Áp lực thất nghiệp đang gia tăng đối với hàng triệu lao động Việt Nam


TheLEADER - Theo các chuyên gia về nguồn nhân lực của EuroCham, áp lực thất nghiệp hiện đang gia tăng với hơn 46 triệu công nhân hiện chưa được đào tạo chuyên sâu, họ đang phải đối mặt với một mối đe dọa trực tiếp bị thay thế bởi robot và công nghệ thông minh.

 

Trong thời gian gần đây, những cơ hội và thách thức của lực lượng lao động trong nước khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), được thảo luận khá sôi nổi. 

 

Trao đổi với TheLEADER, bà Mai Lan Anh, Chủ tịch Tiểu ban nguồn nhân lực và đào tạo thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới mang đến nhiều cơ hội mở cho lực lượng lao động trong nước. Tuy nhiên, những thách thức mà lực lượng lao động Việt Nam phải vượt qua trong bối cảnh này cần được chú trọng. 

 

Áp lực thất nghiệp đang gia tăng đối với hàng triệu lao động Việt Nam
Bà Mai Lan Anh

 

Đánh giá về những cơ hội, bà Lan Anh nhận định, càng có nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam càng thu hút các nhà đầu tư và công nghệ hiện đại từ nước ngoài. Do đó, lao động Việt Nam ngày càng có nhiều điều kiện tiếp xúc với công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm làm việc đến từ các nước phát triển.

 

Ngoài ra, các FTA mang đến nhiều cơ hội luân chuyển lao động trong khu vực và toàn cầu, tạo thêm nhiều điều kiện cho lao động Việt Nam đến làm việc ở các thị trường phát triển hơn. 

 

Xét về thách thức, đại diện EuroCham cho biết, trong EVFTA, Việt Nam tái khẳng định cam kết của mình phù hợp với các nghĩa vụ phát sinh từ tư cách là thành viên của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và tuyên bố ILO về các nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc, đáng chú ý nhất là quyền tự do hiệp hội và công nhận một cách hiệu quả quyền thương lượng tập thể.

 

Do đó, Chính phủ sẽ có nghĩa vụ nội luật hóa các cam kết trên, tạo dựng một khung pháp lý tiến bộ hơn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của lực lượng lao động Việt Nam tốt hơn.

 

Bên cạnh đó, lực lượng lao động Việt Nam cũng cần được chuẩn bị tốt hơn để có thể vượt qua những thách thức trước mắt và tiếp tục phát triển. 

 

"Một nguyên nhân gốc rễ của những thách thức này, theo chúng tôi là chất lượng của hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước. Để đáp ứng nhu cầu hội nhập, hệ thống giáo dục và đào tạo đang cần một cuộc cách mạng cơ bản và toàn diện để đảm bảo trang bị các kỹ năng và ngành nghề cần thiết cho lực lượng lao động Việt Nam", bà Lan Anh lý giải.

 

Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào các FTA cũng có đồng nghĩa với việc lao động của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn với lao động của các nước. 

 

Tuy nhiên, theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu talent 2018 (GTCI) được thực hiện bởi INSEAD Business School, Tata Communications, Việt Nam đứng thứ 87 trong 119 nước về tính cạnh tranh tài năng toàn cầu dựa trên bối cảnh kinh tế hiện tại, sự thu hút, tăng trưởng và giữ chân nhân tài, kỹ năng nghề, kỹ thuật và kiến thức toàn cầu; hạng mục xếp hạng thấp nhất của Việt Nam là kỹ năng nghề và kỹ thuật. 

 

Theo cập nhật thị trường lao động số 16, quý IV/2017 do Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam chỉ chiếm 21,8% tổng lực lượng lao động. Phần lớn lực lượng lao động Việt Nam không có kỹ năng cần thiết và thiếu tay nghề, các công việc hiện có được trả lương thấp và làm việc trong môi trường độc hại cao.

 

Bà Lan Anh đánh giá, lao động Việt Nam có điểm mạnh là cần cù, chăm chỉ giỏi tính toán, học hỏi nhanh, giá lao động cạnh tranh. Tuy nhiên, tính thụ động trong công việc, ý thức tuân thủ thấp, thiếu kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng mềm và đặc biệt là tinh thần làm việc nhóm và quản lý dự án còn thấp là những điểm yếu kém cần được khắc phục.

