THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2017 DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2018 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Số: 424/BC-TTDBNL Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 12 năm 2017

 

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2017
DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2018
TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


Năm 2017, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh thường xuyên khảo sát, cập nhật cung – cầu lao động thành phố tại 21 sàn giao dịch, ngày hội việc làm; 130 đợt hướng nghiệp tại các Trường trung học phổ thông; và cập nhật nhu cầu tìm việc, tuyển dụng tại các Trung tâm dịch vụ việc làm, các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp; các kênh thông tin tuyển lao động của doanh nghiệp.


Trung tâm thực hiện khảo sát 29.482 doanh nghiệp với 276.146 lượt tuyển dụng và 355.080 lượt người có nhu cầu học nghề, tìm việc làm. Đồng thời, trung tâm thực hiện khảo sát nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2017 và giai đoạn 2018-2020 đến 2025 tại 9.000 doanh nghiệp. Tổng hợp từ kết quả khảo sát, phân tích thị trường lao động thành phố năm 2017 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2018 tại thành phố như sau:


PHẦN I
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ NĂM 2017


I. Thực trạng thị trường lao động thành phố năm 2017


Theo số liệu của Sở Kế hoạch đầu tư thành phố, năm 2017, nền kinh tế thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng và có sự tác động tích cực đến thị trường lao động. Môi trường đầu tư được cải thiện, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp được quan tâm và thúc đẩy tạo ra sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Các doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng lao động qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hướng đến cách mạng 4.0, chất lượng lao động càng được chú trọng. Từ đầu năm đến ngày 15/11/2017, đã có 37.040 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đạt 495.660 tỷ đồng, tăng 14% về số giấy phép và tăng 90,8% về vốn so với cùng kỳ năm trước.


   1. Thực trạng nguồn Cung (Nhu cầu học nghề và tìm việc làm)


   1.1. Quy mô lực lượng lao động:


   Theo Niên giám Cục Thống kê thành phố năm 2016, ước tính dân số trung bình của thành phố năm 2017 là 8.561.608 người, trong đó: Phân theo giới tính tỷ lệ nam chiếm 47,15%;  nữ chiếm 52,85%; dân số khu vực thành thị chiếm 82,46%, khu vực nông thôn chiếm 17,54%.


   Dân số trong độ tuổi lao động là 6.207.115 người; lực lượng lao động thành phố có 4.513.193 người (chiếm 52,71% tổng dân số), trong đó tỷ lệ nữ chiếm 48,15%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thành phố năm 2017 ước tính khoảng 72,71%.


Bảng 1: Các chỉ tiêu về lao động tại Tp. Hồ Chí Minh năm 2016 - 2017

Chỉ tiêu

Năm 2016

Năm 2017

Dân số (người)

8.441.902

8.561.608

Trong đó: Nữ (người)                  

4.400.261

4.524.435

Dân số trong độ tuổi lao động (người)

5.965.753

6.207.115

Lực lượng lao động (người)

4.335.659

4.513.193

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (%)

72,68

72,71

Tổng số lao động có việc làm (người)

4.223.996

4.295.163

Nguồn: Niên giám Cục Thống Kê TP. HCM năm 2016 và tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM


   1.2. Nhu cầu chọn nghề và cấp bậc học


   Theo khảo sát năm 2017 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM với 38.139 học sinh về nhu cầu chọn nghề cho thấy, học sinh có xu hướng chọn những ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế thành phố và khu vực. Nhu cầu chọn nghề các nhóm ngành như sau:


   - Nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ: Chiếm 30,48% tập trung chủ yếu ở các ngành: Cơ khí – Tự động hóa; Điện tử - Cơ điện tử; Công nghệ thông tin; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng.


   - Nhóm ngành Kinh doanh dịch vụ: Chiếm 19,21% tập trung chủ yếu ở các ngành: Marketing – Quan hệ công chúng, Y dược – chăm sóc sức khỏe, Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – khách sạn, Biên phiên dịch, Truyền thông – Quảng cáo – Thiết kế đồ họa.


   - Nhóm ngành Khoa học xã hội: Chiếm 15,87% tập trung chủ yếu ở các ngành: Giáo dục – Đào tạo; Luật – pháp lý; Xã hội học – Tâm lý học – Nhân văn; Công tác Đảng – Đoàn thể.


   - Nhóm ngành Hành chính quản lý: Chiếm 10,23% tập trung chủ yếu ở các ngành: Quản trị văn phòng, Quản trị nhân lực, Quản lý nhà nước.


