Việt Nam cần làm gì khi năng suất lao động thấp, “thụt lùi“ so với khu vực?


BizLIVE - Nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động cho Việt Nam vừa được đưa ra tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF).

 

Ảnh minh họa.

 

Hạn chế kiểm soát nhập khẩu
 
Trong bài tham luận tại VDF, TS. Rajah Rasiah, Giáo sư về Phát triển quốc tế, Đại học Malaya, Cố vấn cao cấp, UN/UNDP tại Việt Nam cho biết tốc độ tăng trưởng toàn cầu đã chững và Việt Nam cũng gặp phải các vấn đề về tăng trưởng năng suất thấp.
 
Để khắc phục tình trạng suy giảm năng suất lao động, ông Rajah Rasiah cho rằng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của ngay các nước trong khu vực, đặc biệt là từ các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trên thế giới.
 
Vị chuyên gia cho biết, GDP/đầu người của Hàn Quốc đã tăng gấp 27 lần từ 1960-2016. GDP/đầu người Singapore tăng gấp 15,5 lần trong cùng thời kỳ. Trong khi đó, GDP/đầu người của Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Phillipine tăng tương ứng 10,3, 7,8, 5,8 và 2,6 lần. 
 
"Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cho thấy, sáng tạo là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng, và các nền kinh tế này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tích lũy vốn, phát triển nguồn nhân lực con người, định hướng xuất khẩu", vị này nói.
 
 

Vị giáo sư này cho rằng với mức độ hội nhập thương mại cao của mình, Việt Nam nên hạn chế sử dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu và các hình thức hạn chế thương mại khác.

 

Thay vào đó, Việt Nam cần thực hiện các chiến lược nhằm liên kết các công ty trong nước với các công ty FDI và các chuỗi giá trị toàn cầu. Cần có chính sách đặc biệt quan tâm đến nỗ lực nâng cấp công nghiệp chế tạo và các dịch vụ dựa vào tri thức.
 
Ngoài ra theo giáo sư Rajah Rasiah, Việt Nam cần thành lập ủy ban tư vấn kỹ thuật bao gồm các chuyên gia công nghiệp, quan chức chính phủ và đại diện công ty của Việt Nam để xác định các doanh nghiệp của Việt Nam đang ở đâu so với các doanh nghiệp đang ở tuyến đầu công nghệ và các biện pháp hỗ trợ về mặt thể chế. 
 
"Ủy ban cần thường xuyên thẩm định các mục tiêu chính sách so với mục tiêu đuổi kịp và nhảy vọt về công nghệ trong các thị trường hiện có và thông qua liên kết các thị trường một cách sáng tạo (theo kiểu Chiến lược đại dương xanh)", giáo sư Rasiah khuyến nghị.
 
Chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện
 
Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno, người gắn bó với các chính sách phát triển công nghiệp ở Việt Nam hơn 20 năm nay, cho rằng tăng trưởng trong quá khứ của Việt Nam dựa trên số lượng (với đầu vào là vốn và lao động), không phải do chất.
 
"So với các nền kinh tế tăng trưởng tốt tại Đông Á, chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện cả về tư duy và năng lực. Việt Nam cần phải khắc phục nhược điểm này để có thể đạt được tăng trưởng mạnh mẽ", Giáo sư Nhật Bản nói.
 
Cũng theo ông Kenichi Ohno, từ năm 1995, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu chính sách công nghiệp và phương pháp luận (yếu tố mềm) trên nhiều khía cạnh nhưng kết quả thu được rất hạn chế.
 
Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện một loạt các dự án nhằm tăng năng suất. Nhật Bản sẵn sàng tiếp tục hợp tác, ông Kenichi Ohno nhấn mạnh.
 
Theo vị này, một nước phát triển sau có thể vươn đến thu nhập trung bình thông qua tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập, nhưng chỉ trông chờ vào thị trường thì không thể đưa đất nước đến mức thu nhập cao hơn.
 
"Vì vậy, chính phủ khôn ngoan cần xây dựng lực lượng lao động,các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp cạnh tranh trong mối quan hệ đối tác công tư hiệu quả", giáo sư Kenichi Ohno nói và cho rằng chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện để qua đó chính phủ có thể hỗ trợ khu vực tư nhân một cách hiệu quả.
 
"Phát triển kinh tế phải được dẫn dắt bởi con người và doanh nghiệp. Tầm nhìn và mục tiêu đúng đắn, chia xẻ thông tin, các ưu đãi và môi trường đầu tư là những điều kiện cần thiết để đưa Việt Nam chuyển từ lắp ráp giản đơn lên tạo ra giá trị", vị giáo sư người Nhật nhận xét.
 
 
Năng suất lao động của Việt Nam thua kém cả Lào
 
TS. Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 92,1 triệu đồng/lao động (tương đương 4.118 USD/lao động).
 
Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 5,9% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. 
 
Theo nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, dù có cải thiện nhưng năng suất lao động Việt Nam vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.
 
"Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Phillipine và bằng 87,4% của Lào", ông Lâm nói.
 
Đáng chú ý theo ông Nguyễn Bích Lâm, chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng .
 

 

N.MẠNH

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878982

TRUY CẬP HÔM NAY: 1221

ĐANG ONLINE: 8