Trường trung cấp đang “ngồi trên lửa” tuyển sinh


Mặc dù các trường trung cấp đã khai giảng năm học 2017-2018 từ lâu, song đến thời điểm này, hệ trung cấp mới tuyển sinh được hơn 51% chỉ tiêu. 

Học viên Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ   Hùng Vương trong giờ thực hành

Học viên Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương trong giờ thực hành

Trường nào cũng ngồi trên đống lửa

Tính đến cuối tháng 10-2017, Trường Trung cấp Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn mới tuyển được hơn 1.600 học sinh hệ trung cấp. Cùng thời điểm này vào năm ngoái, con số là 2.000 người. Năm nay, số lượng tuyển sinh giảm đáng kể và trường sẽ phải tiếp tục tuyển sinh đến hết năm. Về lý do giảm, ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay một số nhóm ngành sức khỏe như điều dưỡng, hộ lý, y sĩ đang có thông tin đến năm 2020 các bệnh viện công không tuyển người trình độ trung cấp, đã ảnh hưởng đến tư tưởng học sinh. Để ổn định đầu ra, trường đang phối hợp với đối tác Nhật Bản, đào tạo kỹ năng chăm sóc người già để đi làm việc ở nước ngoài. 

Bà Bùi Thị Lưu Ly, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp, buồn bã cho biết tuyển sinh ngành nông nghiệp giờ đang thuộc tốp… dưới, “Chuột chạy cùng sào mới vào nông nghiệp”. Các trường trung cấp vốn tuyển sinh đã khó, trường trung cấp nông nghiệp tuyển càng khó hơn. Những năm trước, giá heo 60.000 đồng/kg, ngành chăn nuôi còn “hot”, trường tuyển được 700 chỉ tiêu riêng ngành chăn nuôi; song năm nay, giá heo giảm, ít người quan tâm và trường mới tuyển được có 100 chỉ tiêu ngành này. “Khi học sinh tốt nghiệp, 100% học sinh có việc làm. Các công ty, cơ sở sản xuất cần rất nhiều người qua đào tạo, nhất là bây giờ chú trọng nông nghiệp sạch. Chỉ có điều, trường không kiếm đâu ra người học nghề nông nghiệp, kể cả học trò TPHCM và các tỉnh. Học sinh học xong phổ thông đi đâu hết, không thấy vô học trung cấp nông nghiệp”, bà Lưu Ly nhận xét. Trước tình cảnh tuyển sinh trung cấp giảm, trường chuyển hướng đào tạo ngắn hạn: đào tạo cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án trên địa bàn TPHCM; đào tạo cho nông dân tham gia vào các đề án của TP và đào tạo cho người sau cai nghiện. 

Dù có thế mạnh là trường trung cấp duy nhất trong cả nước đào tạo nghề in, thiết kế, chế bản, học sinh ra trường đều có việc làm, song Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề tư thục Kỹ thuật - Kinh tế Sài Gòn 3, ông Đinh Quang Thùy cho biết, việc tuyển sinh của trường vẫn cực nhọc. Nghề in vất vả, học sinh TPHCM rất ít em theo học, chủ yếu là học trò ở tỉnh, học xong ở lại TP làm việc. Xác định là khâu khó khăn nhất, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành dồn hết tâm lực vào khâu tuyển sinh, kể cả hiệu trưởng cũng phải đi tuyển sinh. Ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, đánh giá trong khâu tuyển sinh, không trường nào không ngồi trên đống lửa! 

 Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, cho biết trường làm mọi cách để thu hút học sinh, và đến thời điểm này đã tuyển gần đủ. Tuy nhiên, trong đó, học sinh mới tốt nghiệp lớp 9 rất đông chứ không phải là học sinh học hết lớp 12 như trước đây. Theo bà Thủy, các em mới tốt nghiệp trung học cơ sở, trình độ chưa đủ chín để đọc được bản vẽ, tính toán; bản lĩnh của em mới học hết lớp 9 và các em học hết lớp 12 cũng hoàn toàn khác nhau; dẫn tới cách quản lý học sinh cũng khác hẳn. Học sinh mới học hết lớp 9 nhiều em còn chưa tự chủ trong việc học hành, cần sự dẫn dắt của cha mẹ. Vì vậy trường phải thành lập hội cha mẹ học sinh. Tương tự, nhiều trường trung cấp cũng phải thành lập hội phụ huynh để phối hợp dạy dỗ học sinh, dù khi thành lập trường không có hội này. 