   - Nhóm ngành Kinh tế - Tài chính: Chiếm 20,46% tập trung chủ yếu ở các ngành: Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán


Biểu đồ 5: Nhu cầu chọn nghề theo nhóm ngành năm 2017

Đơn vị tính: %

 

   Nhu cầu chọn nghề theo trình độ đào tạo của học sinh năm 2017 vẫn tập trung chủ yếu ở trình độ Đại học chiếm 80,90% (tỷ lệ nữ 53,4%), Cao đẳng chiếm 12,80% (tỷ lệ nữ 54,1%), Trung cấp chiếm 5,43% (tỷ lệ nữ 52,8%). Ngoài ra một lượng học sinh có nguyện vọng du học chiếm 0,87%.


Biểu đồ 6: Nhu cầu chọn nghề theo trình độ đào tạo.

Đơn vị tính: %

 

   1.3. Nhu cầu về việc làm


   Nhu cầu về việc làm của sinh viên, người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trên 70% trong tổng số người tìm việc thường xuyên.


   Một số nhóm ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao như: Kế toán – Kiểm toán (16,25%), Kinh doanh – Bán hàng (11,17%), Hành chính văn phòng (9,75%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (7,13%), Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (5,43%), Công nghệ thông tin (4,13%), Cơ khí – tự động hóa (3,99%), Nhân sự (3,51%),…


   Nhu cầu tìm việc của lực lượng lao động có kinh nghiệm năm 2017 là 80,44% tổng số người tìm việc, giảm 6,74% so với năm 2016.


   Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường lao động thành phố năm 2017 thể hiện giữa nhu cầu lao động chất lượng cao, lao động có trình độ chuyên môn cao và lực lượng lao động có trình độ Trên Đại học, Đại học, Cao đẳng còn thiếu kinh nghiệm – kỹ năng và ngoại ngữ.


Biểu đồ 1: Các ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao tại TP. Hồ Chí Minh năm 2017

   Về trình độ lao động tìm việc: Lao động tìm việc có trình độ Trên đại học - Đại học (56,05%), Cao đẳng (CN-CĐN) chiếm (19,80%), Trung cấp (CN-TCN) chiếm (9,35%) tập trung một số nhóm ngành như: Kế toán – Kiểm toán, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Quản lý điều hành, Hành chính văn phòng, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng…


   Nhu cầu tìm việc tăng đối với Sơ cấp nghề - CNKT- Lao động phổ thông chiếm (14,80%), chủ yếu các nhóm ngành như: Dịch vụ phục vụ, Dệt may – Giày da, Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Cơ khí,…


   2. Thực trạng nguồn Cầu  (Nhu cầu tuyển dụng nhân lực)


   2.1. Cơ cấu cầu lao động theo khu vực kinh tế:


Bảng 2: Cơ cấu cầu lao động theo khu vực kinh tế năm 2016 - 2017

Đơn vị tính: %

Khu vực kinh tế

Năm 2016

Năm 2017

Nông – Lâm – Ngư nghiệp

2,21

2,36

Công nghiệp – Xây dựng

32,84

33,01

Dịch vụ

64,95

64,63

Tổng cộng

100,00

100,00

Nguồn: Số liệu điều tra lao động việc làm của Tổng cục thống kê và tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM


   2.2. Cơ cấu cầu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật


   Theo số liệu Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê và tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong năm 2017 tỷ lệ lao động đang làm việc có trình độ Cao đẳng trở lên chiếm 26,19%, Trung cấp chiếm 5,81%, Công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 18,81%, Sơ cấp nghề chiếm 26,69%, Lao động chưa qua đào tạo chiếm 22,50%.


Bảng 3: Cơ cấu cầu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật năm 2016 -2017

Đơn vị tính: %

Trình độ

Năm 2016

Năm 2017*

Lao động chưa qua đào tạo

24,98

22,50

Sơ cấp nghề

26,09

26,69

Công nhân kỹ thuật lành nghề

18,43

18,81

Trung cấp (CN - TCN)

5,25

5,81

Cao đẳng (CN- CĐN)

4,80

5,38

Đại học trở lên

20,45

20,81

Tổng cộng

100,00

100,00

Nguồn: Số liệu điều tra lao động việc làm của Tổng cục thống kê và tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM


   2.3. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh:


   Nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2017 tập trung ở các nhóm ngành: Kinh doanh – Bán hàng (19,48%), Dịch vụ - Phục vụ (15,54%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (7,10%), Dệt may – Giày da (6,63%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (5,93%), Công nghệ thông tin (4,34%), Cơ khí – Tự động hóa (3,60%), Kế toán – Kiểm toán (3,63%), Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng (3,23%),…


Biểu đồ 3: 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao năm 2017

 

   a. Nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ: Lao động chưa qua đào tạo chiếm (32,09%): Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Dịch vụ phục vụ, Kinh doanh – Bán hàng, Dệt may – Giày da, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, …; ở các vị trí lao động mang tính chất thời vụ - bán thời gian: nhân viên phục vụ nhà hàng – phụ bếp, giao hàng nhanh, nhân viên đóng gói sản phẩm, giữ kho, bán hàng…


   + Sơ cấp nghề, CNKT lành nghề chiếm 22,65%: nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành như Cơ khí – Tự động hóa, Dệt may – Giày da, Dịch vụ phục vụ, Kinh doanh – Bán hàng, …


   + Trung cấp (CN-TCN) chiếm 18,03%: nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành như Kinh doanh – Bán hàng, Kinh doanh tài sản - Bất động sản, Cơ khí tự động hóa,  Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Công nghệ thông tin, …


   + Cao đẳng – Đại học – Trên Đại học chiếm 27,23% tuyển dụng nhiều ở các nhóm ngành như: Kế toán – Kiểm toán, Kinh doanh - Bán hàng, Công nghệ Thông tin, Cơ khí – Tự động hóa, Quản lý điều hành, Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng, Hành chính văn phòng, …


Biểu đồ 4: Nhu cầu tuyển dụng năm 2017 theo cơ cấu trình độ

 

   b. Về kinh nghiệm: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực không yêu cầu kinh nghiệm làm việc chiếm 52,06% chủ yếu ở các nhóm ngành Kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Dệt may – Giày da, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, nhân viên tư vấn khách hàng, nhân viên giao hàng siêu thị …


   Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc chiếm 47,94%, cụ thể như sau:


   + 02 năm đến 05 năm kinh nghiệm và trên 05 năm kinh nghiệm chiếm 9,52% tổng nhu cầu tuyển dụng, chủ yếu ở một số vị trí: Kinh doanh – Bán hàng, Kế toán – Kiểm toán, Giám sát công trình, Quản lý dự án, Giám đốc nghiên cứu và phát triển thị trường, Giám đốc điều hành, Cơ khí – Tự động hóa, Điện – Điện lạnh – Điện tử, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin,…


   + 01 năm kinh nghiệm chiếm 38,42% tổng nhu cầu tuyển dụng; các nhóm ngành: Nhân viên kinh doanh – bán hàng, nhân viên kế toán bán hàng, công nhân hàn, thợ đứng máy, công nghệ thông tin,…


   c. Về mức lương tuyển dụng: Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, mức lương tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố như sau:


   + Dưới 4 triệu chiếm tỷ lệ 0,82%; nhu cầu tuyển dụng tập trung ở nhóm lao động mang tính chất thời vụ - bán thời gian ở các vị trí như: nhân viên bán hàng, phục vụ bàn, phục vụ tiệc cưới, nhân viên tiếp thị sản phẩm (PG), nhân viên khảo sát thị trường sản phẩm mới, phát tờ rơi, nhập liệu, đóng gói sản phẩm, giao hàng nhanh (shipper), lễ tân…chủ yếu nhu cầu tuyển dụng mức lương này không yêu cầu người lao động có kinh nghiệm làm việc.


   + Từ 4 triệu – 6 triệu chiếm 21,43%; nhu cầu tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm ở các vị trí như: nhân viên buồng phòng, kế toán tổng hợp, thợ hồ, nhân viên lắp ráp linh kiện điện tử (Điện tử - Cơ điện tử), nhân viên bán hàng trực tuyến, nhân viên kinh doanh bất động sản, kỹ thuật viên công nghệ thông tin, nhân viên sơ chế thực phẩm, nhân viên bếp, nhân viên pha chế, bảo vệ, nhân viên chăm sóc khách hàng; nhu cầu tuyển dụng lao động yêu cầu ít nhất 1 năm kinh nghiệm – thạo nghề (sơ cấp – CNKT) ở các vị trí như; công nhân may – thợ in lụa, thợ làm bánh, thợ cắm hoa, thợ sơn…


