Đổi mới nhân lực y tế - mấu chốt nâng cao chất lượng dịch vụ


SKĐS - Hội thảo “Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực Y tế – Thách thức và cơ hội” vừa tổ chức tại TP.HCM với các tham luận từ nhiều góc nhìn đã cho thấy: Nhu cầu đổi mới công tác đào tạo nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với phương thức của các nước tiên tiến trên thế giới đang là điều cấp thiết phải thực hiện.
 

Hội thảo do Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HBU) tổ chức với sự tham dự của GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế; Các trường Đại học lớn đào tạo nhóm ngành sức khỏe; lãnh đạo một số bệnh viện và Sở y tế các địa phương khu vực phía Nam.

 

Cảnh báo đào tạo thực hành

 

GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ ngay khi Hội thảo khai mạc: “Dưới góc nhìn của nhà quản lý, khi nói đến đào tạo nhân lực Y tế là tôi có rất nhiều điều muốn nói. Nghề Y là nghề đặc biệt, phải tuyển dụng, tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ đặc biệt”.

 

GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.      Ảnh: Bông Mai

 

Theo Thứ trưởng phân tích, hiện có quá nhiều thách thức trong bối cảnh chung đối với đào tạo nhân lực y tế, đó là: nhu cầu  chăm sóc sức khỏe tăng;  Đòi hỏi kiến thức của xã hội cao; Tuổi thọ tăng; Mô hình bệnh tật thay đổi; Phát triển công nghệ nhanh; Chi trả dịch vụ Y tế tăng nhanh… Đặc thù đào tạo Y tế: thầy cô chịu sự chi phối của Luật Giáo dục trong khi sinh viên vào bệnh viện thì chịu sự chi phối của Luật khám chữa bệnh.

 

Đặc biệt, Thứ trưởng đã lên tiếng cảnh báo vấn đề đào tạo thực hành trong thời gian qua. Không thể dạy một bác sĩ tốt khi chỉ ở giảng đường đại học. Tất cả các nước phát triển đều có một bộ phận đánh giá năng lực độc lập, đó là: Hội đồng Y khoa độc lập. Điều này hệ thống Y tế Việt Nam chưa có mặc dù đã đề xuất cách đây 5 năm.

 

“Cơ sở đào tạo có thể tạo ra nhiều sản phẩm nhưng bản chất năng lực đầu ra phải được kiểm soát để đảm bảo tính yêu cầu phục vụ cho hệ thống y tế. “Các bác sĩ trước khi muốn “sờ” vào người bệnh phải qua Hội đồng này đánh giá đủ năng lực. Muốn lái xe ra đường buộc phải thi bằng lái để cấp giấy phép trong khi khám chữa bệnh liên quan trực tiếp đến tính mạng con người lại không đánh giá năng lực là điều rất đáng quan ngại", Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, những quy định đạo tạo hiện nay chưa mang tính đặc thù, chưa coi trọng năng lực thực sự và đang bị hình thức điều chỉnh với “mong muốn bằng cấp quá lớn” dẫn tới lẫn lộn giữa 2 hệ thống khái niệm: hành nghề (bác sĩ chuyên khoa) – nghiên cứu (thạc sĩ – tiến sĩ). Người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ y khoa cũng tham gia khám chữa bệnh. Trong khi các nước năng lực chuyên khoa có giá trị cao hơn, được đãi ngộ tốt hơn thì ở ta, “bác sĩ chay” có thể không “hấp lực” bằng người có nhiều học vị “thạc sĩ, tiến sĩ” đứng đằng trước.

 

ThS. Nguyễn Minh Lợi, phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế phát biểu.     Ảnh: Bông Mai

 

Liên quan đến bức tranh hiện thực này, ThS. Nguyễn Minh Lợi, phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế, cho rằng vấn đề hiện nay là nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế chứ không phải số lượng. ThS Lợi cho biết: “Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy cả nước hiện có 196 cơ sở đào tạo nhân lực Y tế. Riêng ngành y đa khoa có 24 trường đào tạo, trong đó có 6 trường ngoài công lập. Tính đến năm 2017, có khoảng 8 BS/1.000 dân, dự báo năm 2020 có khoảng 10 BS/1.000 dân. Như vậy là đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh”.

