Hội nghị Mạng lưới đối tác phát triển trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam


Chiều ngày 21/6/2017, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Mạng lưới đối tác phát triển trong lĩnh vực Giáo dục Nghề nghiệp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Dạy nghề cùng Bà Luisa Bergfeld – Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Đức đồng chủ trì Hội nghị. Tới dự còn có đại điện các đối tác phát triển, nhà tài trợ tại Việt Nam cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế…

 


Quang cảnh Hội nghị

 

Trưởng Nguyễn Hồng Minh cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của tất cả các đối tác phát triển, nhà tài trợ những năm qua đã và đang tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại Việt Nam.

 

Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Hội nghị cũng được nghe báo cáo kết quả bước đầu triển khai thực hiện luật GDNN và định hướng đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Đến tháng 6/2017, Bộ LĐ-TBXH đã chủ trì trình các cấp ban hành và ban hành 38 văn bản, gồm có: 05 Nghị định, 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 04 Thông tư liên tịch và 23 Thông tư (Phụ lục văn bản kèm theo). Đáng chú ý, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt nam tương thích với ASEAN, xây dựng chương trình đào tại, tổ chức đào tạo theo chuẩn đầu ra (làm cơ sở cho việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề giữa các nước trong khu vực,…)

 

Cũng tính đến tháng 6 năm 2017, mạng lưới cơ sở GDNN tổng số có 1.942 cơ sở GDNN, gồm 395 trường cao đẳng, 550 trường trung cấp và 997 trung tâm.

 

Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ tháng 7/2016. Triển khai thực hiện Luật GDNN đang tạo cơ hội để GDNN Việt Nam đổi mới sâu sắc, toàn diện. Hội nghị lần này nhằm tiếp tục cập nhật tình hình phát triển hệ thống GDNN, trao đổi thông tin giữa các đối tác phát triển hoạt động trong lĩnh vực GDNN tại Việt Nam và chia sẻ các ý tưởng mới trong hợp tác cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa TCDN (Bộ LĐ-TBXH) và các đối tác phát triển trong lĩnh vực GDNN.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Hiện nay, TCDN (Bộ LĐ-TBXH) đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các văn bản pháp luật để vận hành hệ thống GDNN theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo; quy mô, cơ cấu đào tạo nhân lực cho nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chính là “chìa khóa” trong công cuộc đổi mới giáo dục nghề nghiệp, giúp giải quyết các vấn đề trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay cũng như trong tương lai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo gắn với doanh nghiệp. Hiện nay, TCDN đang xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GDNN tiến tới cơ bản theo phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ. Tổng Cục Trưởng Nguyễn Hồng Minh hi vọng, các Đối tác phát triển luôn cùng đồng hành cùng Tổng cục Dạy nghề trong công cuộc nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới.

 

Tại Hội nghị, Bà Luisa Bergfeld đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong những năm trở lại đây đặc biệt là trong công tác tăng năng suất lao động tại Việt Nam. Theo bà, những đánh giá được TCDN trình bày tại Hội nghị đã mô tả toàn cảnh đầy đủ đối với hoạt động dạy nghề tại Việt Nam. Bà hy vọng sẽ được tham gia tích cực vào các hoạt động hỗ trợ cả về tổ chức  và kỹ thuật chuyên môn để phát triển sự tham gia của khối tư nhân trong công tác dạy nghề thông qua những thảo luận chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình thực hiện đổi mới công tác GDNN tại Việt Nam.

 

Kết thúc Hội nghị, sau những thảo luận tại Hội nghị, các nhà tài trợ đã trực tiếp trao đổi và chất vấn về các vấn đề của đào tạo nghề tại Việt Nam trong thời gian tới.  Tổng Cục trưởng cảm ơn các đối tác đã hỗ trợ tích cực trong công tác đổi mới dạy nghề tại Việt Nam, đồng thời mong muốn sự đồng hành cũng như những nghiên cứu sâu hơn của các đối tác và nhà tài trợ để hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam tốt hơn, theo kịp với các nước trong khu vực và quốc tế.

 

Nguồn: molisa.gov.vn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024872470

TRUY CẬP HÔM NAY: 1533

ĐANG ONLINE: 5