Có hạn chế được thất nghiệp?


Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB - XH) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã trình Chính phủ đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được kỳ vọng là cú hích góp phần điều tiết cung - cầu cho thị trường lao động thông qua việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường.

 

Cử nhân thất nghiệp còn hơn học nghề

 

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề,  Bộ LĐ, TB - XH đã ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác trong tổ chức chương trình đào tạo nghề áp dụng cho các trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo. Theo quy định, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo, trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo.

 

 

 

 

 

Theo thống kê của Bộ LĐ, TB - XH, cả nước hiện có khoảng 24 triệu thanh niên (chiếm khoảng 44% lực lượng lao động). Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm này lại cao gấp 3 lần mức chung của cả nước. Thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 tuổi chiếm 51,3% tổng số thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cả nước là 7,67% và đặc biệt cao ở khu vực thành thị với mức 11,95%, tức là, cứ 100 thanh niên trong lực lượng lao động thì có 12 người thất nghiệp. Đáng chú ý, khảo sát của Bản tin cập nhật thị trường lao động quý II.2017 cho thấy, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 183.100 người, tăng 44.200 người so với quý I.2017. Đồng thời, số thanh niên thất nghiệp tăng 26.600 người, lên 575.100 người.

 

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết, thị trường lao động TP Hồ Chí Minh mỗi năm cần khoảng 300.000 lao động. Tốc độ tăng trưởng việc làm là 4%/năm, đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng lao động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học là 12%, cao đẳng 13%, trung cấp 35% và sơ cấp, phổ thông là 40%. “Điều này cho thấy, nhu cầu của xã hội vẫn đang chiếm phần lớn về lao động có trình độ trung cấp. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, cứ 1.000 học sinh phổ thông thì có 860 em chọn học đại học, 34 em chọn cao đẳng và chỉ có 6 em chọn học trung cấp, không ai chọn học sơ cấp. Tỷ lệ người chọn học trung cấp chỉ chiếm 0,6%” .

 

Về nguyên nhân của thực trạng trên, tại buổi đối thoại mới đây về vấn đề thanh niên khởi nghiệp, ý kiến nhiều đại biểu chỉ ra rằng, do công tác định hướng nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả dẫn đến nhiều học sinh chọn nhầm trường, nhầm nghề, thất nghiệp. Ở cấp độ vĩ mô, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh thiếu thông tin dự báo về nhu cầu nhân lực các ngành nghề. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả vẫn mang nặng tính dạy nghề truyền thống, thầy đọc, trò chép, hệ quả là tỷ lệ học nghề xong không có việc làm ổn định vẫn ở mức cao. Đây chính là nguyên nhân khiến người học có tâm lý “thà là cử nhân thất nghiệp hơn đi học nghề”. Cũng theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, hiện cả nước có 1.974 trường cao đẳng, trung cấp nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về số lượng, đây là con số không nhỏ thế nhưng chất lượng lại tỷ lệ nghịch với số lượng. Bằng chứng là đến nay chất lượng nguồn nhân lực vẫn thấp, tỷ lệ người học nghề xong có việc làm ổn định không nhiều. Đáng nói, câu chuyện học viên, sinh viên tốt nghiệp ra trường, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại khá phổ biến.

 

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đang là thách thức lớn

 

Khởi nghiệp phải thực chất

 

Nhằm giải quyết căn bản bài toán cử nhân thất nghiệp do thiếu định hướng nghề nghiệp, Bộ LĐ, TB - XH và Bộ GD - ĐT đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; tạo môi trường thúc đẩy ý tưởng các dự án khởi nghiệp. Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2020, 100% các trường cao đẳng, đại học, trung cấp phải có kế hoạch hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; 90% các trường sẽ có kế hoạch cụ thể đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; 70% các trường đại học và 50% các trường trung cấp phát triển và hiện thực hóa 2 dự án khởi nghiệp.

 

Cũng theo ông Dũng, hiện nay Bộ LĐ, TB - XH đang xây dựng Đề án đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 nhóm giải pháp như tập trung nâng cao số lượng người học nghề; học nghề ra phải có việc làm; việc làm nhất thiết phải có thu nhập tương xứng; chương trình đào tạo phải được liên thông. Đặc biệt, sắp tới ngoài đào tạo chuyên môn cho người học, các trường dạy nghề từ trung cấp đến đại học sẽ đào tạo kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng khởi nghiệp.

 

Dù mới được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt, dự kiến triển khai trong tháng 12 nhưng Đề án được đánh giá sẽ tạo động lực cho học sinh, sinh viên trong nỗ lực tìm hiểu, tham gia các hoạt động khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Từ đó góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, để triển khai Đề án hiệu quả nhiều chuyên gia cho rằng, các chương trình khởi nghiệp cần phải thực chất và phù hợp với nhu cầu của từng trường, địa phương. Vì đặc thù ở mỗi trường, mỗi địa phương khác nhau nên chương trình khởi nghiệp cũng phải đa dạng, tránh tình trạng thực hiện theo một mô tuýp chung. Các chương trình khởi nghiệp phải có sự liên kết, tham gia của các doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, hiện có không ít chương trình khởi nghiệp được các trường triển khai, song theo khảo sát của ngành GD - ĐT cho thấy, có tới hơn 60% số sinh viên chưa hiểu rõ về các hoạt động và ý nghĩa của việc khởi nghiệp sớm.

 

Bài và ảnh: Thái Yến

Nguồn: http://m.daibieunhandan.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877067

TRUY CẬP HÔM NAY: 317

ĐANG ONLINE: 16