THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I – DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ II NĂM 2018 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Số: 103/BC-TTDBNL Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 03 năm 2018

 

BÁO CÁO
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I –
DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ II NĂM 2018
TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I NĂM 2018.


Năm 2018, thành phố triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế  động lực thúc đẩy phát triển thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh.


Tính từ đầu năm đến ngày 15/02/2018, Thành phố đã có 5.593 doanh nghiệp đăng ký giấy phép thành lập mới, với tổng vốn đạt 67.580 tỷ đồng (tăng 59,9% về số lượng giấy phép và 59,8% về số vốn đăng ký). Điều này tác động tích cực đến cung – cầu lao động trên địa bàn thành phố.


Quý I/2018, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM thực hiện khảo sát 7.726 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 27.552 chỗ làm việc, 13.713 người có nhu cầu tìm việc. Tổng hợp, phân tích như sau:


1. Nhu cầu nhân lực


   Nhu cầu nhân lực quý I/2018 tăng 38,08% so với cùng kỳ năm 2017, tập trung ở các nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động, cụ thể như sau:


   Kinh doanh (20,77%): Nhóm ngành nhu cầu tuyển dụng cao nhất, ở những vị trí như: Nhân viên bán hàng, bán hàng siêu thị, nhân viên kinh doanh, trưởng nhóm bán hàng, giám sát bán hàng, Sales Admin,…


   Dịch vụ - Phục vụ (14,94%):  Những vị trí như: Nhân viên tạp vụ, vệ sinh công nghiệp, nhân viên vệ sinh khu căn hộ, nhân viên bảo vệ, nhân viên giao nhận hàng hóa, nhân viên soát vé….


   Công nghệ thông tin (6,66%): Tập trung ở những vị trí như: Nhân viên IT, Lập trình viên, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, Thiết kế và quản trị website, nhân viên kỹ thuật thiết bị mạng,…


   Dệt may – Giày da (6,49%): Tuyển dụng chủ yếu là công nhân may, nhân viên may mẫu, thiết kế mẫu, rập, nhân viên kcs;


   Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (5,95%): Nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên trực tổng đài, chuyên viên tư vấn khách hàng, nhân viên chăm sóc quầy hàng;


   Kế toán – Kiểm toán (5,86%): Tập trung ở những vị trí như: Kế toán trưởng, kế toán tổng hợp, kế toán thuế, nhân viên kiểm toán nội bộ, kế toán kho;


   Kinh doanh tài sản – Bất động sản (5,71%): Chủ yếu là nhân viên kinh doanh bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản;


   Hành chính văn phòng(3,92%): Tập trung ở những vị trí như: Thư ký, nhân viên văn phòng, lễ tân, trợ lý giám đốc.

 


Biểu 1: Nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý I năm 2018


   Nhu cầu tuyển dụng lao động theo cơ cấu trình độ Đại học trở lên chiếm 24,25% tập trung ở các nhóm ngành như: Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Công nghệ thông tin, Kế toán – Kiểm toán, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Marketing – Quan hệ công chúng, Hành chính văn phòng…Nhu cầu lao động trình độ Cao đẳng chiếm 21,18%, Trung cấp chiếm 13,23%, Sơ cấp nghề và CNKT lành nghề chiếm 10,50%, Lao động chưa qua đào tạo chiếm 30,84%.
Biểu 2: Chỉ số nhu cầu tuyển dụng quý I/2018 theo cơ cấu trình độ


 
 

   Về kinh nghiệm: Không yêu cầu kinh nghiệm làm việc chủ yếu ở nhóm ngành Kinh doanh – Bán hàng, dịch vụ, phục vụ, giao nhận hàng hóa; đóng gói sản phẩm; yêu cầu kinh nghiệm 1 năm và từ 2 đến 5 năm làm việc tập trung nhiều ở nhóm ngành Kế toán – Kiểm toán, Hành chính văn phòng, Công nghệ thông tin, Kiến trúc – Xây dựng; yêu cầu trên 5 năm làm việc chủ yếu ở nhóm ngành Quản lý điều hành như: Giám đốc, Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc kinh doanh, Giám đốc điều hành chung…


   Về mức lương: Tỷ lệ người  lao động và nhà tuyển dụng thỏa thuận mức lương khi phỏng vấn chiếm 39,62%, mức lương từ 5 – 8 triệu chiếm 28,05%, mức lương từ 8 – 10 triệu chiếm 14,58%, mức lương từ 10 – 15 triệu chiếm 7,49%, mức lương dưới 3 triệu chỉ chiếm 0,22%. Mức lương trên 15 triệu chiếm 6,24%, mức lương cao này tập trung ở một số ngành nghề như: Kiến trúc, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Quản lý điều hành, Công nghệ thông tin,….


