

Một bạn đọc hỏi: Em nộp vào các trường tại TP.HCM, sau khi biết điểm thi thì có được tiếp sức tìm kiếm nhà trọ không? Em nên tìm đến địa chỉ nào để được hỗ trợ?
Anh Phạm Kiều Hưng: Giai đoạn 2 chương trình tiếp tục hỗ trợ cho thí sinh tập trung đến các tỉnh thành để xét tuyển. Tại bến xe, nhà ga, các tỉnh thành đã sẵn sàng đội hình tiếp sức.
Nhiều bạn ở xa TP.HCM, quận, huyện đoàn đã có danh sách thí sinh có hoàn cảnh khó khăn và đã có phương án hỗ trợ các bạn di chuyển.
Tất cả thông tin, điều kiện, công tác hỗ trợ tại TP.HCM, thí sinh có thể liên hệ Hội Sinh viên TP.HCM hoặc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM.

15:36

 

TS-BS Trần Thị Minh Hạnh: Các câu hỏi gửi đến chương trình khá hay. Có câu hỏi về việc mẹ rất thương con, muốn bồi dưỡng nhưng không biết thế nào vì sợ tốn tiền...
 
Bổ dưỡng và tốn tiền không phải khi nào cũng đi cùng với nhau. Chưa chắc món ăn đắt tiền lại đủ bổ dưỡng. Bữa cơm bình thường có thể sử dụng đậu hủ (chế hiến da đạng), cá nhỏ (rẻ tiền mà cung cấp đạm, canxi), trứng (nhiều gia đình sợ ăn trứng bị điểm thấp nhưng nó rất cần thiết cho cả não bộ). Chúng ta có thể nấu cơm lộn đậu với gạo để thêm chất đạm. Rau, trái cây theo mùa, như chuối, đủ đủ chín cũng không quá đắt tiền.
 
Truyền hình trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh - ảnh 7
TS-BS Trần Thị Minh Hạnh: Bổ dưỡng và tốn tiền không phải khi nào cũng đi cùng với nhau Ảnh: Đ.N.T
 
Cho học sinh ăn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng. Và phải chú ý vệ sinh. Ăn hàng quán bên ngoài đắt tiền đến mấy nhưng không đảm bảo vệ sinh không hay cho sức khỏe của các em.
Một số câu hỏi như ăn nhiều một số thực phẩm như: hột vịt lộn, chè đậu đỏ… chỉ cung cấp một số loại chất dinh dưỡng cần thiết. Phải ăn đa dạng, vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng mà các em cũng đỡ ngán.
 
Một số câu hỏi liên quan lo học mà không ngủ được. Ngủ bao nhiêu là đủ. Các em cần khoảng 6 - 8 tiếng/đêm. Quan trọng là giấc ngủ phải sâu, để thoải mái, minh mẫn, học thật tốt. Không thì qua hôm sau rất mệt mỏi. Nhiều em thức khuya, cầm tập trên tay không dám ngủ, uống café, trà, chống chọi buồn ngủ thì não không thể tiếp thu bài mới. Trong suốt một ngày cũng phải chợp mắt, làm mỡi não, để não nghỉ ngơi.
 
Một câu hỏi là đối với học sinh béo phì, mẹ không biết giải quyết thế nào. Các em cũng cần có chế độ ăn uống đầy đủ. Quan trọng là đừng để các em đói, sẽ lục tung tủ ra, gì cũng ăn. Nên để sẵn thức ăn trong tủ lạnh để các em lấy như trái cây để sẵn...
 
Các em cũng cần có hoạt động thể lực không tốn bao nhiêu thời gian. Có thể bật nhạc, nhảy theo nhạc. Đưa ô xy lên não thấy sảng khoái hơn, không buồn ngủ nữa, giúp học tốt hơn và tiếp thu tốt hơn...
 

15:42

 

Một học sinh hỏi: Trong ngày đầu tiên đi thi nếu em làm bài không tốt thì làm thế nào để vượt qua nỗi buồn để tiếp tục làm tốt những môn còn lại? Làm thế nào để bớt căng thẳng?
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Nếu môn đầu tiên làm bài không tốt sẽ mất tinh thần, nhưng đó là tâm lý bình thường. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi buồn là hãy đi xuyên qua nó. Hãy dành 30 phút để nghĩ về nó, buồn cho đã… Sau đó thì nghĩ đó chỉ là môn đầu tiên, còn nhiều môn để tạo cơ hội đạt điểm cao nữa. Lúc này nghĩ cách làm sao để mai làm bài tốt. Chỉ cần làm tốt là điểm vẫn cao.
 
Các bạn nên tự hỏi vì sao làm bài kém? Có phải do phân bố thời gian không phù hợp? Có phải do tập trung quá nhiều vào câu khó? Nên rút kinh nghiệm từ cách làm bài ở môn đầu tiên. Làm không tốt thì vẫn có điểm chứ không phải là không có điểm.
 

15:50

 

Một học sinh hỏi: Gia đình em làm chăn nuôi, tuy nhiên thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn. Sức học của em không khó để đậu vào trường ĐH. Em tìm hỗ trợ về tài chính từ đâu? Mức vay cho SV thế nào?
 
