THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ III VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ IV NĂM 2017 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Số: 338/BC-TTDBNL-PTDB Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 10 năm 2017

 

BÁO CÁO
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ III –
DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ IV NĂM 2017
TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ III NĂM 2017.


Quý III/2017, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM thực hiện khảo sát 6.123 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 49.004 chỗ làm việc, 19.395 người có nhu cầu tìm việc (trong đó có khoảng 60% sinh viên – học viên các trường Đại học – Cao đẳng – Trung cấp tốt nghiệp năm 2017). Tổng hợp, phân tích như sau:


1. Tình hình chung về thị trường lao động


Tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2017 thành phố đã có 26.614 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đạt 352.520 tỷ đồng (tăng 13,2% về doanh nghiệp và 81,5% về số vốn đăng ký). Điều này tác động tích cực đến cung – cầu lao động trên địa bàn thành phố.


2. Nhu cầu nhân lực


   Nhu cầu nhân lực trong quý III năm 2017 tăng 23,99% so với cùng kỳ năm 2016, tập trung ở các nhóm ngành:


   Kinh doanh (20,34%): Đây là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, ở những vị trí như: Nhân viên bán hàng, bán hàng siêu thị, nhân viên kinh doanh, trưởng nhóm bán hàng, giám sát bán hàng, Sales Admin;


   Dịch vụ - Phục vụ (16,34%): Những vị trí như: Nhân viên tạp vụ, vệ sinh công nghiệp, nhân viên vệ sinh khu căn hộ, nhân viên bảo vệ, nhân viên giao nhận hàng hóa;


   Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (14,26%): Tập trung ở những vị trí như: Tài xế, nhân viên chứng từ xuất – nhập khẩu, logistics;


   Dệt may – Giày da (7,42%): Chủ yếu là công nhân may, nhân viên may mẫu, thiết kế mẫu, rập;


   Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (5,47%): Nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên trực tổng đài, chuyên viên tư vấn khách hàng, nhân viên chăm sóc quầy hàng;
Công nghệ thông tin (4,04%): Tập trung ở những vị trí như: Nhân viên IT, Lập trình viên, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, Thiết kế và quản trị website, nhân viên kỹ thuật thiết bị mạng,…


   Kinh doanh tài sản – Bất động sản (3,70%): Chủ yếu là nhân viên kinh doanh bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản.


Biểu 1: Nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao quý III năm 2017
 


   Các nhóm ngành có chỉ số nhu cầu tuyển dụng lao động tăng trong quý III/2017, bao gồm: Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Dệt may – Giày da, Kế toán – Kiểm toán, Kinh doanh tài sản – Bất động sản.

   Nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý III năm 2017 theo cơ cấu trình độ như sau:
Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Đại học trở lên chiếm 11,07%, ở các nhóm ngành như: Công nghệ thông tin, Cơ khí – Tự động hóa, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng,…Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Cao đẳng chiếm 15,36%, Trung cấp chiếm 15,55%, CNKT lành nghề chiếm 34,18%, Sơ cấp nghề chiếm 2,65%, Lao động chưa qua đào tạo chiếm 21,19%.


Biểu 2: Chỉ số nhu cầu tuyển dụng quý III/2017 theo cơ cấu trình độ
 


   Yêu cầu nhà tuyển dụng như sau: Không yêu cầu kinh nghiệm làm việc (49,15%) chủ yếu ở nhóm ngành Kinh doanh – Bán hàng, dịch vụ, phục vụ, giao nhận hàng hóa; yêu cầu kinh nghiệm 1 năm làm việc (39,37%);  yêu cầu có từ 2 đến 5 năm làm việc (10,02%); yêu cầu trên 5 năm làm việc (1,46%) chủ yếu ở nhóm ngành Quản lý điều hành như: Giám đốc, Phó Giám đốc chi nhánh, Trưởng chi nhánh,…


Biểu 3: Nhu cầu tuyển dụng lao động quý III năm 2017
 theo kinh nghiệm làm việc

 


   Về mức lương: Tỷ lệ người  lao động và nhà tuyển dụng thỏa thuận mức lương khi phỏng vấn chiếm 48,54%, mức lương từ 5 – 8 triệu chiếm 29,63%, mức lương từ 8 – 10 triệu chiếm 9,54%, mức lương dưới 3 triệu chỉ chiếm 0,72%. Mức lương cao ở một số ngành nghề như: Kiến trúc, Bất động sản, Ngân hàng, Điện tử - Công nghệ thông tin,….


3. Nhu cầu tìm việc làm


   Nhu cầu tìm việc quý III/2017 có sự gia tăng đáng kể do có một lượng sinh viên tốt nghiệp từ các hệ thống Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp, tập trung cao ở các nhóm ngành: Kế toán – Kiểm toán (15,66%) là nhóm ngành có số người tìm việc cao nhất; Nhân viên kinh doanh – Bán hàng (11,05%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (7,78%), Hành chính văn phòng (8,97%), Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (4,4%), Cơ khí – Tự động hóa (4,29%), Công nghệ thông tin (3,90%), Nhân sự (3,72%).


