Làm người “hot” trong nghề mình chọn


Ngày 8-1, tại Trường THPT Hàn Thuyên (TP.HCM) đã diễn ra chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức nhằm cung cấp thông tin về ngành nghề, cơ hội việc làm cũng như kỹ năng chọn nghề cho học sinh. Chương trình có sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).

 

Ông Trần Hữu Xuân Thu (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) tư vấn riêng

cho các em học sinh.

 

Trao đổi với học sinh trong trường, các chuyên gia về thị trường lao động và tuyển sinh khẳng định: Với cơ cấu ngành nghề như hiện nay cùng dự báo xu hướng việc làm trong những năm tới, việc học trường nào, bậc học nào không quan trọng, mà quan trọng là chọn được ngành học phù hợp cùng thái độ học tập đúng đắn để có giá trị hành nghề cao. Theo TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KH-XH&NV TP.HCM), các em học sinh cần chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, xu hướng việc làm và điều kiện kinh tế gia đình. “Tất cả phải xuất phát từ đam mê của mình thì mới thành công”, TS. Hạ nói. Theo đó, các em phải xác định được “mình sẽ làm công việc gì trong 4 năm tới”, không lựa chọn ngành nghề theo số đông. “Rất nhiều sinh viên bị buộc thôi học do không bắt kịp chương trình, phương pháp học tập mới hoàn toàn so với bậc phổ thông. Vì thế ngay từ đầu các em phải xác định năng lực và đam mê của mình để xem có đủ sức vượt qua những khó khăn ở giảng đường ĐH hay không? Nếu không quản lý thời gian tốt, không có sự dấn thân thì khó có thể ra trường”, TS. Hạ cảnh báo.

 

Bà Đinh Thị Thúy Nga (đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhận định, trong giai đoạn hội nhập, cơ hội việc làm ở ngành nghề nào cũng có nhưng ngoài chuyên môn cao cần hội đủ các kỹ năng như: kỹ năng thực hành, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật. Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đúc kết: “Không có ngành nghề nào “hot”, chỉ có con người “hot” trong ngành nghề đó mà thôi. Chính vì thế, bản thân mỗi người phải tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết để bước vào đời”.

 

Tại chương trình, em Minh Khoa (học lớp 12A1) chia sẻ: “Em nuôi ước mơ trở thành một chuyên viên tham vấn tâm lý và muốn tìm hiểu kỹ hơn về các chuyên ngành hẹp để có hướng đi đúng”. Bà Chế Dạ Thảo trả lời: “Hiện nay, ở các trường ĐH-CĐ đào tạo ngành nghề gì cũng phải học tâm lý. Cụ thể, ngành quản trị kinh doanh thì học tâm lý khách hàng; ngành y dược thì học tâm lý bệnh nhân… Nếu thật sự có đam mê với bộ môn tâm lý thì em có thể chọn các chuyên ngành theo sở trường như chuyên viên tham vấn học đường, tư vấn ở môi trường doanh nghiệp, tư vấn viên độc lập…”. Phân tích sâu hơn về việc chọn ngành tâm lý, TS. Hạ khuyên: “Đối với ngành học này, việc thích không thôi chưa đủ mà bản thân mình phải biết rõ những yêu cầu gì đặt ra cho ngành mình chọn. Ở đây yêu cầu bắt buộc là khả năng lắng nghe, đọc được biểu cảm của người đối diện, có độ nhạy để quan sát và nắm bắt vấn đề…”.

 

Đặc biệt, nhiều học sinh rất quan tâm đến chính sách liên thông ở một số trường TC và CĐ. Em Trần Nguyễn Nguyên Thư (học lớp 12A2) đặt câu hỏi: “Em muốn học ĐH nhưng không đủ trình độ, vậy học TC-CĐ sau đó liên thông lên ĐH có được không?”. Ông Trần Hữu Xuân Thu (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) trả lời: “Đây là con đường mà nhiều người lựa chọn, không chỉ vì học lực mà còn vì điều kiện kinh tế muốn rút ngắn thời gian học tập, sớm ra trường đi làm. Chính sách liên thông hiện cũng thông thoáng, tạo điều kiện để người học phát triển con đường học vấn”.

 

Ngành thương mại điện tử cũng được nhiều học sinh Trường THPT Hàn Thuyên quan tâm. Theo các chuyên gia, đây là ngành mới đang phát triển không chỉ ở các quốc gia tiên tiến mà ngay tại Việt Nam, ngành này đang cần nguồn nhân lực được đào tạo bài bản với mức lương cao.

 

T.Anh

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024713191

TRUY CẬP HÔM NAY: 17932

ĐANG ONLINE: 89