Đến lúc Robot thay thế giáo viên ngoại ngữ


(VOH) - Robot và những phần mềm phiên dịch trực tuyến có khả năng thay thế giáo viên ngoại ngữ trong thời gian tới.

Đây là thông tin tại Hội thảo khoa học "Tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đối với giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM" do cụm thi đua 1 - các trường cao đẳng tổ chức sáng nay 25/5.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Tiếng Anh, Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, gần đây nhiều trường đại học bắt đầu mua Robot giảng dạy tiếng Anh. Đây thực sự là nguồn bổ sung khá hiệu quả cho các cơ sở có lượng học viên lớn nhưng nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp.

Ngoài ra, nhiều phần mềm, thiết bị dịch thuật cũng được đưa ra thị trường với giá cả khá hợp lý. Thậm chí trong một số ngữ cảnh thông thường, các thiết bị phiên dịch còn có lợi thế hơn con người. Vì vậy, ngay cả giáo viên Anh văn cũng có khả năng bị cạnh tranh công việc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Vũ chia sẻ khi xem và sử dụng thử thì "thông dịch bằng máy ít nhất là dịch sát nghĩa hơn con người".

Hội thảo khoa học "Tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đối với giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM"

Theo thạc sĩ Dương Đình Dũng, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPHCM, một số trường trên thế giới đã gặp khó khăn trong tuyển sinh ngành thương mại, sắp tới sẽ là ngành luật... khi mà các dịch vụ này tương lai có thể được cung cấp bởi các công nghệ tự động.

Vì vậy, thực tế đòi hỏi đội ngũ quản lý các trường phải thay đổi, trước hết là trong liên kết đào tạo và huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác này. Tuy nhiên, theo ông, công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội cho nhiều người, nhiều quốc gia rút ngắn được khoảng cách.

Cũng có một số lo lắng robot thay thế, con người sẽ thất nghiệp. Tuy nhiên, "con người là hạt nhân của sự sáng tạo, sáng tạo ra trí tuệ, con người quản lý trí tuệ đó và sáng tạo ra trí tuệ khác".

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo làm mất đi 56% cơ hội việc làm, đặc biệt là việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp, nhóm ngành dệt may, dược phẩm, xây dựng...

Tuy nhiên, một dự báo khác cho biết, xu thế phát triển thời đại công nghiệp 4.0 sẽ giúp tăng thêm 21 triệu chỗ làm, đặc biệt ở nhóm ngành công nghiệp kỹ thuật cao. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, nhân lực Việt Nam chúng ta phù hợp với sự phát triển công nghệ này. 

Tuyết Nhung

Nguồn: www.voh.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878010

TRUY CẬP HÔM NAY: 248

ĐANG ONLINE: 12