   + Từ 6 triệu đến 10 triệu chiếm 65,02%; nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí yêu cầu có trình độ (Đại học – Cao Đẳng – Trung cấp) và ít nhất 1 năm kinh nghiệm như: nhân viên marketing, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên phát triển thị trường, kỹ sư điện lạnh – điện tử, lập trình viên, kế toán tổng hợp, Kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, nhân viên xuất nhập khẩu, thông dịch viên, kỹ sư M&E, Hành chính văn phòng, tài xế,…


   + Từ 10 triệu trở lên; chiếm 12,73% chủ yếu ở các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm từ 2 năm kinh nghiệm trở lên như: cơ khí, kỹ sư xây dựng – kiến trúc sư, phiên dịch viên (Anh, Hoa, Nhật, Hàn…), lập trình viên, bếp trưởng, nhân viên kinh doanh, lập dự án đầu tư, các vị trí quản lý nhân sự - tuyển dụng, quản lý điều hành, …


II. Nhận định chung về cung - cầu lao động


   Năm 2017, thị trường lao động tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt nhu cầu việc làm chất lượng cao. Tuy vậy một số nhóm ngành nghề tiếp tục biểu hiện rõ nét sự chưa tương xứng giữa cung – cầu như:


   1. Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu chiếm 7,01% tăng gấp 2,85 lần so với năm 2016.


   Nhu cầu tuyển dụng lao động thường xuyên tập trung ở một số vị trí như là: Nhân viên thu mua – xử lý đơn hàng, nhân viên điều phối – giao nhận hàng hóa, Giám sát – quản lý kho,..


   2. Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng: chiếm 3,23% tổng nhu cầu tuyển dụng. Tăng hơn 7,03 lần so với nhu cầu tuyển dụng cùng kỳ năm 2016.


   Nhu cầu tuyển dụng tăng ở hầu hết các trình độ: 1,47% nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề ở các vị trí như nhân viên tín dụng; 97,23% nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp – Cao đẳng – Đại học trở lên chủ yếu ở các vị trí như: chuyên viên khách hàng, nhân viên tư vấn tài chính, chuyên viên cao cấp trái phiếu, chuyên viên phân tích chứng khoán, trợ lý kinh doanh, nhân viên thu hồi nợ, nhân viên tư vấn xử lý nợ, giao dịch viên,…


   3. Cơ khí – Tự động hóa: chiếm 3,60% tổng nhu cầu tuyển dụng.


   Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp – Cao đẳng – Đại học – Trên đại học chiếm 47,79% nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí như như kỹ sư ứng dụng, kỹ sư bảo trì lắp đặt, nhân viên hàn, kỹ sư đứng máy CNC, kỹ sư thiết kế chế tạo lò hơi, nhân viên kỹ thuật cơ khí, giám sát kỹ thuật, kiểm định viên về chế tạo máy, nhân viên vận hành máy, nhân viên thiết kế, kỹ sư khuôn mẫu, công nhân cơ khí, nhân viên QC/QA,…; 19,18% nhu cầu tuyển dụng lao động là Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề ở các vị trí như: nhân viên sửa chữa máy, thợ tiện cơ, thợ đứng máy, thợ hàn, thợ cơ khí, nhân viên bảo trì, nhân viên sản xuất chạy máy cơ khí, thợ chế tạo máy,…


   4. Kinh doanh – Bán hàng: chiếm 19,48% tổng nhu cầu tuyển dụng được khảo sát; luôn là một trong những nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao.


   Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Cao đẳng – Đại học – Trên đại học chiếm 30,65%; trình độ Trung cấp – CNKT – Sơ cấp nghề chiếm 43,42%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 25,93%. Nhu cầu tuyển dụng gia tăng ở các vị trí tuyển dụng bán hàng kỹ thuật yêu cầu người ứng tuyển có kiến thức – kinh nghiệm sản phẩm kinh doanh tuyển dụng.


   5. Công nghệ thông tin: chiếm 4,34% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng được khảo sát năm 2017. Sự phát triển của các dự án khởi nghiệp từ công nghệ và do làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam tăng cao dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty trong nước và nước ngoài. Năm 2017, nhu cầu tuyển dụng tăng 20,53% so với tổng nhu cầu tuyển dụng khảo sát năm 2016.


   Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Đại học – Trên đại học chiếm 28,18%; 30,01% nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ Cao đẳng; Trung cấp chiếm 36,59% và Lao động phổ thông – Sơ cấp nghề - CNKT chiếm 5,22%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung đối với CNTT – Phần mềm ở các vị trí kỹ sư lập trình (Java, C#, PHP…), chuyên viên kiểm thử, kỹ sư hệ thống, hỗ trợ triển khai hệ thống, kỹ sư giải pháp…; đối với CNTT – Phần cứng tuyển dụng ở các vị trí kỹ sư giám sát hệ thống mạng, kỹ sư quản trị mạng, kỹ sư phần cứng,…    


PHẦN II
DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2018


   Năm 2018 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của cả nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X. Tập trung thực hiện có hiệu quả 07 Chương trình đột phá, thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển bền vững, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của cả nước nói chung và của Thành phố nói riêng.
Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động để nâng tỷ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao trong ngành dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tích cực; phát huy lợi thế của Thành phố, phát triển nhanh, hiệu quả một số ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ khác hỗ trợ kinh doanh.


   Thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên hạn chế về phát triển thị trường lao động thành phố vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung – cầu lao động về số lượng; đặc biệt chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Nghịch lý ở đây, TP. Hồ Chí Minh đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

I. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC - THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2018


   1. Căn cứ Chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2018 - 2020, căn cứ khảo sát nhu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp tại thành phố năm 2018 và ứng dụng các phương pháp phân tích dự báo nhu cầu nhân lực; năm 2018 dự kiến thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc tăng bình quân 5% so với năm 2017, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới tăng 4% so với năm 2017.


   Năm 2018, thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; chú trọng phát triển theo xu hướng lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn yêu cầu về chất lượng, trình độ lao động, có tay nghề, năng suất lao động đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động…


   Nhu cầu nhân lực tăng cao ở một số nhóm ngành như: Công nghệ thông tin tập trung tuyển dụng nhân sự ở các lĩnh vực: Phân tích dữ liệu (Big Data), Bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D.


   Sự phát triển mạnh mẽ thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị chơi game để tương tác với người dùng, kéo theo một xu hướng tuyển dụng nhân lực trong năm 2018 nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong chuyên ngành Digital marketing – sự kết hợp giữa kiến thức thương mại điện tử, công nghệ thông tin và marketing…;


   Thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh, thu hút nhiều nhân lực và xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp mới, nhu cầu nhân lực gia tăng ở các ngành vận tải, dịch vụ thu hộ; Các cơ chế, chính sách của Thành phố thu hút sự đầu tư của các công ty nước ngoài, nên rất cần nguồn lực biên phiên dịch chất lượng cao...


   Ngành Điện – Điện tử: thu hút nhân lực ở mảng thiết kế các thiết bị thu phát cao tần, các vi mạch và thiết bị bán dẫn.


   Nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 là 300.000 chỗ làm việc việc (Quý I: 72.000, Quý II: 80.000, Quý III: 78.000, Quý IV: 70.000) theo xu hướng như sau:


   - Quý I/2018: nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề Marketing, bán hàng, tiếp thị - trưng bày sản phẩm, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn (ở các vị trí lễ tân, điều hành tour, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ khu vui chơi – giải trí,…); Tiếp thị sản phẩm, Quảng cáo, Đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng, nghiên cứu thị trường, Người dẫn chương trình, Xây dựng, Sửa chữa điện, Cơ khí, Dịch vụ giúp việc nhà, Dịch vụ chăm sóc cây cảnh, Giao hàng nhanh, nhân viên bảo vệ,… sẽ tăng cao trong tháng 01/2018 và tháng 02/2018. Tháng 03/2018, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng cho các lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến như Dệt may – Giày da, Chế biến thực phẩm, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Nhựa – Bao bì, Mộc – Mỹ nghệ, Xây dựng,… Trong quý I/2018 nhu cầu khoảng 72.000 chỗ làm việc trống, trong đó 28% nhu cầu lao động phổ thông.


   - Quý II/2018 và Quý III/2018: Kinh tế thành phố ổn định sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển kinh tế theo những định hướng phát triển năm 2018, của thị trường lao động có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng so quý I/2018, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của Quý II/2018 khoảng 80.000 chỗ làm việc và quý III/2018 khoảng 78.000 chỗ làm việc trống. Tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như: Marketing - Kinh doanh – Bán hàng, Cơ khí, Kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin, Dệt may - Giày da, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Công nghệ ô tô – xe máy, Nông – lâm nghiệp – thủy sản, Quản lý nhân sự, Kế toán kiểm toán, Hóa – Hóa chất, Dịch vụ - Phục vụ, Điện – Điện tử - Điện lạnh – Điện công nghiêp, …


