Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh


(HCM CityWeb) – Sáng 5-9, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách Thành phố tháng 8, 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2017.

 

 

Toàn cảnh phiên họp

 

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 74.056 tỷ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước; tính chung 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 599.160 tỷ đồng, tăng 10,3%.


Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố trong tháng ước đạt 2,99 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước; tính chung 8 tháng đạt 22,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn trong tháng 8 ước đạt 3,57 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước; tính chung 8 tháng ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ.


Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 8 đạt 1.902.000 tỷ đồng, tăng 7,01% so cuối năm 2016 và tăng 11,44% so cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 1.645.000 tỷ đồng, tăng 11,61% so cuối năm 2016 và tăng 19,01% so cùng kỳ.


Về phát triển doanh nghiệp trong nước, Thành phố có 26.614 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 358.890 tỷ đồng. Ngoài ra, có 38.710 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, với vốn điều chỉnh bổ sung tăng 183.475 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 542.365 tỷ đồng, tăng 69,3% so với cùng kỳ.

 

Thành phố có 515 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 788,19 triệu đô-la Mỹ; 134 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 593,54 triệu đô-la Mỹ. Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 1.418 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký đạt 1,85 tỷ đô-la Mỹ. Tính chung, trong 8 tháng đầu năm 2017 Thành phố thu hút được 3,23 tỷ đô-la Mỹ vốn FDI, tăng gấp 1,57 lần so với cùng kỳ.


Chỉ số phát triển công nghiệp của Thành phố trong tháng ước tăng 6,52% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đầu năm ước tăng 7,31% so với cùng kỳ. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ước tăng 11,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

 

Ngành giáo dục Thành phố đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, tổ chức, chương trình để tổ chức thực hiện tốt công tác tựu trường của các trường học.

 

Thành phố thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 

Công việc trọng tâm trong tháng 9

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng để đến cuối năm 2017, tăng trưởng của TPHCM đạt 8,4% như kế hoạch đề ra thì trong những tháng còn lại phải có những biện pháp quyết liệt để đạt tăng trưởng hơn 9,2%.

 

 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

 

Nhấn mạnh về một số công việc trọng tâm phải thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết Thường trực UBND Thành phố và Thường trực Thành ủy sẽ làm việc, xin ý kiến các cơ quan trung ương về việc thực hiện các cơ chế, chính sách để TPHCM phát triển theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.

 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp thu hút vốn FDI, trong đó tập trung thu hút đầu tư vào các ngành nghề tạo giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới,…; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, bỏ những thủ tục làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giúp tiết kiệm thời gian và giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp; chuẩn bị tổ chức hội thảo bàn về cơ chế tạo quỹ đất sạch.

 

Cục Thuế Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Chi cục Thuế quận - huyện tăng cường rà soát tình hình triển khai thuế của các hộ kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ, hướng dẫn các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp làm báo cáo thuế và các thủ tục thuế; đồng thời phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển đổi lên doanh nghiệp để vận động, hỗ trợ chuyển đổi nhằm tạo điều kiện cho các hộ này tăng quy mô vốn, mở rộng quy mô hoạt động, góp phần cho tăng trưởng kinh tế của TPHCM.

 

Sở Công Thương cần có giải pháp thúc đẩy tiêu dùng để tạo tiền đề cho các tháng còn lại, chú trọng định hướng tiêu dùng phát triển thị trường bán lẻ; chuẩn bị tổ chức hội thảo để nghe góp ý về phát triển thương hiệu mạnh của TPHCM. Theo kết quả bình chọn của Tạp chí Forbes Việt Nam năm 2015, cả nước có khoảng 40 thương hiệu mạnh thì Thành phố được 10 thương hiệu; năm 2016 thì có một số thương hiệu của Thành phố mới xuất hiện Tổng Công ty du lịch Sài Gòn,…

 

Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố quan tâm hoàn chỉnh bộ tiêu chí Thành phố có chất lượng sống tốt văn minh hiện đại nghĩa tình; đề án tăng trưởng kinh tế Thành phố đến năm 2020; đề án bố trí sắp xếp làm việc lệch ca để giảm lưu lượng giao thông,…

 

Sở Y tế tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống dịch bệnh, tiếp tục triển khai và tăng cường công tác kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết.

 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tổ chức buổi gặp gỡ với hiệu trưởng các trường trung học phổ thông tại TPHCM, do Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì, để trao đổi về phương hướng phát triển giáo dục thành phố trong thời gian tới.

 

Minh Thư

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880110

TRUY CẬP HÔM NAY: 2424

ĐANG ONLINE: 12