Các Doanh nghiệp Việt với Cách mạng công nghiệp 4.0


(HCM CityWeb) – Sáng 12/4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp Việt với Cách mạng công nghiệp 4.0” với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp.

 

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

 

Trong phiên tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình với Cách mạng công nghiệp 4.0”,  ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng Việt Nam là xứ sở nông nghiệp, công nghệ sinh học rất quan trọng, giúp cho việc ứng dụng vào đời sống thực tiễn. Vinamit luôn hướng đến những giải pháp cho nông nghiệp, luôn đào sâu nghiên cứu tất cả công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sấy đông khô và đặc biệt trong 5 năm gần đây Vinamit nghiên cứu rất kỹ về ứng dụng công nghệ sinh học.

 

Ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, với tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải hướng tới, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà ngay cả công nghệ sinh học cũng phải được quan tâm, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo đột phá, thì nó có sức hấp dẫn người tiêu dùng.

 

Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC cho rằng các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong tiến trình theo kịp các cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu. Trước tốc độ phát triển công nghệ kỹ thuật hay công nghệ thông tin đưa vào quản lý sản xuất, kinh doanh đều đang rất nhanh, nếu không chuyển biến, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển.

 

Trong sản xuất, Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế ICC đang đổi mới máy móc thiết bị tự động hóa, đồng thời đầu tư hệ thống quản lý nắm được tình hình sản xuất hằng ngày từ khâu đưa nguyên liệu vào đến khi sản phẩm ra thị trường. Chỉ cần một smartphone là có thể điều hành từ xa và trao đổi giải quyết nhanh ngay cả xử lý những sự cố. Công ty đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát thị trường để hỗ trợ kịp thời cho đội ngũ kinh doanh, mà không phải chờ hội họp báo cáo như trước đây. Công ty cũng tạo ra một ứng dụng kết nối với đối tác phân phối hay nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, tiết kiệm được nhiều giấy tờ và thời gian; ứng dụng trả lời thắc mắc về sản phẩm. Nhờ đó, các thông tin thị trường được phản hồi nhanh cho bộ phận sản xuất, giúp cho hoạt động sản xuất và kinh doanh phối hợp nhịp nhàng, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

 

Đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh số 250 triệu USD/năm và đầu tư cho sản xuất đến năm 2020 tăng năng lực lên gấp 5 lần so với hiện nay, Công ty cổ phần công nghiệp và thiết bị chiếu sáng Duhal đã xem công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng. Ông Huỳnh Dũng Sáng, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Duhal cho biết công ty đầu tư chiều sâu về công nghệ, liên tục cập nhật cải tiến và sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển sâu rộng hơn nhằm tối ưu quy trình sản xuất. Trong 3 năm qua, công ty đã đầu tư 30 triệu USD cho 2 nhà máy ở Tiền Giang và Bến Tre. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã có từ năm 2010 nên Duhal có khá nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo, triển khai và ứng dụng công nghệ trong các chuỗi sản xuất, chi phí sản xuất giảm. Vì vậy công ty đã tăng trưởng liên tục. Doanh thu năm 2017 đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng xuất khẩu chiếm 30%. Duhal cũng là đối tác chiến lược của tập đoàn Samsung Hàn Quốc.

 

Phó giáo sư Tiến sĩ  Lê Hoài Quốc cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây; nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thâm dụng lao động phổ thông.

 

Đối với TPHCM, ông cho rằng cần chuyển đổi cơ cấu lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng giảm thâm dụng lao động phổ thông, tăng thâm dụng công nghệ và thâm dụng lao động có kỹ năng chuyên môn cao bằng chính sách, cơ chế ưu đãi áp dụng cho các doanh nghiệp và cho các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp; có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp FDI tham gia phát triển chuỗi cung ứng nội địa (nội địa hóa), có cơ chế đặc biệt để khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư tham gia chuỗi cung ứng nội địa.

 

Bên cạnh đó, TPHCM cũng cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành, đào tạo liên ngành; dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng Internet); phát triển thị trường vốn dài hạn, và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo.

 

Phúc Thịnh

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723777

TRUY CẬP HÔM NAY: 8466

ĐANG ONLINE: 12