Người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp


Sau Tết, hầu hết công nhân của Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) đã trở lại làm việc.

 

Thông thường, sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh có sự biến động. Tuy nhiên, theo các đơn vị chức năng, người lao động đang có xu hướng ổn định công việc, đồng thời các doanh nghiệp (DN) cũng có các giải pháp căn cơ để “giữ chân” người lao động gắn bó lâu dài…

 

Vừa cùng vợ, con từ Nam Ðịnh vào lại TP Hồ Chí Minh sau hơn một tuần nghỉ Tết, anh Nguyễn Minh Thắng, công nhân thuộc bộ phận ép nhựa của Công ty TNHH Nidec Việt Nam đóng tại Khu công nghệ cao (quận 9) bắt tay vào công việc ngay từ mồng 7 tháng Giêng, đúng ngày đi làm lại của toàn công ty. Anh Thắng cho biết, anh cùng vợ làm việc ổn định tại công ty bảy năm qua, cho nên không có ý định "nhảy" việc dù các công ty lân cận Khu công nghệ cao rao tuyển với mức lương cao hơn. Theo anh Thắng, điều khiến anh gắn bó với Công ty Nidec Việt Nam là mức lương phù hợp với mặt bằng chung (từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng), chế độ phúc lợi và sự quan tâm của tổ chức công đoàn kịp thời. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, công ty đều tổ chức các chuyến xe chở công nhân về quê vui Tết và đón trở lại thành phố làm việc. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của lãnh đạo Công ty Nidec Việt Nam, sau Tết Nguyên đán, công nhân làm việc thời vụ (dưới ba tháng) thường bỏ việc, cho nên bộ phận nhân sự phải nhanh chóng tìm tuyển lao động để kịp thời thay thế nhằm duy trì dây chuyền
sản xuất.

 

Cũng tại Khu công nghệ cao, một công ty của I-ta-li-a chuyên sản xuất thiết bị đọc đếm mã vạch sản phẩm có tình trạng biến động về nhân sự, nhất là công nhân có tay nghề cao thời điểm sau Tết. Lãnh đạo công ty này chia sẻ, một số công ty đóng ở khu chế xuất, khu công nghiệp thiếu hụt công nhân có tay nghề cao, đăng tuyển với mức lương rất khá nhằm "hút" nhân lực. Ðiều làm cho nhiều người lao động đắn đo trước khi chuyển việc là công ty rất chú trọng đến các chế độ phúc lợi đi kèm (cho học ngoại ngữ, hỗ trợ chi phí gửi con nhỏ cho công nhân, khám sức khỏe, bảo hành xe máy định kỳ…) nên đã "níu" họ ở lại.

 

Ghi nhận tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), một số công nhân làm việc tại các công ty của Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản thời gian gần đây ít có xu hướng "nhảy" việc hơn trước. Nhiều công nhân chia sẻ, chế độ phúc lợi của công ty đầy đủ và điều kiện sinh hoạt ổn định chính là yếu tố đã "giữ chân" họ và yên tâm làm việc lâu dài. Theo khảo sát của một số trung tâm giới thiệu việc làm, thời gian gần đây, nhân viên ngành công nghệ thông tin có xu hướng "nhảy" việc nhiều nhất vì các công ty chuyên về dịch vụ và công nghệ "săn" nhân sự bằng mọi giá.

 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, sau Tết Nguyên đán 2018, thiếu hụt lao động không lớn, bình quân từ 3% đến dưới 5% đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt, may, chế biến. Với những ngành dịch vụ như phục vụ nhà hàng, khách sạn, mức độ thiếu hụt trung bình 8-10% do gia tăng tuyển thêm nhiều lao động. Tình trạng dịch chuyển lao động tập trung nhiều ở lực lượng lao động phổ thông và nhân sự chất lượng cao. Lao động phổ thông, họ sẽ tìm những vị trí làm việc có mức lương và chế độ đãi ngộ tốt. Nhân sự chất lượng cao, ngoài nhu cầu dịch chuyển với mức lương tương xứng, còn tìm môi trường văn hóa DN phù hợp, môi trường quản lý chuyên nghiệp hơn…

 

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn  nhận định: Với nhiều chế độ đãi ngộ, chăm lo người lao động tốt từ các DN, những năm gần đây, việc thiếu hụt lao động sau Tết đã được khắc phục đáng kể. Năm 2018, thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, các DN dần chú trọng tuyển chọn nhân sự có "chất" hơn là chạy theo "lượng"; người lao động cũng quan tâm nhiều về chế độ đãi ngộ lâu dài và hiệu quả kinh doanh của DN. Do đó, những DN làm ăn theo kiểu "chụp giật" khó có đất sống… Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các DN tại thành phố, năm 2018, dự kiến TP Hồ Chí Minh có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc, tăng bình quân 5% so với năm 2017. Trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới, tăng 4% so với năm 2017.

 

Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, có một nghịch lý là thành phố đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển; việc phát triển thị trường lao động của thành phố chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu lao động…

 

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN

Nguồn: http://nhandan.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024932858

TRUY CẬP HÔM NAY: 5639

ĐANG ONLINE: 20