Thị trường lao động TP.HCM: Tiếp tục phát triển theo hướng tăng chất lượng


(PL&XH)- Tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tiếp tục tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố đều đạt được kết quả tích cực… Thị trường lao động được sự tác động tích cực từ sự phát triển ổn định của nền kinh tế, do đó doanh nghiệp luôn chú trọng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn và yêu cầu tính chuyên nghiệp cao.

 

Theo kết quả báo cáo phân tích thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2017 tại TPHCM do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) cho biết: Trung tâm đã thực hiện khảo sát trực tiếp nhu cầu tuyển dụng tại 5.200 doanh nghiệp; trên 10.000 nhu cầu tìm việc làm của sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp sắp tốt nghiệp ra trường và trên 30.000 nhu cầu học nghề của học sinh các trường Trung học phổ thông.

 

Đồng thời, Trung tâm cũng thường xuyên khảo sát, cập nhật thông tin cung – cầu lao động từ các kênh thông tin tuyển dụng và thông tin nhu cầu tìm việc của người lao động với tổng số 18.110 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 185.320 chỗ làm việc và 45.288 người lao động có nhu cầu tìm việc. 

1
Thị trường lao động TP.HCM phát triển theo chiều hướng tăng chất lượng
 

Thực tế cho thấy, nhu cầu thị trường lao động liên tục tăng lên, riêng nhu cầu tìm việc làm tăng 51,32% (trong đó trình độ Cao đẳng – Đại học – trên Đại học 76,61% so với Trung cấp 15,23% và lao động phổ thông 8,16%) và nhu cầu tuyển dụng lao động tăng gấp 2,24 lần so với cùng kỳ năm 2016.

 

Trong đó, các doanh nghiệp luôn chú trọng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn và yêu cầu tính chuyên nghiệp cao chiếm 65,32%. Chủ yếu tập trung nhiều ở các nhóm ngành như kinh doanh – bán hàng (19,53%), dịch vụ (16,13%), thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng (6,45%), dệt may – giày da (6,36%), vận tải – kho bãi – xuất nhập khẩu (5,99%), tài chính – tín dụng – ngân hàng (4,15%), cơ khí – tự động hóa (4,12%), công nghệ thông tin (3,85%)...

 

Bên cạnh những thông tin về thị trường lao động 6 tháng đầu năm, Falmi đã đưa ra những dự báo cho thị trường 6 tháng cuối năm 2017. Theo đó, nhu cầu 06 tháng cuối năm 2017 toàn thành phố có 139.000 chỗ làm việc trống, trong đó có 40.000 nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ. Sự phát triển kinh tế thành phố tác động trực tiếp đến thị trường lao động, gắn với tái cấu trúc kinh tế theo hướng đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả… trong đó phần đông là nhân lực có chất lượng cao.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm tăng 10% so với 6 tháng đầu năm 2017. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng trong quý III cần khoảng 71.000 lao động và quý IV khoảng 68.000 lao động. Theo cơ cấu trình độ, xu hướng nhu cầu nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 38%, trung cấp chiếm gần 14%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề trên 21%, lao động chưa qua đào tạo khoảng 27%.

 

2
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM
 

“Trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, sẽ chú trọng nhân lực có chất lựợng cao trong đó bao gồm lao động có kiến thức nghề nghiệp phù hợp, kỹ năng nghề, thái độ – tác phong – kỷ luật và năng lực giao tiếp ngoại ngữ, nên thị trường lao động thành phố luôn trong tình trạng mất cân đối, thiếu – thừa trong các nhóm ngành nghề như: cơ khí, công nghệ thông tin, kiến trúc – xây dựng, dệt – may, chế biến lương thực thực phẩm, du lịch – nhà hàng – khách sạn...”, ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

 

Bên cạnh đó, từ sự tăng trưởng ổn định về tình hình kinh tế – xã hội thành phố, tác động điều phối và định hướng phát triển thị trường lao động. Nhu cầu các ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử – công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm; hóa chất – nhựa cao su), ngày càng chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng bình quân tăng 7,46%, cao hơn tốc độ tăng chung cũng cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế tốt hơn, theo hướng chuyển dần sang các ngành có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

 

Nhu cầu nhân lực khu vực dịch vụ (bao gồm tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; giáo dục – đào tạo; du lịch; y tế; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai; thương mại; dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin) là khu vực tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng 65,19% (1,5 triệu người đang làm việc) cao nhất trong tổng nhu cầu nhân lực nền kinh tế thành phố (khu vực công nghiệp: 32,70%, khu vực nông nghiệp: 2,11%). Từ đó có thể nhận thấy rõ nét, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng.

 

Nguyễn Kiên / PLXH

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024935492

TRUY CẬP HÔM NAY: 810

ĐANG ONLINE: 19