Nâng chuẩn và chất của trường nghề

 “Nếu các trường đang ngồi trên lửa thì chúng tôi đang ngồi trong lò viba”, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTB-XH TPHCM) so sánh. Ông Sự cho biết, sở đang quản lý 66 trường trung cấp. Tính đến nay, các trường trung cấp tuyển được 42.000 học sinh các hệ đào tạo, trong đó có hơn 13.000 học sinh hệ trung cấp, gần 11.000 học sinh hệ sơ cấp và còn lại học nghề dưới 3 tháng. So với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đăng ký năm 2017, kết quả tuyển sinh hệ trung cấp mới đạt hơn 51% (hơn 13.000/26.000 người).  Theo ông Đặng Minh Sự, tâm lý xã hội còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp nên phụ huynh vẫn hướng con em vào giáo dục đại học sau khi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa thực hiện hiệu quả. Việc tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp, hút hết học sinh phổ thông, nên còn rất ít học trò cho hệ trung cấp tuyển sinh.

Theo ông Nguyễn Phan Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo, cần quy hoạch lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, không dàn trải như hiện nay, rất lãng phí. Nhà nước chỉ nên đầu tư vào các nghề trọng điểm, còn các nghề khác, tư nhân có thể làm được thì không cần đầu tư. Cơ quan quản lý có thể sáp nhập các trường công để xây dựng thành một nhóm trường công thật sự chuẩn mực, điển hình, uy tín, đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. TPHCM nên có 3 - 5 trường mạnh như vậy. Bên cạnh đó, Sở LĐTB-XH TPHCM nên tổ chức các buổi tiếp xúc, cần làm thường xuyên như một chiến lược, nhằm kết nối trường nghề ở từng lĩnh vực với doanh nghiệp. 

Để tuyển sinh đạt chỉ tiêu, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, yêu cầu Phòng Giáo dục nghề nghiệp gắn kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tháo gỡ các khó khăn. Cùng với tuyển sinh, trong tháng 11-2017, sở phối hợp với các trường thống kê tình hình có việc làm của học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp. Ông Lê Minh Tấn cũng yêu cầu các trường nghề quan tâm đầu tư đội ngũ giáo viên dạy nghề, đặc biệt là về tiếng Anh và kỹ năng nghề, để đào tạo đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Học trung cấp vẫn có giá

Thị trường lao động TPHCM mỗi năm cần khoảng 300.000 lao động. Tốc độ tăng trưởng việc làm là 4%/năm, đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng lao động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học là 12%, cao đẳng 13%, trung cấp 35% và sơ cấp, phổ thông là 40%. Điều đó có nghĩa: nhu cầu của xã hội vẫn đang chiếm phần lớn về lao động có trình độ trung cấp, khác hẳn với tâm lý của phụ huynh học sinh thường “sính” đại học. Chúng tôi làm khảo sát và thấy, cứ 1.000 học sinh phổ thông thì có 860 em chọn học đại học; 34 em chọn cao đẳng và chỉ có 6 em chọn học trung cấp, không ai chọn học sơ cấp. Tỷ lệ người chọn học trung cấp chỉ chiếm 0,6%. 

Về tình trạng thất nghiệp, cứ 10 người thất nghiệp thì 6 người có trình độ đại học, 2 người trình độ cao đẳng, 1 người trung cấp và 1 người sơ cấp. Tức là, người học trung cấp vẫn thất nghiệp ít nhất. 

Thị trường lao động việc làm có khoảng 300 nhóm ngành nghề (tính chi tiết khoảng 1.000 ngành nghề). Trong bối cảnh hội nhập, nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Nhìn ở nhiều khía cạnh nào, trình độ trung cấp vẫn có lợi thế, đang thắng thế ở nhiều nhóm ngành nghề. Cụ thể, ở nhóm ngành khoa học tự nhiên như xây dựng, cầu cống, cơ khí, các doanh nghiệp cần rất nhiều lao động trình độ trung cấp song lại không có. Trong sư phạm, trung cấp cũng đang thắng thế ở sư phạm mầm non, song các trường vẫn đào tạo chưa đủ cung cấp đội ngũ giáo viên mầm non theo yêu cầu xã hội. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là du lịch, tiếp tân, nhà hàng - khách sạn, trung cấp cũng vẫn thắng thế, doanh nghiệp đang thiếu lao động được đào tạo ở trình độ này. 
Hiện nay, phụ huynh, học sinh đang hiểu sai về trung cấp, trong khi điều quan trọng nhất đối với phụ huynh và học sinh là học xong có việc làm, và trung cấp giải quyết được chuyện này. 

Nhu cầu của xã hội đang rất lớn và các trường trung cấp vẫn còn nhiều khả năng, tiềm lực phát triển; người học trung cấp chắc chắn cơ hội có việc làm cao. 

Ông TRẦN ANH TUẤN
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM

ĐƯỜNG LOAN

Nguồn: sggp.org.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024874665

TRUY CẬP HÔM NAY: 602

ĐANG ONLINE: 14