Biểu 3: Chỉ số nhu cầu tuyển dụng quý I/2018 theo mức lương


2. Nhu cầu tìm việc làm


   Nhu cầu tìm việc quý I/2018 có nhiều biến động do sự dịch chuyển lao động của các tỉnh khác vào thành phố tăng cao về số lượng lẫn chất lượng góp phần làm cho thị trường lao động thành phố sôi động và mang tính cạnh tranh cao, tập trung cao ở các nhóm ngành: Kế toán – Kiểm toán (12,53%) là nhóm ngành có số người tìm việc cao nhất; Nhân viên kinh doanh – Bán hàng (10,50%), Hành chính văn phòng (9,87%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (8,00%), Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (5,79%), Quản lý điều hành (5,12%), Cơ khí – Tự động hóa (4,62%), Marketing – Quan hệ công chúng (4,36%).


Biểu 4: Nhóm ngành có số người tìm việc cao quý I năm 2018
 


   Về trình độ lao động: Số người tìm việc có trình độ Đại học trở lên chiếm 64,05%, Cao đẳng chiếm 15,51%, Trung cấp chiếm 8,45%, Sơ cấp nghề và CNKT lành nghề chiếm 7,17%, Lao động chưa qua đào tạo chiếm 4,82%.


Biểu 5: Cơ cấu người tìm việc theo trình độ CMKT quý I năm 2018
 


   Về kinh nghiệm làm việc của người lao động: Chỉ số người lao động tìm việc chưa có kinh nghiệm làm việc chiếm 15,03%, có kinh nghiệm 1 năm chiếm 19,09%, có kinh nghiệm từ 2 đến 5 năm chiếm 33,61%, có kinh nghiệm trên 5 năm làm việc chiếm 32,27%.


II. NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ II NĂM 2018


1. Nhu cầu nhân lực:


   Nhu cầu nhân lực quý II năm 2018 trên địa bàn thành phố cần khoảng 80.000 chỗ làm việc (tháng 4/2018: 27.000 chỗ làm việc; tháng 5/2018: 27.000 chỗ làm việc và tháng 6/2018: 26.000 chỗ làm việc), tập trung ở các nhóm ngành nghề sau: Nhân viên kinh doanh – Bán hàng (19,85%), Dịch vụ - Phục vụ (15,41%), Dệt may – Giày da (8,30%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (6,99%), Dịch vụ thông tin  tư vấn – Chăm sóc khách hàng (5,56%), Công nghệ thông tin (4,33), Kế toán – Kiểm toán (3,76%), Kinh doanh tài sản – Bất động sản (3,47%), Cơ khí – Tự động hóa (3,13%),


Biểu 6: Dự báo nhu cầu nhân lực quý II năm 2018
 


   Theo cơ cấu trình độ, xu hướng nhu cầu nhân lực có trình độ Đại học trở lên chiếm 24,12%, Cao đẳng chiếm 16,05%, Trung cấp chiếm 17,21%, Sơ cấp nghề và CNKT lành nghề chiếm 18,58%, Lao động chưa qua đào tạo chiếm 24,04%.


   Ngoài những yêu cầu về trình độ chuyên môn, bằng cấp; thị trường lao động thành phố vẫn luôn tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; các doanh nghiệp vẫn luôn chú trọng tuyển dụng theo xu hướng lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn yêu cầu về chất lượng, trình độ lao động, có tay nghề, năng suất lao động đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động. Một số ngành đòi hỏi nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật và qua đào tạo có nhu cầu tuyển dụng cao như: Công nghệ thông tin, Cơ khí –Tự động hóa, Biên phiên dịch, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng…., các ngành tuyển dụng số lượng lớn lao động sơ cấp nghề, chưa qua đào tạo như Dệt may – Giày da, Kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.


2. Nhận định chung:


   Năm 2018 thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử. Tình hình kinh tế xã hội quý II năm 2018 tiếp tục ổn định, sản xuất phát triển, môi trường đầu tư thuận lợi, thành phố tiếp tục quan tâm chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nên gia tăng tuyển dụng lao động, tạo điều kiện cho nguồn nhân lực thành phố đặc biệt sinh viên học sinh có nghề chuyên môn, có kỹ năng thuận lợi để tìm việc làm ổn định.

 
Nơi nhận:  
- Đ/c Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở;
- Phòng Việc làm – An toàn Lao động;
- Phòng Giáo dục Nghề nghiệp;
- Phòng Lao động - Tiền lương – Bảo hiểm Xã hội;
- Văn phòng Sở;
- Phòng Văn hóa – Xã hội – UBND TP.HCM;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu./.

GIÁM ĐỐC

 




Trần Thị Anh Đào

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024724246

TRUY CẬP HÔM NAY: 8956

ĐANG ONLINE: 15