Khủng hoảng nhân lực ngành CNTT


(FALMI) – Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành Công nghệ thông tin (CNTT) vào năm 2020, số nhân lực thiếu hụt lên tới trên 500.000 người.

 

“Khủng hoảng” nhân lực ngành CNTT-2

Nhu cầu nhân lực ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử

 

“Khủng hoảng” nhân lực ngành CNTT

 

Theo báo cáo mới nhất về ngành CNTT Việt Nam 2017 của mạng tìm kiếm việc làm V. cho hay, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016. Theo dự báo của đơn vị này, với gần 80.000 nhân lực CNTT sẽ được các trường cho “ra lò” trong hai năm, 2017 và 2018, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT. Riêng tại TP.HCM, nhu cầu cho ngành này lên đến 16.200 lao động mỗi năm.

 

“Khủng hoảng” nhân lực ngành CNTT-3

Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

và thông tin thị trường lao động TP.HCM chia sẻ về ngành CNTT

 

Lý giải điều này, Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: “Kể từ khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhu cầu nhân lực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh với hơn 6 triệu việc làm được tạo thêm. Trong đó, nhóm ngành Công nghệ thông tin với đặc thù phát triển không ngừng, nếu trước đây chúng ta chỉ biết về phần cứng, phần mềm và mạng máy tính thì nhóm ngành này đã xuất hiện thêm nhiều ngành mới liên quan như Bảo mật mạng, Lập trình ứng dụng di động, Lập trình game, Lập trình thiết kế game 3D, Lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D…từ đó khiến cho nhu cầu nhân lực của ngành tăng liên tục, trong khi số lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng được cả về lượng lẫn chất”.


Anh Trương Quốc Dũng (Phòng Công tác sinh viên – Trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐHQG TP.HCM) cũng cho biết: “Một trong những ngành “hot” của trường là kỹ thuật phần mềm luôn được các doanh nghiệp “đặt hàng” sinh viên từ khi các bạn còn đang theo học. Đến năm 3 khi bắt đầu đi thực tập, nhiều bạn đã được các doanh nghiệp này chính thức tuyển dụng. Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả các tập đoàn lớn ở nước ngoài như Google cũng luôn đánh giá cao trình độ công nghệ thông tin của sinh viên Việt Nam. Do đó, với ngành này chỉ cần có tay nghề và trình độ thì các bạn chắc chắn không bao giờ thất nghiệp”.

 

Cơ hội rộng mở với ngành CNTT

 

Đối với ngành CNTT, Ông Trần Anh Tuấn cũng “bật mí” nhiều hướng đi cho sinh viên sau khi ra trường: “Đối với ngành này, sau khi ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài hoặc tự tạo việc làm. Hầu như bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần nhân lực ở lĩnh vực này”.

 

“Khủng hoảng” nhân lực ngành CNTT

CNTT là ngành dễ khởi nghiệp

 

Nhiều gương điển hình tự khởi nghiệp trong lĩnh vực thông tin có thể kể đến như Nguyễn Hoàng Trung, giám đốc điều hành ứng dụng LOZI – một start up Việt có thể gọi vốn “khủng” lên đến 1 triệu USD. Hay Lê Yên Thanh – sinh viên đến từ Khoa Công nghệ thông tin – Trường ĐH KHTN ĐHQG TP.HCM được mệnh danh là chàng trai vàng của Tin học Việt khi bỏ lương 6000 USD/tháng của Google về lập startup riêng.

 

Nhận xét về điểm chung của nhiều sinh viên ngành CNTT, Lê Yên Thanh cho biết: “Tôi thấy rằng các bạn sinh viên Việt đều rất giỏi, thậm chí khi làm việc bên Google nhiều bạn có kiến thức chuyên môn vững và khá tốt, tuy nhiên các bạn vẫn còn thiên về lý thuyết nhiều, chưa thực sự khai phá và mở rộng ở lĩnh vực của mình”.

 

“Khủng hoảng” nhân lực ngành CNTT-1

Lê Yên Thanh – sinh viên đến từ Khoa Công nghệ thông tin –

Trường ĐH KHTN ĐHQG TP.HCM, được mệnh danh là chàng trai vàng của Tin học Việt

 

Tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực ngành CNTT trong khi thị trường lao động lại luôn mở rộng đối với ngành này được ông Trần Anh Tuấn lí giải: “Số lượng sinh viên ngành CNTT ra trường mỗi năm đều khá cao nhưng để có thể làm việc tại các doanh nghiệp, sinh viên cần phải trau dồi nhiều kỹ năng bên cạnh các kiến thức sẵn có.


Điểm yếu của sinh viên Việt là còn thụ động, chưa chủ động tìm tòi, đặc biệt là vốn ngoại ngữ còn rất kém, đây chính là nguyên nhân khiến các bạn chưa tìm được việc làm còn bản thân các doanh nghiệp lại không thể tìm được lao động phù hợp”.


Theo ông Tuấn, có 3 vấn đề thách thức của nguồn nhân lực cần quan tâm nhất trong thời gian tới là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm), chỉ cần rèn luyện tốt 3 vấn đề trên, không chỉ ngành CNTT mà ở bất cứ ngành nghề nào sinh viên cũng sẽ dễ dàng tìm được việc làm.

Quỳnh Anh
Theo Đời sống & Pháp lý

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878789

TRUY CẬP HÔM NAY: 1027

ĐANG ONLINE: 11