Dân số vàng và cơ cấu lạc hậu


Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không phải là câu chuyện chỉ làm trong ngày một, ngày hai mà cần có một chiến lược lâu dài và được thực hiện bền bỉ, liên tục. 

 

Việt Nam vẫn nằm trong giai đoạn có dân số vàng nên không thiếu lao động xét về số lượng nhưng vẫn quá thiếu lao động chất lượng. Và cơ cấu dân số vàng sẽ qua đi rất nhanh. 

 

Năng suất tăng 6%/năm - chỉ tiêu không dễ đạt

 

"Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến năng suất lao động (NSLĐ) của một quốc gia. Tại Việt Nam, ai cũng nhận ra điều này nhưng cần làm gì và làm như thế nào để thay đổi thực trạng chất lượng nguồn nhân lực lại không dễ trả lời". Đây là lời nhận xét của GS. John FitzGerald (Khoa Kinh tế, Đại học Trinity Dublin, Ai Len) đưa ra trong một Hội thảo về "Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam" được tổ chức mới đây.

 

Kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2020 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7%, việc làm tăng bình quân 0,7 triệu người tương đương 1,3%/năm. Như vậy, dự kiến NSLĐ cần tăng bình quân ở mức 6%/năm. Đây là điều không dễ đạt được bởi nhìn lại giai đoạn 2006-2016, NSLĐ quốc gia tăng khá thấp, chỉ đạt trung bình 4%/năm dù đã có sự cải thiện tích cực trong những năm cuối của giai đoạn này. Muốn nâng cao NSLĐ phải cải thiện chất lượng và hiệu quả phân bổ nguồn nhân lực.

 

 

TS. Gyorgy Sziraczki, nguyên Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam từng nhận định, Việt Nam có nguồn lao động trẻ và dồi dào, mở ra nhiều cơ hội nhưng trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động lại cản trở Việt Nam nắm bắt những cơ hội không dễ có được. Mười năm qua, cơ cấu lao động đã có những thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn thiếu hụt đáng kể đội ngũ lao động bậc trung và bậc cao – đội ngũ cần thiết cho mô hình của một nước công nghiệp có thu nhập trung bình mà Việt Nam đã bắt đầu chạm tới.

 

Với mô hình nước công nghiệp có thu nhập trung bình thì 30-40% lực lượng lao động phải là lao động bậc trung nhưng đến năm 2016 mới có 8,5%. Như vậy cơ cấu nguồn nhân lực của Việt Nam rất lạc hậu so với chất lượng lao động của các nước trong khu vực như Thái Lan (công nghiệp giai đoạn giữa) hay Malaysia và Singapore (công nghiệp giai đoạn cuối).

 

Ngay cả với những lao động được xếp vào lao động có chuyên môn kỹ thuật cao (tốt nghiệp cao đẳng trở lên) nhưng chất lượng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường vì thế tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm này vẫn ở mức cao trong khi nơi cần người vẫn không tìm đủ số nhân lực cần tuyển.

 

Xóa dần sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ

 

PGS.TS. Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH, cho rằng đến năm 2030, cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2020, cần tập trung vào chiều rộng, tức là vẫn phải dựa vào các ngành sử dụng nhiều lao động, hướng về xuất khẩu, phát huy được các lợi thế so sánh và tiềm năng của lực lượng lao động nhưng dần xóa bỏ sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ, kỹ năng thấp. Giai đoạn sau (2021-2030), phát triển nguồn nhân lực cần tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các ngành công nghiệp, dịch vụ yêu cầu công nghệ và kỹ năng cao nhằm đạt mức NSLĐ trung bình trong khu vực.

 

Bà Hương lưu ý, để cho cung cầu của thị trường lao động gặp nhau cần dỡ bỏ đi những rào cản còn tồn tại hiện nay. Các chính sách như về an sinh xã hội cần linh hoạt, đảm bảo và hỗ trợ cho lao động phải di chuyển tự do (loại bỏ các rào cản về thể chế, hộ khẩu, sự liên thông các dịch vụ xã hội cơ bản như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…).

 

Còn GS.TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại lưu ý đến vai trò của nhà nước tác động rất lớn đến NSLĐ. Trong đó thể chế là yếu tố quyết định. "Thể chế được thể hiện ở rất nhiều góc độ, trong đó hai yếu tố ảnh hưởng xuyên suốt đối với NSLĐ, chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ là cạnh tranh và sở hữu trí tuệ. Chừng nào chúng ta chưa làm tốt được các vấn đề này thì sẽ không phát triển được nguồn nhân lực chất lượng tốt và không có được đổi mới sáng tạo", TS. Tuệ Anh nhấn mạnh.

 

Các chuyên gia cũng cho rằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không phải là câu chuyện chỉ làm trong ngày một, ngày hai mà cần có một chiến lược lâu dài và được thực hiện bền bỉ, liên tục. Trước hết cần nắm bắt kịp thời và dự báo sát đúng nhất về các yêu cầu của thị trường lao động trong ngắn hạn cũng như trong trung, dài hạn gắn với xu hướng và đòi hỏi của CMCN 4.0 cũng như các hiệp định song phương và đa phương liên quan đến kinh tế nói chung, lao động nói riêng. Từ đó có những điều chỉnh hoặc xây dựng các chương trình và kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng NSLĐ.

 

Một lưu ý là cơ cấu dân số vàng của Việt Nam đang qua đi rất nhanh, hàm nghĩa số lượng người trong độ tuổi lao động sẽ ngày càng giảm xuống. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực lại là yếu tố tồn tại lâu dài và ở rất nhiều góc độ có thể nói là vô hạn. Khi kiến thức, kỹ năng và thái độ giúp năng suất của mỗi người lao động được nâng lên bằng 5, bằng 10 lần hiện nay, cùng với đó là việc tận dụng tốt sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng về một bến bờ tươi sáng hơn, đứng ở những nấc phát triển cao hơn.

 

Theo thoibaonganhang.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024912014

TRUY CẬP HÔM NAY: 5919

ĐANG ONLINE: 55