Biểu 4: Nhóm ngành có số người tìm việc cao quý III năm 2017
 


   Ước tính có khoảng 7.000 việc làm thời vụ tập trung chủ yếu ở các ngành nghề: Kinh doanh, phụ bán hàng, phục vụ quán ăn, nhân viên đóng gói sản phẩm, giao hàng… tạo điều kiện, cơ hội cho một số lượng lớn sinh viên có sự trải nghiệm thực tế và tăng thu nhập.


   Về trình độ lao động: Số người tìm việc có trình độ Đại học trở lên chiếm 56,66%, Cao đẳng chiếm 19,66%, Trung cấp chiếm 7,73%, Sơ cấp nghề và CNKT lành nghề chiếm 5,71%, Lao động chưa qua đào tạo chiếm 10,24%.


Biểu 5: Cơ cấu người tìm việc theo trình độ chuyên môn kỹ thuật
quý III năm 2017

 


   Về kinh nghiệm làm việc của người lao động: Chỉ số người lao động tìm việc chưa có kinh nghiệm làm việc chiếm 28,52%, có kinh nghiệm 1 năm chiếm 14,42%, có kinh nghiệm từ 2 đến 5 năm chiếm 33,12%, có kinh nghiệm trên 5 năm làm việc chiếm 23,94%.


II. NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ IV NĂM 2017


1. Nhu cầu nhân lực:


   Nhu cầu nhân lực quý IV trên địa bàn thành phố cần khoảng 70.000 chỗ làm việc (tháng 10/2017: 25.000 chỗ làm việc; tháng 11/2017: 22.000 chỗ làm việc và tháng 12/2017: 23.000 chỗ làm việc), tập trung ở các nhóm ngành nghề sau: Nhân viên kinh doanh – Bán hàng (23,37%), Dịch vụ - Phục vụ (17,77%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (6,83%), Công nghệ thông tin (6,24%), Dệt may – Giày da (5,62%), Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (4,17%), Cơ khí – Tự động hóa (3,44%), Dịch vụ thông tin  tư vấn – Chăm sóc khách hàng (3,35%), Kinh doanh tài sản – Bất động sản (3,33%),…


Biểu 6: Dự báo nhu cầu nhân lực quý IV năm 2017
 


   Theo cơ cấu trình độ, xu hướng nhu cầu nhân lực có trình độ Đại học trở lên chiếm 15,94%, Cao đẳng chiếm 15,32%, Trung cấp chiếm 22,63%, Sơ cấp nghề và CNKT không bằng chiếm 21,54%, Lao động chưa qua đào tạo chiếm 24,57%.


   Ngoài những yêu cầu về trình đô chuyên môn, bằng cấp; xu hướng thị trường lao động hiện nay vẫn chú trọng lao động có kinh nghiệm làm việc, nhân lực chất lượng cao. Nhà tuyển dụng hướng tới nhân lực có trình độ cao, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và một số kỹ năng khác, cụ thể: Nhóm ngành nhân viên kinh doanh - Bán hàng cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, tư vấn và thuyết phục tốt, giao tiếp ngoại ngữ tốt; Nhân viên Nhân sự cần phải hiểu rõ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật thuế, Luật Công đoàn,...; Kỹ sư xây dựng thì yêu cầu phải am hiểu sâu trong lĩnh vực xây dựng, đọc và hiểu các bản vẽ thiết kế, kết cấu công trình, bóc tách khối lượng, lập dự toán, thanh quyết toán, bản vẽ hoàn công,...; Quản lý điều hành (ở các vị trí như: Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng/Phó phòng...) thì yêu cầu phải có khả năng lãnh đạo, điều hành công việc dưới môi trường áp lực cao, kỹ năng đàm phán, thuyết phục, tự tin,...


   Môi trường làm việc chuyên nghiệp luôn đòi hỏi người lao động phải tự trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.


2. Nhận định chung:


   Tình hình kinh tế xã hội quý IV năm 2017 tiếp tục ổn định, sản xuất phát triển, môi trường đầu tư thuận lợi, thành phố tiếp tục quan tâm chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Do nhu cầu tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và Lễ -Tết, đồng thời chuẩn bị phát triển năm 2018 các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng lao động, đặc biệt là tăng nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc thời vụ - bán thời gian. Đây là thời điểm cuối năm nên tình trạng nhảy việc không lớn, người lao động không muốn thay đổi công việc mà muốn ổn định để làm cơ sở tính toán lương và các khoản phúc lợi cuối năm
 

Nơi nhận:
- Đ/c Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở;
- Phòng Việc làm – An toàn Lao động;
- Phòng Giáo dục Nghề nghiệp;
- Phòng Lao động - Tiền lương – Bảo hiểm Xã hội;
- Văn phòng Sở;
- Phòng Văn hóa – Xã hội – UBND TP.HCM;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu./.
GIÁM ĐỐC





Trần Thị Anh Đào

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024715718

TRUY CẬP HÔM NAY: 211

ĐANG ONLINE: 118