 

Riêng hệ điều dưỡng, “nếu việc chuẩn hóa có hiệu lực theo thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ năm 2015 quy định từ ngày 1/1/2021, khu vực y tế công sẽ không tuyển dụng người có trình độ trung cấp các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược thì cả nước sẽ dư 100.000 điều dưỡng bậc trung cấp với quy mô đào tạo như hiện nay”, ThS. Nguyễn Minh Lợi lo lắng.

 

Chương trình kiểu mới – thầy giáo kiểu mới

 

Dưới góc độ là nơi đào tạo nguồn nhân lực Y tế, PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng Đại học Y dược TP.HCM thẳng thắn thừa nhận: “Để đào tạo nhân lực Y tế có năng lực đáp ứng được nhu cầu y tế của hệ thống y tế hiện nay, cần có chương trình đào tạo kiểu mới và thầy giáo kiểu mới”.

 

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, các chuyên gia về nguồn nhân lực.     Ảnh: Bông Mai

 

Theo đó, chương trình đào tạo kiểu mới sẽ tạo nên những năng lực cần có của bác sĩ thế kỷ 21 bao gồm cả mặt kỹ thuật và thực hành. Đặc biệt chú trọng “Kỹ năng thúc đẩy sức khỏe”, tức phải đi trước một bước, không đợi thành bệnh nhân mới chữa mà quản lý ngay từ khâu khai thác bệnh sử, lối sống của bệnh nhân… rồi từ đó khuyến cáo, giáo dục, hướng dẫn, điều chỉnh lối sống giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe thế để đừng bị bệnh.

 

Bên cạnh thái độ và đạo đức nghề Y, bác sĩ tương lai cũng cần có tư duy phản biện, tư duy có tính phê phán, có khả năng quản lý, có khả năng thích ứng sự thay đổi…

 

“Vậy người thầy giáo cũng khác đi, không thể là người thầy ngày xưa. Thầy cũng là tác nhân của sự thay đổi. Có một nghịch lý là chúng ta là những sản phẩm của quá khứ nhưng đào tạo sinh viên cho hiện tại, làm việc trong tương lai - không phải là 6 năm sau mà tương lai là ở cả nửa thế kỷ làm việc phục vụ trong hệ thống y tế nước ta”, PGS.TS Trần Diệp Tuấn nêu rõ và đưa ra một thách thức nữa: “Đến năm 2022, nếu BS không tốt nghiệp từ trường được Liên đoàn giáo dục y khoa thế giới kiểm định thì không có quyền thi bằng tương đương nữa một khi muốn bước ra thế giới. Tất nhiên chúng ta không đào tạo để BS làm việc cho Mỹ nhưng đây sẽ là một bước thụt lùi trong đào tạo”.

 

PGS.TS Trần Diệp Tuấn phát biểu.   Ảnh: Bông Mai

 

GS.TS. Trương Đình Kiệt, Phó hiệu trưởng phụ trách khối ngành Sức khỏe của HBU cho thấy kinh nghiệm về việc xây dựng tầm nhìn và kế hoạch hành động là hết sức cần thiết trong đào tạo nhân lực Y tế. Đó là: “Xây dựng chương trình đào tạo dựa trên năng lực (CBC); Là cầu nối đến chất lượng dịch vụ Chăm sóc sức khỏe; Chuyển giao giáo dục để phát triển hệ thống y tế trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau; Đặc biệt giúp BS tương lai có thể hội nhập từ các chương trình kiểm định quốc tế”.

 

Trên tinh thần phát triển theo hướng hiện đại hóa, hội nhập và nâng cao chất lượng, trường tiến tới đào tạo nên thế hệ nhân lực: “think globally – act locally”, với tinh thần hướng ra thế giới nhưng hành động phù hợp với điều kiện và nhu cầu của quốc gia”, GS.TS. Trương Đình Kiệt nhấn mạnh.

 

PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng Đại học Y dược TP.HCM đã mạnh mẽ đề cập đến "Công nghiệp 4.0" (Industrie 4.0) với người thầy thuốc trong thời đại IT và xem đây không phải câu chuyện trong tương lai mà là câu chuyện của hiện tại: “Phải có cái gì dạy cho sinh viên nắm được những điều này chứ?”.

Thực tế đã cho thấy y khoa đã thực hiện được nhiều điều mà trước kia chỉ có thể là chuyện viễn tưởng từ khám chữa bệnh đến thực hành y khoa nhờ “nền công nghệ số hóa”.
 

Trâm Quyên

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875253

TRUY CẬP HÔM NAY: 275

ĐANG ONLINE: 19