Cần xây dựng được giá trị hành nghề


Đó là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Tỉnh đoàn Tây Ninh tổ chức cuối tuần qua tại 3 trường THPT Nguyễn Thái Bình, THPT Nguyễn Đình Chiểu và THPT Dương Minh Châu.

 

Ông Trần Anh Tuấn trao đổi thông tin với các em học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình

 

Chương trình còn có sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).

 

Tây Ninh: Cần 30.000 lao động/năm

 

Trao đổi với các em học sinh, ông Trần Anh Tuấn cho biết đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo theo định hướng phát triển của tỉnh Tây Ninh đạt 60% với nhu cầu việc làm bình quân 30.000 lao động/năm. 8 ngành công nghiệp phát triển của tỉnh là khai thác và chế biến khoáng sản; chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến gỗ, giấy; sản xuất vật liệu xây dựng; hóa chất, dược phẩm; dệt may, giày da; cơ khí, gia công kim loại; sản xuất và phân phối điện nước… Theo đó, những nhóm ngành thu hút đông lao động tại địa phương gồm cơ khí, cơ điện tử, cơ khí nông - lâm nghiệp, công nghệ gốm sứ - mộc mỹ nghệ, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, công nghệ chế biến thực phẩm…

 

Ông Tuấn lưu ý: “Các em học ngành gì, trường nào không quan trọng mà quan trọng là xây dựng được giá trị hành nghề. Bằng cấp không quyết định sự thành công nhưng cũng đừng xem thường, không chú trọng từ chương mà phải nâng cao năng lực, tính kỷ luật…”.

 

Em Trần Nguyễn Nhật Linh (học lớp 12C2 Trường THPT Nguyễn Thái Bình) chia sẻ ước mơ trở thành kỹ sư sinh học nhưng em vẫn còn lo lắng về cơ hội việc làm tại địa phương và các tỉnh/thành lân cận trong vài năm tới. Giải tỏa băn khoăn của Nhật Linh, ông Trần Hữu Xuân Thu (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định: Công nghệ sinh học là ngành đang hút nhu cầu nhân lực, đặc biệt là chuyên ngành cấy ghép, bóc tách mô… Tốt nghiệp ngành này có thể đi theo hướng nghiên cứu ở các cấp độ, làm việc ở phòng thí nghiệm, trở thành chuyên viên tư vấn, vận hành thiết bị kỹ thuật ở các trường ĐH, viện nghiên cứu ứng dụng…

 

Muốn khởi nghiệp cần nhiều yếu tố

 

Một học sinh nữ Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

 

Em Trần Xuân Yến (học lớp 12C2 Trường THPT Nguyễn Thái Bình) cho biết em quan tâm đến ngành mới là quản trị khởi nghiệp, nhưng còn lo lắng “vì đây là ngành mới nên chưa hiểu nhu cầu việc làm ra sao?”. Ông Đoàn Thanh Phong (Trưởng bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho biết quản trị khởi nghiệp là một chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh. Tốt nghiệp chuyên ngành này có thể giữ vị trí điều hành và quản lý doanh nghiệp, giảng dạy… Trong khi đó, muốn khởi nghiệp thì cần có ý tưởng, dự án, kinh phí, từ đó mới định hình kiến thức thực tế để khởi nghiệp.

 

Tương tự, em Nguyễn Thị Vy (học lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu) cũng đề cập đến chuyên ngành quản trị khởi nghiệp và làm thế nào để khởi nghiệp thành công. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng khởi nghiệp là một xu hướng việc làm tích cực dành cho những con người năng động. Tuy nhiên, khởi nghiệp khác với tự tạo việc làm. Muốn khởi nghiệp cần kết hợp ý tưởng, công nghệ thông tin…, do đó, học quản trị khởi nghiệp chưa hẳn đã khởi nghiệp được.

 

 

Chương trình thiết thực, bổ ích cho học sinh

 

Bà Lý Thị Minh Kiều (Phó Bí thư huyện Đoàn Dương Minh Châu) cho biết huyện Dương Minh Châu có 3 trường THPT và 1 trung tâm GDTX. Xuất phát từ nhu cầu thông tin về các ngành nghề, nhiều năm nay huyện Đoàn đã phối hợp với các trường ĐH-CĐ tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh. Ngoài ra, các trường THPT cũng tự tổ chức đưa học sinh về trường ĐH-CĐ để tham quan, tìm hiểu. Qua đó, nhận thức của học sinh và gia đình về các ngành nghề chuyển biến tích cực. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức rất thiết thực trong thời điểm này, cung cấp cho các em học sinh nhiều thông tin bổ ích trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, với cơ cấu ngành nghề ở địa phương.

 

Tạo cơ hội cho học sinh vào đời với nghề phù hợp

 

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Rãnh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình) khi nói về chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại trường. Bà Rãnh chia sẻ: “Học sinh của trường có học lực đồng đều, là một trong những trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và đậu vào ĐH-CĐ cao của tỉnh. Đa phần học sinh trong trường là con em nông dân địa phương, số ít là con của công nhân tạm trú trên địa bàn, cuộc sống bấp bênh. Hướng nghiệp là hoạt động thiết thực cung cấp kiến thức tổng quan về ngành nghề, tạo cơ hội để các em vào đời với nghề phù hợp và tiến xa hơn nữa”.

 

 

Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, nhiều học sinh thể hiện sự quan tâm đến du học Nhật Bản nhưng còn băn khoăn về kinh phí. Bà Nguyễn Hồng Thư (Giám đốc Trung tâm Nhật ngữ và Du học Redbook) cho biết: “Nếu các em không có điều kiện kinh phí thì có thể du học bằng cách “săn” học bổng hoặc du học nợ học phí. Theo đó, học phí đóng 2 lần/năm: Trường TC 120-160 triệu đồng/năm, trường ĐH 128 triệu đồng/năm. Trong thời gian du học, các em có thể làm thêm với thu nhập từ 20-24 triệu đồng/tháng và làm chính thức sau tốt nghiệp từ 40-80 triệu đồng/tháng”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh Tiến (đại diện Tổ chức Giáo dục BGG) khẳng định: “Các em có thể du học các ngành dược, quản trị nhà hàng khách sạn… tại Đài Loan với thời gian ngắn 12 tháng để lấy bằng cử nhân giá trị quốc tế. Theo đó, khi nào các em có visa mới đóng học phí cho trường”.

 

Theo ông Tiến, điều kiện du học ngành dược ở Đài Loan là điểm trung bình lớp 12 đạt 6,5 điểm, tuy nhiên còn xét theo số lượng hồ sơ đăng ký để lấy từ trên xuống…

 

T.Tri

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024925900

TRUY CẬP HÔM NAY: 6080

ĐANG ONLINE: 38