TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CHƯƠNG TRÌNH CÂU CHUYỆN KINH DOANH - HTV9


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

CHƯƠNG TRÌNH CÂU CHUYỆN KINH DOANH - HTV9

Chủ đề: “Nguồn nhân lực về robot tự động hóa - Cung đang vênh cầu”

 

Câu 1: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về nhu cầu nguồn nhân lực về robot tự động hóa hiện nay?

 

Trả lời:

 

        Ngày nay, hệ thống tự động hóa và điều khiển hiện có mặt trong hầu hết các dây chuyền sản xuất, từ thiết bị đóng gói tự động cho đến các dây chuyền lắp ráp tự động tivi, xe hơi,… Xa hơn nữa là những robot lớn nhỏ giúp ích cho cuộc sống, từ những cánh tay khổng lồ lắp ráp liên tục trong nhà máy xe hơi hay những chú robot nhỏ lăn khắp ngóc ngách để lau nhà, cọ rửa toilet.

 

        Việc phát triển Ngành Tự động hóa đã và đang là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Thời gian qua TP.HCM đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực robot tự động hóa nhưng doanh nghiệp vẫn than thiếu, nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như hiện nay.

 

        Hiện ngành này được coi là một trong những ngành “hot” tại các trường có đào tạo khối kỹ thuật như Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hay Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường Đại học Tôn đức Thắng, Đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Công nghệ Sài gòn, Trường Cao đẳng Cao Thắng, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải, Trường Cao đằng Công nghệ Thủ đức,…

 

        Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhưng chưa quy hoạch tới từng ngành nghề và trình độ đào tạo, quy mô một số cơ sở GDNN còn nhỏ, chưa hình thành cơ sở chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế. Các trường Đại học sư phạm kỹ thuật mới chỉ đào tạo giáo viên GDNN cho một số ngành nghề… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đào tạo nhiều ngành nghề nhưng không đáp ứng đủ nguồn nhân lực các ngành mà Thành phố đang cần.

 

        Riêng hệ thống GDNN tại TP.HCM, số liệu tuyển sinh phân công theo lĩnh vực năm 2017 ở 04 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu đạt 52.056 người (tỷ lệ 11,25%); công tác đào tạo phân công theo lĩnh vực ở 04 nhóm ngành này cũng chỉ đạt 7,54% (tương đương 27.012 người). Từ kết quả này cho thấy, cung vẫn còn vênh với cầu, chưa gắn với dự báo nhu cầu nhân lực, dự báo việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các nhóm ngành công nghệ kỹ thuật tiên tiến, cụ thể là robot tự động hóa.

 

        Nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu Công nghệ cao là rất lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa. Việc sử dụng robot trong tự động hóa sản xuất công nghiệp là lĩnh vực mới ở Việt Nam nhưng trong tương lai gần, Việt Nam đang hướng tới công nghiệp hóa thì nhu cầu kỹ thuật viên cao cấp cũng vì thế mà tăng cao.

 

        Sự thiếu hụt lớn về nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật, nhóm ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam, ước tính mỗi năm, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đặn gần 50%, trong khi thực tế với 500.000 ứng viên công nghệ thông tin ra trường chỉ có 8% đáp ứng được nhu cầu này Nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo,... chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển, tỷ lệ này lên đến 40 – 60%. Đây là một thách thức đối với nền công nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung khi tác động của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ, sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot.

 

 

Câu 2: Nguồn nhân lực robot tự động hóa cung đang không đủ cầu, theo ông làm thế nào để giải quyết vấn đề này.

 

Trả lời:

 

        Cần hợp tác đào tạo, Sở Lao động -TB&XH TP.HCM sẽ liên kết với Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt Nhật (Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM - VJTC) để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực robot tự động hóa. Nguồn nhân lực này phải được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn vững vàng và kỹ năng thực hành tốt đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp công nghệ cao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.

 

        Đào tạo nhân lực thông qua chương trình thực tập liên quan đến cánh tay phải robot; hỗ trợ phát triển chương trình thực tập; chuyển giao công nghệ, cộng đồng nghiên cứu với các đối tượng là trường Đại học – Cao đẳng và doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghiệp robot và tự động hóa.

 

        Với xu thế phát triển các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố và sự hỗ trợ của doanh nghiệp đối tác cũng như Chính phủ Nhật Bản, robot và tự động hóa sẽ là lĩnh vực ưu tiên phát triển và đào tạo nghề

 

        Trang bị đầy đủ máy móc và thiết bị hiện đại để có thể cung cấp chương trình đào tạo hiệu quả và có chất lượng cao về lĩnh vực robot tự động hóa, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đa dạng của doanh nghiệp TP.HCM trong tương lai. Trung tâm sẽ tạo mọi điều kiện để giáo viên GDNN có thể tiếp cận, thực hành, qua đó chuẩn bị giáo trình giảng dạy sát thực tế hơn.

 

                                                                                                                                                  Trần Anh Tuấn

                                                                                                                                                   Phó Giám đốc

                                                                                                                                Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

                                                                                                                           và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

                                                                                                                                                Ngày 26.6.2018

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024866890

TRUY CẬP HÔM NAY: 233

ĐANG ONLINE: 10