Thạc sỹ Trần Đình Lý (Giám đốc TT Hỗ trợ SV - Quan hệ Doanh nghiệp, ĐH Nông lâm TPHCM): Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục


   Chúng ta dễ nhận thấy rằng, đặc điểm của giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam là với tỷ lệ dưới 15% thanh niên trong độ tuổi vào ĐH, giáo dục ĐH về cơ bản vẫn là nền giáo dục cho số ít và với hai nguồn lực vận hành chủ yếu là ngân sách nhà nước hoặc học phí, nhiều trường ĐH vẫn chưa thoát khỏi “tháp ngà” để thật sự bám rễ vào cộng đồng xã hội. Do đó, với hai đặc điểm này, không dễ dàng gì chúng ta có thể đạt được hai mục tiêu chủ yếu mà giáo dục đề ra: Chất lượng và công bằng xã hội trong giáo dục.

 

Thạc sỹ Trần Đình Lý

   Thực tế từ kinh nghiệm các nước, theo tôi có thể chia ra ba nhóm giải pháp. Thứ nhất, phân tầng ĐH và đa dạng hoá các loại hình đào tạo để ĐH không là đích đến duy nhất. Tăng có mức độ chỉ tiêu vào ĐH để tăng dần sinh viên vào các loại hình đào tạo khác nhau như cao đẳng, trung cấp nghề, các khoá đào tạo ngắn hạn.


   Thứ hai, không thể có một mức học phí trần chung cho các ngành, chuyên ngành đào tạo. Đối với các ngành sử dụng trang thiết bị và thực tập nghề nghiệp phức tạp như y khoa, kiến trúc và một số ngành kỹ thuật, nông lâm ngư... mức học phí phải cao hơn để bù đắp kinh phí đào tạo. Ngược lại, các trường cần đề ra và tăng cường nhiều chính sách hỗ trợ học phí theo vùng miền, đối tượng chính sách...


   Thứ ba, cũng là nhóm giải pháp quan trọng nhất, đó là phải đa dạng hoá các nguồn lực phát triển, mà điều này phải được tiến hành ở ngay từng trường ĐH. Các nguồn lực này lấy từ đâu? Đó là các công trình nghiên cứu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, các dự án hợp tác với doanh nghiệp hay cộng đồng, các chương trình chế tạo và đóng góp của các tổ chức đoàn thể xã hội và cuối cùng từ cựu sinh viên.


Theo SGGP
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722777

TRUY CẬP HÔM NAY: 7440

ĐANG ONLINE: 20