Nguyễn Thị Tuyết Như: Hiện nay Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ về chi phí để các em sinh viên có thể đi học. Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, tai nạn, ảnh hưởng dịch bệnh. Gia đình em làm nông nghiệp không được thuận lợi là đối tượng được hỗ trợ để vay vốn. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 12,5 triệu đồng/năm để em trang trải học tập.
 
Truyền hình trực tuyến: Đồng hành cùng thí sinh - ảnh 8
Bà Nguyễn Thị Tuyết Như: Hiện nay Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ về chi phí để các em sinh viên có thể đi học Ảnh: Đ.N.T
 
Bên cạnh đó, gia đình cũng có thể cử một người đến vay vốn tại ngân hàng chính sách địa phương đang ở, mang theo giấy báo nhập học hoặc trúng tuyển hoặc xác nhận sinh viên năm thứ 1...
 
Với đối tượng HS-SV mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, có thể đến ngân hàng chính sách nơi trường đặt trụ sở để vay vốn trực tiếp tại đây.
 

15:58

 

Một bạn đọc hỏi: Em xin hỏi chuyên gia Trần Anh Tuấn, trong thời gian tới, những ngành nghề nào cần nhiều nhân lực lao động? Em muốn tốt nghiệp ra xin được việc ngay thì nên chọn ngành gì? Tại TP.HCM, các doanh nghiệp cần lao động trình độ nào nhiều hơn? Có phải học ĐH ra sẽ khó xin việc hơn học CĐ, trung cấp hay không? Em muốn khởi nghiệp thì cần chuẩn bị những gì? Nếu không có vốn thì em phải làm sao để có thể khởi nghiệp?
 
Ông Trần Anh Tuấn: Trong thị trường lao động hiện nay có 300 ngành nghề. Tuy nhiên học 1 ngành có thể làm nhiều nghề, nhưng để làm tốt 1 nghề cần kết hợp nhiều kiến thức và kỹ năng của các lĩnh vực.
 
Có các nhóm ngành nghề chính: công nghệ kỹ thuật chiếm lớn nhất nhưng ít thí sinh quan tâm nhất (trong đó cơ khí, hóa mỹ phẩm, công nghệ thông tin… rất thiếu); kinh tế-tài chính-pháp luật sinh viên học nhiều nhưng không đủ người làm, sinh viên ra trường thất nghiệp nhưng tuyển dụng chưa đủ 50%; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội (trong đó chiến lược phát triển mạnh vào các ngành du lịch, quản trị…); sư phạm; chăm sóc sức khỏe; công nghệ nông lâm.
 
Riêng tại TP.HCM nhu cầu lao động ở bậc ĐH chỉ chiếm 13%, bậc CĐ chiếm 15%.
 
Khi bạn trẻ khởi nghiệp nên chú ý các vấn đề sau. Người muốn khởi nghiệp đầu tiên phải giỏi 1 nghề và phải thực sự đam mê kinh doanh. Phải hiểu được sở trường bản thân mình để tìm được sự phù hợp với chính mình. Dám chấp nhận rủi ro. Phải hiểu biết pháp luật, có kỹ năng. Nếu giỏi công nghệ, khởi nghiệp càng dễ thành công. Hiện nay có nhiều chương trình hỗ trợ nguồn vốn cho khởi nghiệp thanh niên. Đây chính là cơ hội để thanh niên thành công và tạo dựng nhiều việc làm.
 

16:01

 

Bạn đọc Nguyễn Tuấn: Xin hỏi mỗi lần tôi đi vay, xin giấy tờ thì nhà trường, địa phương gây khó khăn rất nhiều về thủ tục. Cho tôi hỏi lấy căn cứ gì để được vay vốn?
 
Nguyễn Thị Tuyết Như: Tôi không biết bạn bị khó khăn vấn đề gì. Không phải tất cả sinh viên được vay vốn, mà các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo mới được vay.
 
Về thủ tục, ngân hàng chính sách có liên kết Bộ GD-ĐT, trên website chỉ cần lấy mẫu để lấy giấy xác nhận. Tất cả các trường đều biết thông tin xin giấy tờ. Còn thủ tục từ ngân hàng không khó gì cả. Bạn có thể đến trực tiếp tại Ngân hàng Chính sách xã hội để được hỗ trợ tốt hơn.

16:02

 

**** Với nhiều thông tin thật sự có giá trị, những lời chia sẻ hữu ích, những lời khuyên cần thiết, thí sinh đã có thêm một hành trang vững chắc bước vào mùa thi. Không chỉ kiến thức, thí sinh còn được trang bị về tâm lý, sức khỏe, thông tin ngành nghề và xu thế tuyển dụng, những hỗ trợ về tài chính… Với tất cả những điều này, thí sinh đủ tự tin bước vào cuộc thi. Cả xã hội bên cạnh hỗ trợ và đồng hành cùng các bạn. Vấn đề còn lại là mỗi thí sinh sẽ tự quyết định với lựa chọn của mình. Chúc các thí sinh thành công trong mùa thi 2017 và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
 
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại trong chương trình sau.
 

Thanh Niên

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024879089

TRUY CẬP HÔM NAY: 1328

ĐANG ONLINE: 16