   - Quý IV/2018: các doanh nghiệp tuyển dụng lao động chú trọng lao động có trình độ, tay nghề chiếm khoảng 70.000 chỗ làm việc trống, trong đó lao động phổ thông chiếm 27%. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Dệt may - Giày da, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Dịch vụ - Phục vụ, Bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng,…


   Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội của thành phố. Sự dịch chuyển lao động của các tỉnh khác vào thành phố sẽ tăng cao về số lượng lẫn chất lượng góp phần làm cho thị trường lao động TP.HCM sôi động và mang tính cạnh tranh cao. Cơ hội việc làm tại TP.HCM năm 2018 sẽ rộng mở đối với lao động có chuyên môn, tay nghề cao, trang bị thêm kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động, năng lực ứng dụng tin học và ngoại ngữ.


   2. Nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn


Xu hướng nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn năm 2018

STT

Trình Độ

Cơ cấu nhu cầu (%)

1

Lao động chưa qua đào tạo

24,68

2

Sơ cấp nghề

8,15

3

Công nhân kỹ thuật lành nghề

11,85

4

Trung cấp (CN-TCN)

20,17

5

Cao đẳng (CN-CĐN)

15,66

6

Đại học

18,71

7

Trên đại học

0,78

 
Nguồn: Tính toán của Trung tâm DBNCNL&TTTTLĐ TP.HCM

   4. Nhu cầu nhân lực 04 ngành công nghiệp trọng yếu và 09 nhóm ngành kinh tế dịch vụ thuộc 08 nhóm ngành dịch chuyển ASEAN

Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn TPHCM năm 2018
 

STT

Ngành nghề

Tỉ lệ  (%)

1

Cơ khí

4,05

2

Điện tử - Công nghệ thông tin

6,56

3

Chế biến lương thực thực phẩm

32,68

4

Hóa chất – Nhựa cao su

1,40

Nguồn: Tính toán của Trung tâm DBNCNL&TTTTLĐ TP.HCM


Nhu cầu nhân lực 9 ngành kinh tế dịch vụ trên địa bàn TPHCM năm 2018

STT

Ngành nghề

Tỉ lệ (%)

1

Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm

4,01

2

Giáo dục – Đào tạo

1,14

3

Du lịch

7,29

4

Y tế

2,73

5

Kinh doanh tài sản – Bất động sản

3,68

6

Dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai

3,52

7

Thương mại

23,54

8

Dịch vụ vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng

15,02

9

Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin

3,25

Nguồn: Tính toán của Trung tâm DBNCNL&TTTTLĐ TP.HCM


Nhu cầu nhân lực các ngành nghề khác thu hút nhiều lao động trên địa bàn TPHCM năm 2018

STT

Ngành nghề

Tỉ lệ
(%)

1

Truyền thông - Quảng cáo - Marketing

2,74

2

Dịch vụ phục vụ

14,72

3

Dệt may - Giày da - Thủ công mỹ nghệ

5,88

4

Quản lý - Hành chính - Nhân sự

3,51

5

Kiến trúc - Xây dựng - Môi trường

1,14

6

Công nghệ - Nông lâm

1,38

7

Khoa học - Xã hội - Nhân văn

1,33

8

Ngành nghề khác

1,76

Nguồn: Tính toán của Trung tâm DBNCNL&TTTTLĐ TP.HCM

PHẦN III
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.

2. Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của học sinh người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp.

3. Nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức phối hợp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm tại chỗ và hội nhập.

4. Hoàn thiện phát triển hoạt động hướng nghiệp, đưa các chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp vào các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở. Xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp – việc làm thành phố kết nối các tỉnh, thành, khu vực và quốc gia. Điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động về xu hướng việc làm và học nghề. Hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn và dài hạn.

5. Tăng cường quản lý nhà nước về cung – cầu lao động, xây dựng kho dữ liệu thị trường lao động thành phố; thực hiện cập nhật cung – cầu lao động, biến động lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động thất nghiệp theo định kỳ./.
 
Nơi nhận:  
- Đ/c Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở;
- Phòng Việc làm – An toàn Lao động;
- Phòng Giáo dục Nghề nghiệp;
- Phòng Lao động - Tiền lương – Bảo hiểm Xã hội;
- Văn phòng Sở;
- Phòng Văn hóa – Xã hội – UBND TP.HCM;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu./.

GIÁM ĐỐC

 




Trần Thị Anh Đào

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024708312

TRUY CẬP HÔM NAY: 12988

ĐANG ONLINE: 94