 

Thực tế cho thấy một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã bày tỏ mối lo ngại về trình độ ngoại ngữ của nhân viên Việt Nam gây ra những khó khăn trong giao tiếp nội bộ. 

 

Đâu là chìa khóa?

 

Để vượt qua những thách thức này, ông Khuất Văn Trung, Phó chủ tịch Tiểu ban nguồn nhân lực và đào tạo của EuroCham cho rằng, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có lộ trình rõ ràng và cụ thể; mau chóng thích nghi, hội nhập nền kinh tế thế giới và khẳng định vị thế của lực lượng lao động Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Trước hết, Chính phủ cần cải cách và thiết lập một bộ chính sách hoàn chỉnh về hệ thống giáo dục đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và xu hướng phát triển trong khu vực và quốc tế; cung cấp các khóa đào tạo tốt, liên tục hơn để cải thiện và củng cố chất lượng cho lực lượng lao động của mình; 

 

Có thể áp dụng khung pháp lý nhằm thúc đẩy và khuyến khích các thành phần tư nhân tham gia tích cực hơn trong việc cung cấp các dịch vụ đào tạo nghề để gián tiếp hỗ trợ sự hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức đào tạo và doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp do sự khác biệt giữa cung và cầu.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước tiên tiến về mặt nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật, đào tạo cho giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý trong ngành giáo dục và đào tạo.

 

Ngoài ra, ông Trung nhìn nhận, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào việc dự báo nhu cầu lao động dựa trên yêu cầu về chuyên môn và năng lực nhằm thay đổi thực tiễn định hướng nghề sai lệch cho lực lượng lao động tương lai.

 

Trên thực tế, học sinh trung học vẫn được khuyên nên chọn trường đại học và cao đẳng để dễ tiếp cận do điểm tuyển sinh thấp hơn thay vì được tư vấn chọn những trường hoặc cơ sở giáo dục, đào tạo sẽ định hướng họ đến một con đường sự nghiệp tươi sáng.

 

Cải thiện điều kiện lao động ở Việt Nam (loại bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử tại nơi làm việc, giảm sút chất lượng của môi trường làm việc) để đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký cũng được đại diện EuroCham đánh giá là một vấn đề trọng yếu. Theo đó, việc thực thi các cam kết này sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng tính hiệu quả và năng suất trong công việc.

 

Các doanh nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động bằng việc thường xuyên tổ chức các hội thảo đào tạo nhân viên, tích cực khen ngợi để nhân viên thấy rõ tầm quan trong của sự đóng góp của mình, khuyến khích nhân viên trau dồi các kỹ năng mới để thích ứng với những thay đổi trong tương lai. 

 

"Các doanh nghiệp cần ý thức được rằng phúc lợi và trợ cấp không còn là ưu tiên hàng đầu của lao động có trình độ, chất lượng cao. Sự quan tâm của họ đã chuyển dần sang các cơ hội đào tạo và phát triển nghề nghiệp", ông Trung cho biết.

 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại diện EuroCham nhận định, Việt Nam không thể dựa mãi vào chi phí lao động thấp và lực lượng lao động dồi dào để duy trì khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Áp lực thất nghiệp trong thời đại hiện đại đang gia tăng với hơn 46 triệu công nhân hiện chưa được đào tạo chuyên sâu; do đó họ đang phải đối mặt với một mối đe dọa trực tiếp bị thay thế bởi robot và công nghệ thông minh.

 

Theo đó, cùng với việc dự báo nhu cầu lao động, Chính phủ và doanh nghiệp cần tiến hành thường xuyên các chiến dịch nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một thuật ngữ thường không được biết đến trong lực lượng lao động phổ thông, nỗ lực thay đổi thái độ của người lao động để họ chủ động và hợp tác với người sử dụng lao động trong việc học hỏi, nâng cao tay nghề và kỹ năng.

 

Đặng Hoa

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875939

TRUY CẬP HÔM NAY: 982

ĐANG ONLINE: 8